2024.01.30
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Chủ tịch Võ Văn Thưởng tại Hà Nội hôm 30/1/2024
Việt Nam và Philippines vừa ký kết hai thỏa thuận liên quan đến tình hình an ninh trên khu vực Biển Đông, theo hãng tin Reuters.
Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. tới Việt Nam từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 1.
Hai thỏa thuận được ký kết tại Hà Nội được cho là liên quan đến hai lĩnh vực gồm: ngăn chặn sự cố trên khu vực Biển Đông và hợp tác biển.
Việt Nam và Philippines trở thành ‘đối tác chiến lược’ vào năm 2015, tuy nhiên, phải đến khi tổng thống Marcos Jr. lên nắm quyền ở Philippines, thì quan hệ hai nước mới bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực xung quanh vấn đề Biển Đông.
Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính của phía Việt Nam, Tổng thống Marcos Jr. cho biết thỏa thuận hợp tác biển sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển của hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, để cùng huấn luyện, trao đổi cán bộ và tàu thuyền, và tiến tới việc thực hiện nhiệm vụ cùng nhau.
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính của phía chủ nhà cho rằng hai nước cần phải đoàn kết và hợp tác chặt chẽ hơn, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp.
Trao đổi với đài Á châu Tự do, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu khu vực Châu Á-Thái bình dương, cho biết phản ứng của ông trước việc Việt Nam và Philippines tăng cường hợp tác trên Biển Đông:
“Đây là điều rất tích cực bởi vì hai nước là đối tác chiến lược của nhau. Nhưng mối quan hệ đó chưa từng được khai thác một cách tối đa. Nhưng dưới sự lãnh đạo của tổng thống Marcos, khi an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ được chú trọng hơn, thì ông ấy đã chủ trương hợp tác với các quốc gia trong khu vực.
Việc lực lượng cảnh sát biển của hai nước hợp tác với nhau là rất quan trọng, bởi vì đây là lực lượng ở tuyến đầu, có vai trò hỗ trợ ngư dân, duy trì trật tự trên biển, và thực thi luật pháp quốc tế. Do vậy, đây là tình huống cả đôi bên đều có lợi.”
Đây rõ ràng là sự phát triển tích cực đối với quan hệ song phương giữa Việt Nam và Philippines, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc, nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với cả hai nước Đông Nam Á, sẽ thấy hài lòng.
Trong ngày 29 tháng 1, tờ Hoàn cầu Thời báo, thuộc sở hữu của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cho đăng bài viết bình luận về chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Philippines, và đưa ra lời cảnh báo “xung đột sẽ gia tăng” nếu sự hợp tác giữa hai quốc gia Đông Nam Á đụng chạm đến lợi ích của Trung Quốc.
Cả Việt Nam và Philippines đều đã có những cuộc đụng độ với lực lượng hải giám của Trung Quốc trong những năm qua trên khu vực Biển Đông.
Vì vậy, có vẻ như phía Việt Nam đã chủ động tránh thu hút chú ý vào yếu tố hợp tác với Philippines trong lĩnh vực an ninh trên Biển Đông, bằng chứng là trong các bài báo tường thuật về lễ ký kết các thỏa thuận giữa hai quốc gia của truyền thông trong nước, thì lĩnh vực này không được nhắc đến.
Thay vào đó thì xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines được chọn làm tâm điểm.
Bình luận về khía cạnh này, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh hàng hải, tại trường đại học New South Wale, cho biết đúng là phía Việt Nam đã tỏ ra rất thận trọng để tránh sự “soi mói” của Trung Quốc:
“Trên thực tế thì Việt Nam cũng tương đối thận trọng trong việc tiếp cận vấn đề, ở đây là cái điều khoản cụ thể trong mối quan hệ hàng hải với Philippines, để tránh sự soi mói của Trung Quốc.
Philippines họ muốn có một số cơ chế tương tự như những cơ chế mà họ đã có với Mỹ, Nhật Bản, và Úc (các đồng mình của Philippines). Và Việt Nam thì lại không muốn Trung Quốc diễn giải mối quan hệ Việt Nam-Philippines, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo hướng chống Trung Quốc.
Philippines muốn rất nhiều, những phía Việt Nam, thể hiện thông qua hai văn bản, thì nhẹ hơn rất nhiều so với những gì Phillipines muốn.”
Về phía mình thì Giáo sư Carlyle Thayer cũng cho rằng Việt Nam tuy đẩy mạnh quan hệ với Philippines, nhưng đồng thời cũng muốn tránh gây căng thẳng thêm với Trung Quốc.