RFA
2024.01.27
Bản đồ vùng nước nổi dọc theo hạ lưu sông Mekong ở Campuchia và Việt Nam (ảnh minh họa)
“Nước đi về đâu: mùa khô Mekong năm 2024” là chủ đề của hội thảo được diễn ra hôm 25 tháng Một, 2024, tại Stimson Center ở Washington DC.
Nhiều chuyên gia và nhà hoạt động môi trường hàng đầu về sông Mekong có mặt tại hội thảo, đưa ra nhiều phân tích liên quan đến diễn biến lưu lượng nước trên sông Mekong, lượng nước mưa, hoạt động của các đập thủy điện, hiện tượng El Nino, sự phình to của hồ Tonlesap trong các năm gần đây… nhằm dự đoán về tình hình sông Mekong trong năm tới.
Thủy điện ở thượng nguồn
TS. Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Giám sát các đập sông Mekong, đã chỉ ra ảnh hưởng của các đập thủy điện thượng nguồn đến dòng chính của sông Mekong. Khu vực này, ngoài các đập của Trung Quốc còn có nhiều đập của Lào và Thái Lan.
Hiện một vài khu vực của dòng sông Mekong, mực nước đã xuống thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các năm qua, theo T.S Brian Eyler.
Trong mùa khô, một số đập như Tiểu Loan của Trung Quốc đang xả nước và nó chiếm 23% lượng nước có thể sử dụng được cho khu vực sông Mekong. Việc xả lũ của đập Tiểu Loan khiến làm dâng nước ở một số khu vực của Thái Lan. TS. Brian Eyler cho biết có thể thấy mỗi lần đập Tiểu Loan xả nước, lượng nước này kết hợp với lượng nước tích dồn khác, có thể làm tăng dòng chảy của dòng sông. Điều đó ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đời sống xã hội ở lưu vực sông Mekong.
Ông Alan Basist, chủ tịch của tổ chức “Eyes on Earth” (tạm dịch là “Quan sát trái đất”) đã trình bày một bức tranh chung về nhiệt độ và lượng mưa hàng tháng của khu vực. Căn cứ trên số liệu các năm trước, ông dự đoán lượng nước vùng hạ lưu sông Mekong có được trong đầu mùa mưa năm nay sẽ thấp hơn mức trung bình các năm qua.
Đồng bằng sông Cửu Long dường như sẽ chịu ảnh hưởng từ một nguồn khác là hồ Tonlesap ở Campuchia. Đó là nhận định của ông Alan.
Ông Alan nói rằng so sánh với 30 năm trước thì có thể thấy xu hướng biến đổi khí hậu đã khá rõ ràng.
Trong năm năm qua, các đập ở hạ nguồn có xu hướng chung là khá khan hiếm nước.
Các đập thủy điện Trung Quốc ở thượng nguồn cũng có dấu hiệu giảm lượng nước như vậy. Đập Tiểu Loan và Nọa Trát Độ của Trung Quốc khá là khan hiếm nước, trong khi hai đập này chiếm 50% lượng nước của tất cả các đập thủy điện thượng nguồn. Ông Alan cho rằng các nước hạ lưu cần theo dõi mức độ tích lũy nước của các hồ này.
Do đó, có một câu hỏi được đặt ra là liệu các đập lớn ở thượng nguồn Mekong có đang thực hiện đúng chức năng của nó hay không. Vị chủ tịch của “Eyes on Earth” còn nói các dòng chảy tự nhiên của Mekong bị bóp méo nên tác động xấu đến khu vực. Trong năm 2022, đôi khi tháng 2, tháng 3 nước lại nhiều hơn mức cần thiết, gây ngập lụt tiêu cực, nhưng đôi khi nước lại thiếu, không đủ phục vụ nhu cầu. Trong năm 2023, tháng 4 và 5 thì nước cũng thấp hơn dòng chảy thông thường, cũng có thể một phần do hạn hán.
Ngoài các đập thượng nguồn thì các đập còn lại ảnh hưởng thế nào đến mực nước sông Mekong? Ông Alan lấy một ví dụ ở khu vực thượng nguồn Lào, các đập đã thay đổi dòng chảy của dòng sông Mekong. Năm 2023 hạ lưu Mekong đã không thấy lũ mặc dù có mưa. Những vùng trước đây có mùa nước nổi thì năm 2023 không còn nữa.
Biển hồ Tonlesap
Ông Alan Basist nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng chảy ngược từ sông Mekong vào hồ Tonlesap ở Campuchia đối với vùng hạ lưu. Vào cuối mùa mưa, tức là khoảng cuối tháng 10, 11 và 12, sông Mekong chảy ngược vào hồ Tonlesap. Theo ông Alan, khi mực nước sông Mekong cao hơn hồ Tonlesap, nước sông khi đó có lúc thậm chí cao hơn mực nước biển. Khi đó sẽ có dòng chảy ngược vào hồ Tonlesap. Trong hàng ngàn năm, điều đó tạo ra môi trường cho canh tác, nuôi trồng thủy sản. Khi dòng chảy ngược này không còn, nó sẽ có tác động lớn đến an ninh lương thực, xã hội.
Ông Alan cho biết trong năm 2023, đến tháng 11 thì dòng chảy ngược không còn nữa mà nước từ Tonlesap đổ ra lưu vực xung quanh. Ngoài ra, mùa mưa làm hồ Tonlesap phình to hơn. Lượng nước cung cấp cho dòng chảy ngược năm 2022 vào hồ Tonlesap chủ yếu từ các nhánh sông. Mực nước xung quanh hồ cao hơn hồ và chảy vào hồ làm hồ Tonlesap phình to ra. Đây là sự phình to lành mạnh, có ích cho nghề cá, xã hội, môi sinh.
Bà Chea Seila, Điều phối viên dự án của Chương trình “USAID Wonders of the Mekong” cho biết hơn 30% ngành đánh bắt cá ở Campuchia là đánh cá di cư. Một số rối loạn của dòng chảy Mekong đã ảnh hưởng đến đường di cư của cá. Cá đã thay đổi hướng di cư của chúng. Điều này ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội và môi trường trong khu vực.
TS. Brian cho biết hiện tượng biến đổi khí hậu còn tác động tới các loài chim trong khu vực. Các loài chim có thể mất tổ mà phải di cư sang vùng khác. Sự biến động của môi trường tự nhiên trở thành cú sốc đối với một số loài chim.
El Nino và xâm nhập mặn
TS. Nguyễn Văn Huy, Chuyên gia tư vấn của tổ chức ISET International, nói về ảnh hưởng của xu hướng Elnino tới khí hậu trong khu vực năm 2024. Ông dự báo nhiệt độ tăng 1,9 độ C, thấp hơn so với năm 2015 và 2016 (2,5 độ C.) Xu hướng Elnino sẽ gần giống như 2018 và 2019. Hiện tượng El Nino sẽ dừng lại vào khoảng tháng 3 năm 2024 và có thể chuyển thành hiện tượng Elso, sau đó là La Nina. Chúng sẽ gây ra mưa lớn ở khu vực thượng lưu và hạ lưu Mekong. Nếu có hạn hán thì chỉ ngắn chứ không kéo dài.
TS. Huy cho biết từ tháng 11 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024 lượng mưa theo tháng đã giảm mạnh ở Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu. Nó tạo ra khô hạn ở hạ lưu Mekong ở Việt Nam. Do đó, sẽ có hạn hán ngắn hạn trong vùng. Đồng thời, có thể sẽ có xâm nhập mặn vào khoảng tháng 2 và sẽ tiếp tục vào tháng 3.