NHÀ HÁN “ĐOẠT KHỐNG” ĐẤT ĐAI NƯỚC TA

“Giả như người nước ta không ghi lại những sự việc của Lê Hoàn (hoàng đế Đại Hành) và chúng ta phải nghiên cứu qua tư liệu của người Trung Quốc, thì một đoán án đương nhiên phải xảy ra, đó là Lê Hoàn không xưng đế xưng vương hay đặt quốc hiệu lập xã tắc gì hết, ngược lại chỉ là một tiết độ sứ, một quan chức của nhà Tống” (thiền sư – giáo sư Lê Mạnh Thát).

– Nếu nước ta thời Hùng Vương vẫn là một nước độc lập kéo dài cho đến năm 43, nghĩa là giai đoạn “Bắc thuộc lần thứ nhất” không tồn tại ? – Tôi hỏi giáo sư Lê Mạnh Thát.

– Đúng vậy. Phải loại phần đó ra khỏi lịch sử. Chúng ta có đủ chứng cứ để làm như vậy.

– Nhưng sử sách vẫn còn ghi : Năm 214 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng đem quân đánh lấy đất Bách Việt, sau đó chia làm ba quận: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận mà Tượng Quận là nước ta ?

– Nam Hải, Quế Lâm ngày nay nằm trong hai tỉnh Quảng Đông và Quý Châu Trung Quốc thì đã rõ rồi, nhưng Tượng Quận thì không phải. Một số tài liệu Trung Quốc có chép một cách lầm lạc rằng nó là Nhật Nam (nước ta) sau này, nhưng đối chiếu với những tài liệu tin cậy cũng của chính Trung Quốc, từ rất sớm người ta đã biết Tượng Quận nằm giữa hai quận Uất Lâm và Tường Kha của Trung Quốc chứ không phải nước ta.

– Sử Trung Quốc cũng ghi rõ, năm 111 trước công nguyên, Hán Vũ đế đã chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà và đặt 9 quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai và Đàm Nhĩ thuộc Hán. Nếu cho đến năm 43 nước ta vẫn độc lập thì giải thích làm sao việc nước ta gồm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam nằm trong đất nhà Hán trước đó ?

– Đối chiếu với chính sử Trung Quốc ta đã thấy Triệu Đà chưa bao giờ chiếm Tây Âu lạc cả và Hán Vũ đế cũng chỉ chiếm Nam Việt của Triệu Đà. Rõ ràng là họ đã gom Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam vào đất Hán một cách vô căn cứ. Việc này không có gì lạ, sử Trung Quốc còn chép rằng năm 202 (trước CN) Hán Cao tổ Lưu Bang, ông cố của Hán Vũ đế lấy các đất Tượng Quận, Quế Lâm, Nam Hải của Triệu Đà phong cho Ngô Nhuế, nhưng ba nơi đó là của Triệu Đà. “Đà chưa hàng, xa đoạt khống, lấy phong cho Nhuế vậy”. Đất chưa lấy được mà “đoạt khống” làm đất của mình, chuyện đó là bình thường, không chỉ Lưu Bang mà trở thành thói quen cho các triều đại về sau này nữa… Bởi vậy việc “đoạt khống” ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam của ta không có gì lạ. Việc “đoạt khống” này có ba chứng cứ : Thứ nhất, Tiền Hán thư ghi rõ rằng Thứ sử Giao Chỉ “đóng ở Thương Ngô”, nghĩa là quân Hán chưa bao giờ đặt chân tới Giao Chỉ. Thứ hai, sử liệu Trung Quốc cũng cho thấy, việc đưa những người phạm tội đi đày thời đó chỉ đưa tới Hợp Phố chứ không hề thấy đưa đi xa hơn, tuy chưa phải là chứng cứ quyết định, nhưng cũng biểu thị rằng biên cương cực nam của nhà Hán chưa qua khỏi Hợp Phố, là vùng giáp giới với nước ta. Chứng cứ thứ ba là việc sử liệu Trung Quốc ghi “Phiên Ngung là một đô hội”, đây là chi tiết khá khác thường, bởi Tiền Hán thư đưa ra con số thống kê nhân khẩu cho thấy quận Nam Hải có 6 huyện chỉ vỏn vẹn có 94.253 dân, bình quân mỗi huyện, trong đó có Phiên Ngung, có trên dưới 15 ngàn dân, trong khi số dân Giao Chỉ 10 huyện số dân lên tới 764.237 người, bình quân mỗi huyện trên 75 ngàn dân, gần bằng số dân của cả Nam Hải. Đó là chưa kể Cửu Chân và Nhật Nam, dân số cộng lại cũng có trên 200.000 người. Thế mà lại nói “Phiên Ngung là một đô hội”. Điều không hợp lý này chỉ có thể được giải thích là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam trong thực tế không thuộc đất Hán. Có thể hỏi tại sao ba quận này không phải của nhà Hán mà nhà Hán lại có số liệu về “hộ khẩu”, câu trả lời cũng thật đơn giản: Đọc trong Tiền Hán thư, ta có thể bắt gặp một loạt tên các quốc gia độc lập ở Trung Á, chưa bao giờ “thuộc Hán”, nhưng vẫn có số liệu hộ khẩu như thường. Cho nên, nhà Hán có số liệu về hộ khẩu không nhất thiết nó thuộc nhà Hán.

Dù là Âu Lạc, Tây Âu, Tây Âu Lạc, Tây Vu, Việt Thường Thị hay Giao Chỉ – Cửu Chân – Nhật Nam, cũng đều là những tên gọi khác nhau của nước ta. Cần biết, các triều đại trong lịch sử Trung Quốc không bao giờ muốn nước ta độc lập cả, ngay cả khi nước ta có quốc hiệu đàng hoàng như Vạn Xuân (Lý Nam Đế), Đại Cồ Việt (Đinh Tiên Hoàng) hay Đại Việt (Lý-Trần), sử sách Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng những cái tên Giao Chỉ, An Nam để gọi một cách tùy tiện. Việc “đoạt khống” đất đai là nhằm thỏa mãn não trạng và ao ước bành trướng của họ.

HOÀNG HẢI VÂN

(“Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”, loạt bài đã đăng trên báo Thanh Niên, 2008. Trích)

KHÔNG CÓ CÁI GỌI LÀ “NGÀN NĂM BẮC THUỘC” CỦA DÂN TỘC VIỆT.

LỊCH SỬ LUÔN CÓ NHỮNG GÓC KHUẤT VÌ NÓ ĐƯỢC VIẾT BỞI NHỮNG KẺ THẮNG CUỘC.

* *

TẢN MẠN MỘT CUỘC NGỒI

Xuân Ba

DIỆN KIẾN

Tôi đã có mấy dịp nhỡ nhàng việc diện kiến vị chân tu nổi tiếng như kỳ nhân!

Đó là Hòa thượng Thích Trí Siêu, GS Lê Mạnh Thát!

Ông là ai? Một thiền sư, là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ, thông thạo hơn 15 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ…)

Dịp Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (VESAK) được tổ chức tại Việt Nam mà Lê Mạnh Thát là Chủ tịch Ủy ban quốc tế (IOC) đồng thời là Tổng thư ký Ủy ban điều phối quốc gia Đại lễ. Một người bạn bên truyền thông Giáo hội Phật giáo đã “ canh me” phục sẵn giúp tôi có cuộc gặp nhưng đã không thành!

Bây giờ ông đang đứng trước chúng tôi đây.

Có chút duyên là tôi được nhập vào nhóm văn sĩ trí thức được GS Lê Mạnh Thát tiếp tối nay theo lời mời của Hòa thượng Thích Tâm Hiệp, một đệ tử của GS Lê Mạnh Thát. Tôi gặp sư Hiệp từ những năm xa ở một ngôi chùa miền Trung. Chuyện sư Hiệp trở thành đệ tử của GS là cả một câu chuyện dài. Cũng dài và ngồ ngộ như chuyện chả phải theo một phái tu nào đó khi thày thì không xuống tóc, Đệ tử thì để… râu dài. Khi nãy, tôi vừa được thụ lộc của Hòa thượng Thích Tâm Hiệp. Cuốn khảo cứu tày tặn “Hùng Vương Thánh Tổ” bản chữ Hán- Việt mà hòa thượng là đồng tác giả.

Cứ như lời mời thân ái chu đáo của Hòa thượng Thích Tâm Hiệp là “nhân Bộ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM 3 tập của Thiền sư Sử gia Giáo sư Tiến sĩ Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát vừa xuất bản, chúng ta nên tiếp cận các di sản của các bậc đại nhân thượng trí lúc các ngài còn sống hay đợi đến khi các ngài giã từ cõi đời mới đi tìm?”

Khách được mời của GS tối nay có nhà thơ Nguyễn Duy. Nhà tiểu thuyết Hoàng Quốc Hải. Nnà giáo Vũ Thế Khôi ( Con trai Cụ Vũ Đình Hòe) GS Trần Ngọc Vương. Nhà báo Huy Đức. Nhà báo Hồ Bất Khuất, TS Đào Tuấn Ảnh.

Lần đầu được kiến vị học giả huyền thoại từng trải bao phong sương ở một cự ly gần. Tôi giữ lâu hơn bàn tay mềm ấm và ngạc nhiên trước một vị Thiền sư trẻ hơn tuổi sắp 80 rất nhiều cùng mái đầu không xuống tóc mà chỉ mới muối tiêu, ăn vận giản dị.

CHÚT

QUÁ VÃNG

Nhớ thêm chuyện của hòa thượng Thích Tâm Hiệp.

TBT Lê Duẩn thuở còn học trò có quen thân với một người bạn cùng quê Quảng Trị. Tình bạn ấy vẫn được duy trì sau những xa xôi cách trở…

Chỉ ít ngày sau sự kiện 30-4-1975, TBT Lê Duẩn đã ghé ngôi chù Linh Mụ ở Huế, nơi có vị sư trụ trì , Hòa thượng Thích Trí Lưu. Thích Trí Lưu vốn là đệ tử của Hòa thượng Thích Đôn Hậu, sinh năm 1905.

Cũng cần nói qua về vị hòa thượng nhân sĩ Thích Đôn Hậu này một chút Như nhiều người biết, năm 1945, Ngài thay thế Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám giữ chức Chánh Hội trưởng Hội An Nam Phật Học (Thừa Thiên). Rồi trụ trì Quốc Tự Linh Mụ. Sang năm 1946, Ngài làm Chủ tịch Phật giáo Liên hiệp Trung bộ.

Năm 1947, chùa Linh Mụ bị Pháp đánh phá và chiếm đóng. Ngài bị Pháp bắt, tra tấn và sau cùng bắt tự đào huyệt chôn mình và suýt bị bắn chết, may nhờ bà Từ Cung ( thaan mẫu vua Bảo Đại) can thiệp mới được thả.

Năm 1963, Ngài tham gia đứng trong hàng ngũ lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chínhquyền Ngô Đình Diệm. Ngài bị bắt tại chùa Diệu Đế và bị đưa đi giam giữ.

Từ năm 1968, Ngài được mời tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Ngài vào chiến khu, ra Hà Nội. Tháng 1/1968: Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân chủ và Hòa Bình Việt Nam. Tháng 6/1968: Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Trở lại với đệ tử của Thích Đôn Hậu, hòa thượng Thích Trí Lưu. Thời điểm sau năm 1975 ngài đang ở chùa Linh Mụ cùng với người con trai thông minh dĩnh ngộ là nhà sư trẻ có tên là Lê Mạnh Thát. Cậu bé Lê Mạnh Thát được được vào tu tập tại chùa Linh Mụ năm mới lên 8 tuổi.

Thời điểm đó Lê Mạnh Thát vừa đậu cử nhân ngành triết học tại Viện Đại học Đà Lạt. Rồi sau đó theo học tại Viện Đại học Wisconsin, Madison, Hoa Kỳ, lấy bằng tiến sĩ ngành Triết học.

Còn trẻ nhưng Lê Mạnh Thát từng là giáo sư Viện Đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn, giảng dạy các môn tiếng Sanskrit, lịch sử triết học Ấn Độ, lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tiếp đó TS Lê Mạnh Thát giảng dạy tại Viện nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh – Thành phố Hồ Chí Minh.

Một ngày đẹp trời, hòa thượng Thích Trí Siêu, pháp danh của Lê Mạnh Thát có khách. Mà chẳng phải khách thường. Học giả Đào Duy Anh thân đem thư cuả TBT Lê Duẩn cùng câu chuyện mời nhà tu hành trẻ tuổi tài cao học rộng này ra làm việc ở Hà Nội.

Ít ngày sau thì có hồi âm.

Hòa thượng Thích Tâm Hiệp có ngỏ cho tôi biết, hòa thượng Thích Trí Siêu- Lê Mạnh Thát trong thư hồi âm đã hoan hỷ rằng sẽ ra giúp nước nhưng với vài điều kiện. Mà điều kiện ấy thời điểm đó nó nhạy cảm và khó chấp nhận. Đại để là Nhà nước không nên có chính sách công hữu, quốc hữu hóa. Không cải tạo tư sản. Và có chính sách thích hợp với nhân viên, binh sĩ của chính quyền cũ Sài Gòn.

Không ưa thì dưa có dòi. Thích Trí Siêu- Lê Mạnh Thát cùng người bạn đồng tu đồng tuế Thích Tuệ Sỹ bị bắt, bị giam cầm. Và ra tòa lãnh án tử hình!

May mắn GS Lê Mạnh Thát rồi sau này cả ngài Thích Tuệ Sỹ được tha.

… Rồi khi án oan được cởi, ông lại thản nhiên thư thả tiếp tục sự nghiệp nhân sinh tưởng chừng dang dở. Đó là việc mê say khám phá về cội nguồn dân tộc, về nhiều sự thật của lịch sử nước nhà hàng ngàn năm bị che lấp hoặc bị hiểu sai lệch.

NGẠC NHIÊN

… Cuộc tụ phạm vi hẹp hôm nay, tôi đồ rằng chả phải Hòa thượng Thích Tâm Hiệp “ quảng cáo” cho tác phẩm mới của GS mà hầu hết đã là dạng quen người thuộc việc? Bầu hơi hướng cởi mở do GS tạo nên, nhà tiểu thuyết Hoàng Quốc Hải thẳng thắn, GS đã giúp cho các cây viết đương mải một với đề tài lịch sử khỏi phải trạng thái mù mờ, ang áng…

Thi sĩ Nguyễn Duy bữa nay sức khỏe đã kha khá. Lại chừng như khoát hoạt có thêm cây “ can” rủ rỉ trao đổi thêm cùng GS về những bài thơ Thiền nguyên gốc thời Lý Trần mà ông rất mê, kết…

Nhà giáo Vũ Thế Khôi, thứ nam cụ Vũ Đình Hòe khệ nệ một cuốn Phả hệ dày cộp họ Vũ tặng GS Lê Mạnh Thát với nguyện vọng GS thẩm định cuốn phả nhà ngõ hầu những lần tái bản sẽ thêm phần nghiêm cẩn, chu đáo…

GS Trần Ngọc Vương, ông bạn già đồng khoa đồng môn đồng lớp, danh tiếng hơi bị nổi bởi những công trình nghiên cứu độc đáo, táo bạo giơ cặp kính lên bộc bạch rằng đọc cuốn Lịch sử Phật giáo của Lê Mạnh Thát có cảm giác không bị vướng… kính!

Rằng GS cảm thấy ít bị vướng mắt như thường tiếp cận những công trình nghiên cứu khác về Phật giáo! Bởi khá là thuận mắt!

Rằng GS đang dự tính sẽ có một cuộc ngồi riêng với GS Thát với chừng 100 ( một trăm) câu đại loại như dạng phản biện về 3 tâp “ Việt Nam lịch sử Phật giáo”. Chuyện nói sau.

Tin rằng có nhiều những đồng cảm về cây bút học giả GS Lê Mạnh Thát qua những bộc bạch thẳng thắn của nhiều vị khách mời.

Lê Mạnh Thát (LMT) không khư khư cũng chẳng khăng khăng nhân danh cái tầm học thuật các thứ linh thiêng bất biến mà khi thì rủ rỉ khi rốt ráo khi chẻ hoe với bàn dân thiên hạ. Rằng đâu là chính sử đang mờ nhòe với dã sử với Folklo? Chỗ nào đương chấp chới giữa chính sử dã sử? Mà tại sao cái thời ấy nó lại phải xuất hiện với hình thức nhờ cậy vào dã sử vào truyền thuyết vào huyền thoại? Nhà làm sử chân chính phải biết rẽ thứ mây mù huyền hoặc ấy mà xuyên qua cái vùng đệm dã sử huyền sử ấy để bóc tách mà tiệm cận đến vùng lõi sự thật của chính sử!

Có lẽ cái khéo của LMT là vậy?

Tôi không rành lẫn chẳng chuyên về những phương pháp nghiên cứu sử nhưng mới chỉ đọc lướt bộ ba tác phaảm sử Phật giáo của GS, chợt loáng thoáng bất ngờ đột ngột phát lộ cái thứ nhẩn nha khéo léo dân dã thuần Việt rất Á Đông của nhà nghiên cứu tay tổ này? Ông như khuyến khích như truyền thêm năng lượng tự tin cho người đọc để họ cảm nhận tiếp cận cái cốt yếu của vấn đề của sự thật?

Lựa có một khoảng lặng GS như tạm dứt khỏi trận đồ bát quái những hỏi han trao đổi, tôi hơi ngần ngại rồi cũng đưa cuốn sổ biên việc xin cảm phiền GS cho một chút bút tích dạng như thư pháp chẳng hạn?

GS vui vẻ đón lấy. Và cũng chẳng hỏi người xin muốn gì? Vùn vụt dưới ngòi bút của GS là chằn chặn khoát hoạt những con chữ bài thơ cũng là bài “ kệ” của Khuông Lộ Thiền Sư gần ngàn năm trước.

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Vạn nhậm thịnh suy vô bổ úy/ Thịnh suy sương lộ thảo đầu phô.

( Thân như ánh chớp có rồi không/ Cây cỏ mùa xuân xanh tươi thu đến não nùng/ Vạn vật cứ tuần tự diễn ra như vậy/ Việc thịnh suy còn mất xưa nay chỉ như giọt sương trên đầu ngọn cỏ mà thôi)

Thoáng cảm giác giật mình ớn lạnh!

Vô bổ úy – Chẳng có gì mà phải sợ!

Phương châm sống/ lẽ sống/ lẽ hành xử cùng nghị lực của GS Lê Mạnh Thát?

Phải vậy chăng mà bị bắt đột ngột năm 1984. Trải qua các nhà giam có nhiều lúc với những điều kiện giam giữ khắc nghiệt. Rồi qua các phiên tòa. Án nặng nhất là tử hình, ông vẫn thản nhiên thường trực thái độ vô bổ úy ( chẳng có gì phải sợ) như vậy?

Hòa thượng Thích Tâm Hiệp người đệ tử mẫn cán đã hé cho tôi về quãng thời gian chiếm choán của ông thày mình trong đề lao đợi thi hành án tử hình.

NHIỀU THỨ

PHÁT LỘ

Trời đất! Hóa ra ông giành thời gian nghiền ngẫm về

Lịch sử dân tộc bảo tồn trong kinh Phật!

Những ngôn từ qua bao nghiền ngẫm, chắt lọc rồi được mặc định đến làu thuộc để rồi sau này GS thể hiện trong công trình nghiên cứu LỤC ĐỘ TẬP KINH!

Lục độ tập kinh là một tập kinh quan trọng trong Đại tạng kinh của Phật giáo thế giới. Tập kinh này được dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ 2, truyền bản của nó đến ngày nay gồm 8 quyển, 91 truyện, trình bày sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

Các vị cao tăng đông tây kim cổ đều biết đến tập kinh này và từ lâu nó đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Nhưng người tử tù GS Lê Mạnh Thát lần đầu tiên sau gần hai ngàn năm lưu truyền của Lục Độ tập kinh đã có thêm có những phát hiện cực kỳ quan trọng từ tập kinh này.

Ông khẳng định tập kinh đó là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt- theo câu cú ngữ pháp thuần Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn; Tăng Khương Hội, người dịch bản kinh đó, người mà sử sách cổ Trung Quốc từng coi là “bậc thánh hiền”. Tăng Khương Hội chính là một người Việt Nam (ít nhất là sinh ra, lớn lên, học hành, theo đạo Phật, hành đạo và trước tác đều tại Việt Nam) ( Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Trang 68- 69. Tập I)

Bằng trí nhớ siêu phàm và kiến thức uyên bác về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, ông đã truy tận gốc những tài liệu cổ xưa có liên quan, tiến hành khảo sát, đối chiếu, giám định và đưa ra một loạt những kết luận với các chứng cứ không thể phản bác.

Ông đi đến kết luận rằng, tập kinh đó chứa đựng “một lượng bất bình thường” các tư tưởng, quan điểm và đạo lý mang sắc thái chính trị và lịch sử Việt Nam.

Phát hiện đầu tiên là Lục độ tập kinh chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc, đó là chuyện một trăm trứng.

Ngoài phát hiện truyền thuyết trăm trứng nằm trong Lục Độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát còn khám phá một sự thật lịch sử thú vị.

Rằng đến tận năm 43 (sau dương lịch), trước khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nước ta vẫn là một nước độc lập. Đó là triều đại Hùng Vương, là nhà nước Hùng Vương!

Nhà nước đó đã được xây dựng trên một nền văn hiến với điển chương riêng của nó, có luật pháp, có chữ viết, có lịch số, có âm nhạc, có văn học… Nhà nước đó, nền văn hiến đó hoàn toàn không do người Trung Quốc đến “khai hóa” mà có.

Bất ngờ cùng ngạc nhiên, qua những phân tích lý giải dẫn chứng thuyết phục, GS Lê Mạnh Thát đi đến kết luận.

“ Theo chúng tôi, hệ thống lịch chia năm ra làm 360 ngày rồi phân bổ thành 4 mùa mỗi mùa 3 tháng, mỗi tháng có 30 ngày cùng với việc dùng hệ 7 ngày làm tuần là một di sản của Lịch pháp thời Hùng Vương qua những chi tiết được bảo lưu trong Lục độ tập” ( Sdd. Trang 83-84-85)

Lựa lúc chuyện hơi ngơi, nhân việc GS đề cập tới việc Triệu Đà và An Dương Vương trong cuốn Lịch sử Phật giáo tôi cũng xẻ chia với GS một chuyện canh cánh lâu nay. Chuyện, nói đúng hơn là một sự kiện.

Đó là thời điểm cuối năm 50, các học giả Trung Hoa có gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức thư. Thư nêu rõ “ … Giới khảo cổ học Trung Hoa đã đào được một phiến đá trên có khắc chữ. Họ cho rằng đây là bảo vật của Quốc vương An Dương Vương nước Việt về đời Hán và là di vật của Triệu Đà đã lấy đi khi chiến thắng”

Cụ Hồ đã cho gọi nhà sử học Trần Văn Giáp lên.

( Viết đến đây bâng khuâng một thời Cụ nhà mình đã có những lương đống sử nhà trong đó có Trần Văn Giáp, một chuyên gia của Viễn Đông Bác cổ giúp rập. Cụ trao toàn quyền cho sử gia Trần Văn Giáp nghiên cứu để trả lời các học giả Trung Hoa)

Sau một thời gian những cẩn trọng công phu. Lại được sự giúp sức, cộng trí của các sử gia văn gia, những Biệt Lam- Trần Huy Bá, Hoa Bằng- Hoàng Thúc Trâm… nhóm nghiên cứu đã đệ trình lên Hồ Chủ tịch kết quả xác minh rằng, vụ việc, bằng chứng mà các học giả Trung Hoa đưa ra là hoàn toàn… giả mạo!

( Dẫn theo Nhà sử học Trần Văn Giáp- NXB Khoa học xã hội 1996. Các trang 278- 290)

… Nghe xong, GS Lê Mạnh Thát nói ngay là đã biết việc ấy và chia xẻ thêm với tôi những thông tin cần thiết. Trong đó có niềm cảm phục học hỏi thế hệ tiền nhân như cụ Trần Văn Giáp đã thông tuệ lẫn công tâm vì “sự thật của lịch sử nước nhà hàng ngàn năm bị che lấp hoặc bị hiểu sai lệch” như công việc hiện giờ của GS.

Chú thích ảnh

1. Bộ ba “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” của GS Lê Mạnh Thát.

2. GS Lê Mạnh Thát với khách mời

3. Tặng sách khách mời.

4. Bút tích thư pháp của GS ( Bài thơ của Khuông Lộ Thiền Sư)

5. HT. Thích Tam Hiệp ( hồi chưa nuôi râu)

PS : tui cho rằng câu chuyện 1000 năm đô hộ giặc tầu do phía TQ dựng lên từ xưa nhằm nô lệ về mặt tư tưởng cho dân ta. Phải hết sức tỉnh táo, tránh rơi vào bẫy của đám người phương bắc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment