- Tác giả,Kerry Allen
- Vai trò,BBC Monitoring
- 8 giờ trước
Trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề nhập cư bất hợp pháp ở biên giới leo thang giữa chính quyền bang Texas và Nhà Trắng, thông tin rằng bang này đã chính thức tuyên chiến để ly khai khỏi Mỹ đã lan truyền khắp cõi mạng ở Trung Quốc.
Các kênh truyền thông nổi tiếng của Trung Quốc cho rằng các sự kiện ở Texas đã dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc ngày càng lan rộng ở Mỹ, đến mức tình trạng bất ổn đã trở nên rõ ràng.
Hơn 6,3 triệu người nhập cư đã vượt biên trái phép vào Mỹ kể từ đầu năm 2021 – mức cao kỷ lục đã làm gia tăng căng thẳng giữa Tổng thống Joe Biden và Thống đốc bang Texas, Greg Abbott.
Là một phần của Chiến dịch ‘Lone Star’ (Ngôi sao cô độc – biệt danh của bang Texas), ông Abbott đã tìm cách đóng lối vào hoặc ngăn chặn người nhập cư vào bang của mình, bao gồm cả việc lắp đặt khoảng 48km hàng rào dây thép gai dọc thành phố Eagle Pass.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hồi tháng trước đã ra phán quyết đối với ông Abbott, nhưng nghị sĩ của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ bổ sung thêm dây thép gai để trấn áp điều mà ông gọi là “cuộc xâm lược”.
Các bài đăng thịnh hành trên mạng xã hội ở Trung Quốc cáo buộc ông Abbott đang chuẩn bị gây chiến với chính quyền liên bang Hoa Kỳ.
Các bài đăng có hashtag #TexasDeclaresAStateOfWar (Texas tuyên bố tình trạng chiến tranh) đã được lan truyền và có hàng ngàn chia sẻ trên mạng xã hội nổi tiếng Sina Weibo. Một số bài đăng là của một người dùng có hàng triệu người theo dõi.
Nhà báo Wenhao của Voice of America, người chuyên về thông tin sai lệch trên mạng của Trung Quốc, đã đăng trên X (tên cũ là Twitter) rằng “tin tức lớn nhất liên quan đến Mỹ trên mạng Trung Quốc trong vài ngày qua là việc thống đốc Texas tuyên chiến với chính phủ liên bang, điều này không xảy ra trên thực tế”.
“Cư dân mạng đang cổ vũ cho cái mà họ gọi là sự tự hủy diệt của nước Mỹ”, bài đăng nói thêm.
Weibo dường như đã có hành động để hạn chế những nội dung như vậy. Khi người dùng tìm kiếm các bài đăng có hashtag #TexasDeclaresAStateOfWar, nền tảng này hiện hiển thị tuyên bố từ chối trách nhiệm có nội dung: “Theo luật, quy định và chính sách liên quan, nội dung về chủ đề này không thể được hiển thị.”
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bài đăng được tìm thấy trên nền tảng phổ biến có hơn 600 triệu người dùng mỗi tháng này.
Người dung Weibo đang lan truyền những bức ảnh về Bộ Quân sự Texas treo hình một lá cờ phía trên trụ sở chính với dòng chữ “Hãy đến và nhận lấy”, điều đã dẫn đến nhận thức trong nước rằng bang này đang khơi dậy việc ly khai.
Các video cũ của Fox News cũng đang được lan truyền về các nhóm cảnh vệ mặc quân phục để “bảo vệ biên giới”. Ngoài ra còn có nhiều video từ Chile về các xe tăng quân sự đang được phân bổ cho Texas.
Vì cơ chế kiểm duyệt khiến người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tự kiểm tra thông tin, điều này khiến nhiều người trên Weibo có ấn tượng rằng Mỹ đang có nội chiến.
Một số người cho rằng Texas có thể gặp tình huống tương tự như Ukraine – quốc gia đang có chiến tranh với Nga – với lưu ý rằng hai khu vực này có diện tích đất liền tương tự nhau.
Thông điệp trên mạng xã hội đã làm cho thông tin về cuộc nội chiến trở nên đáng tin cậy hơn, vì truyền thông nhà nước Trung Quốc thường xuyên cho rằng sự chia rẽ chính trị ở Mỹ hiện đang bị phân cực đến mức nước này đã đến bờ vực xung đột nội bộ.
Cụm từ “nội chiến” đã được sử dụng nhiều lần trên báo chí Trung Quốc kể từ cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol vào tháng 1/2021.
Trong khi các kênh truyền thông nước ngoài phần lớn bị chặn ở Trung Quốc, nội dung từ các báo chí nước ngoài thường được chọn lọc kỹ càng để khơi dậy những gợi ý về sự chia rẽ nội bộ của Mỹ.
Chẳng hạn, người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc hôm thứ 2/2 đã có thể đọc được các báo cáo cho biết thống đốc Đảng Cộng hòa của bang Florida, Ron DeSantis đang cử lên đến 1.000 thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến Texas.
Trung Quốc thường công bố những bản tin như vậy như một phản ứng trước việc các chính phủ Phương Tây đưa ra những bình luận chỉ trích về cách Trung Quốc xử lý các vấn đề ở Tân Cương, Hong Kong hoặc Đài Loan. Đó là một cách nói: hãy tập trung vào sân sau của chính bạn, thay vì chỉ chúng tôi cách điều hành đất nước của mình.
Điều này không dành riêng với Mỹ. Người ta cũng thường thấy báo chí nước này đưa ra những gợi ý rằng Scotland đang ngày càng thúc đẩy quyền tự trị, trong khi các chính trị gia Anh chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh khẳng định không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. “Đây luôn là nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của chúng tôi và được cộng đồng quốc tế công nhận”, Bộ ngoại giao nước này cho biết trong một tuyên bố gần đây.