Theo báo chí Hàn Quốc hôm qua, 06/02/2024, quân đội Hàn Quốc có kế hoạch lập một “Bộ chỉ huy chiến lược mới” từ đây đến cuối năm 2024, nhằm ngăn chặn các mối đe dọa quân sự gia tăng từ Bắc Triều Tiên. Cơ quan chỉ huy này được lập ra trên cơ sở nâng cấp cơ quan chống hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bộ chỉ huy mới sẽ được đặt tại Bộ tư lệnh phòng thủ vùng thủ đô, phía nam Seoul.
Đăng ngày: 07/02/2024
“Bộ chỉ huy chiến lược mới” trực tiếp phụ trách “Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột” (Three Axis Defense System), một chiến lược mới của chính quyền tổng thống Yoon Suk-Yeol nhằm đối phó với các đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Từ Seoul, thông tín viên Trần Công giải thích.
1/ ‘‘Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột’’ là gì ?
Hệ thống Ba trụ cột này bao gồm thứ nhất là hệ thống tấn công phủ đầu bằng tên lửa ”Kill Chain” (tạm dịch là Chuỗi Tiêu diệt hay Tấn công để Ngăn chặn). Hệ thống này có khả năng nhắm vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân và hệ thống chỉ huy của các cơ sở trực tiếp chuẩn bị tổ chức tấn công của Bình Nhưỡng, nếu Seoul nghi ngờ sắp có các cuộc tấn công. Trục thứ hai là hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không (gọi tắt là KAMD), hệ thống có thể đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo và pháo tầm xa của Bắc Triều Tiên. Và trục thứ ba là “Hệ thống Trừng phạt và Trả đũa” (gọi tắt là KMPR). Đây là hệ thống có khả năng mang đầu đạn nặng từ 8 đến 9 tấn, có thể phá hủy các hầm ngầm sâu dưới lòng đất. Mục tiêu là để tấn công ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên, và các cơ sở chủ chốt của chế độ Bình Nhưỡng, nếu Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hai trụ cột đầu tiên “Kill Chain” (Tấn công để Ngăn chặn) và mạng phòng thủ tên lửa Hàn Quốc có mục tiêu là ngăn ngừa, hoặc đánh chặn, nếu Bắc Triều Tiên tấn công hạt nhân. Trụ cột thứ ba, “Hệ thống Trừng phạt và Trả đũa“, có mục tiêu hoàn toàn khác: Tiến hành đòn tấn công chiến lược nhằm tiêu diệt chế độ Bắc Triều Tiên. Trụ cột thứ ba này gửi đi một thông điệp răn đe mạnh mẽ. Đó là nếu tấn công Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên sẽ phải chuốc lấy một đòn trừng phạt tàn khốc.
Chiến lược “Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột” không phải là điều mới, mà thực ra đã lần đầu tiên được đưa ra dưới thời tổng thống Lee Myung-bak và được chính quyền kế nhiệm Park Geun-hye hoàn thiện, với việc bổ sung các biện pháp trả đũa trừng phạt hàng loạt, ngay sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Bắc Triều Tiên vào tháng 9/2016, bao gồm cả việc tấn công để loại bỏ lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chiến lược này từng bị xóa bỏ dưới thời Moon Jae-in, do vị tổng thống này có chính sách khác với Bình Nhưỡng.
Vào đầu năm 2024, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử hàng loạt tên lửa tầm trung, tên lửa bội siêu thanh, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, cụm từ “Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột” thường xuyên được nhắc đến. Vào ngày 15/01/2024, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc tuyên bố đang tăng cường năng lực “Răn đe mở rộng” với Mỹ, và tăng cường khả năng phản ứng của chính Hàn Quốc, như nâng cấp Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột của Hàn Quốc. Việc nhanh chóng thành lập ‘‘Bộ tư lệnh chiến lược’’, để đối phó với đe dọa hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, được xem như là một bước đẩy nhanh tốc độ để đáp ứng với các đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Bắc Triều Tiên.
2/ Chính quyền Hàn Quốc dự kiến đầu tư ra sao cho Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột?
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết sẽ đầu tư khoảng 270 tỉ đô la (tương đương 349 nghìn tỉ won) trong vòng 5 năm để hiện đại hóa quân đội theo “Kế hoạch phòng thủ quốc gia trung hạn 2024-2028“. Trong số này, ngân sách dành cho Hệ thống Phòng thủ Ba trục là 41,5 nghìn tỷ won trong 5 năm (chiếm hơn 1/10 ngân sách Quốc phòng 5 năm tới), tăng khoảng 2 nghìn tỷ won so với kế hoạch trước đó. 14 dự án được bổ sung, bao gồm cả bom xung điện từ, loại vũ khí làm tê liệt chức năng của các thiết bị điện tử và các thiết bị khác bằng sóng điện từ. Vũ khí này thuộc trụ cột thứ nhất Kill Chain.
Đối với Kill Chain, với mục tiêu ngăn chặn các cuộc tấn công khi Bắc Triều Tiên chưa kịp ra đòn, vấn đề xác định chính xác mục tiêu là quan trọng bậc nhất. Vào năm 2025, Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 5 vệ tinh trinh sát quân sự có khả năng theo dõi các dấu hiệu khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc dự kiến phóng thêm hàng chục vệ tinh trinh sát siêu nhỏ vào năm 2030. Ngoài ra, cũng trong trục Tấn công để Ngăn chặn này, Hàn Quốc còn quyết định thành lập Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Quốc phòng vào năm tới để phát triển năng lực tác chiến điện tử (gồm bom xung điện từ).
Về trụ cột lá chắn phòng thủ tên lửa KAMD, Seoul dự kiến triển khai vào năm 2028 hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp, có khả năng đánh chặn từ độ cao 30 km đến 60 km, như hệ thống đánh chặn pháo binh và các hệ thống tên lửa đa tầng (như M-SAM-Ⅲ, L-SAM-Ⅱ), sẽ được triển khai vào năm 2028, thay vì năm 2030 như kế hoạch ban đầu.
Về trụ cột thứ ba của Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột, tức “Hệ thống Trừng phạt và Trả đũa” (KMPR), cũng vào năm 2028, Quân đội Hàn Quốc sẽ được trang bị các vũ khí dẫn đường địa đối địa chiến thuật, có khả năng tấn công các đường hầm. Trong trường hợp khẩn cấp, quân đội sẽ được bổ sung thêm các máy bay chiến đấu tàng hình tối tân và các tàu ngầm 3.000 tấn trở lên, được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) để tấn công các cơ sở và trung tâm chỉ huy lớn của Bắc Triều Tiên.
3/ Liệu chính quyền Hàn Quốc sẽ coi vũ khí hạt nhân là một thành phần của hệ thống ba trụ cột phòng thủ chống đe dọa Bắc Triều Tiên?
Người dân Hàn Quốc dường như có xu hướng ít tin tưởng hơn vào khả năng được Hoa Kỳ bảo vệ hiệu quả trước đe dọa Bắc Triều Tiên, và ngày càng nhiều người mong muốn Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân. Theo một khảo sát của viện nghiên cứu Chey, có hơn 72% người được hỏi đồng tình với việc Hàn Quốc cần tự phát triển vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh mối uy hiếp hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên dâng cao. Chỉ có 39% cho rằng Washington sẽ can thiệp vào bán đảo Triều Tiên, nếu xét thấy có khả năng lãnh thổ Mỹ bị tấn công. Tỷ lệ này giảm 12% so với kết quả thăm dò trước đó. Ngoài ra, kết quả thăm dò cũng cho thấy người dân lo ngại cam kết phòng thủ của Mỹ cho Hàn Quốc sẽ có thể bị lung lay, nếu cựu tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới.
Hiện tại, quan điểm của Seoul vẫn là không phát triển vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Thống Nhất Kim Young-ho thường xuyên nhấn mạnh “Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân thực sự từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về không phổ biến vũ khí hạt nhân và quốc tế cần phải hiểu điều này“.
Tuy nhiên, chính quyền của tổng thống Yoon có thái độ cứng rắn trước các khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Ông đã tuyên bố tại cuộc họp nội các ngày 16/01/2024 rằng “một nền hòa bình giả tạo” dựa trên “sự khuất phục trước các đe dọa, khiêu khích, sẽ chỉ đẩy tình hình an ninh của Hàn Quốc tới một cuộc khủng hoảng lớn hơn’’. Trước đó, vào ngày 11/01/2023, ông Yoon cũng từng tuyên bố: “Nếu tình hình xấu đi, Hàn Quốc sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, hoặc tự thiết lập kho vũ khí cho chính mình“.
Chính vì vậy, việc liệu Hàn Quốc có tự phát triển vũ khí hạt nhân hay không sẽ là câu hỏi đáng quan tâm, khi tình hình bán đảo Triều Tiên, cũng như thế giới đang nóng lên từng ngày.