Chiến tranh xâm lược Nga – Ukraine: Cầu Kerch sẽ bị đánh một lần nữa như thế nào?

Thứ Hai, 26 Tháng Hai 2024


Phúc Lai

25-2-2024

Vài gạch đầu dòng về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine – ngày 25/2/2024

Trong chiến tranh Việt Nam, có một cây cầu đã tiêu tốn của Không quân Hải quân Hoa Kỳ kha khá máy bay: Cầu Hàm Rồng. Đây là cầu đường sắt kiêm đường bộ bắc qua sông Mã  – hồi đó cách thị xã Thanh Hóa hai ki-lô-mét về phía đông bắc.

Sở dĩ nó được gọi là Hàm Rồng có lẽ vì địa hình ở khu vực gần đó bằng phẳng, ngoại trừ một sườn núi lởm chởm ở phía tây gọi là núi Rồng và một ngọn đồi nhỏ ở phía đông gọi là đồi Ngọc – không quân và hải quân Hoa Kỳ gọi là Jade Hill. Cùng với nhau, hai mũi đất tạo thành xương hàm của miệng rồng ở hai bên bờ sông.

Từ năm 1965 đến năm 1972, cây cầu là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công không thành công của máy bay Hải quân và cả Không lực Hoa Kỳ. Trước đó, vào năm 1945, nó đã bị Việt Minh phá hủy một lần, bằng cách cho hai đầu máy xe lửa chạy từ hai phía, cả hai đầu máy chứa đầy thuốc nổ và khi nó đâm vào nhau ở giữa, cây cầu bị phá hủy hoàn toàn. Việc này đã làm cho việc di chuyển của quân đội Pháp qua lại giữa miền bắc và bắc trung bộ rất khó khăn. Đến năm 1957, cây cầu được xây dựng lại, đích thân chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự lễ khánh thành năm 1964.

Cây cầu khi mới được xây dựng lại có hai nhịp giàn thép nằm ở trung tâm trên một trụ bê tông cốt thép lớn, có đường kính gần 5 mét, với các mố bê tông ở mỗi đầu. Từ năm 1965 đến năm 1972, tám trụ bê tông đã được bổ sung ở gần mỗi đầu để giúp cây cầu có thêm khả năng chống thiệt hại do bom gây ra. Một đường ray khổ một mét chạy giữa cầu với làn đường rộng 3,6 mét, có đường bê-tông rộng 6,7 mét ở hai bên. Cây cầu nhanh chóng được xác định là một trong những mục tiêu cần phải tiêu diệt nhất, nhưng cũng là thách thức nhất đối với không lực Hoa Kỳ và cả của hải quân Mỹ trong chiến tranh.

Khi bắt đầu Chiến dịch “Operation Rolling Thunder” (Sấm Rền) – chiến dịch ném bom của Mỹ nhằm vào các mục tiêu chiến lược ở miền Bắc Việt Nam, cầu Hàm Rồng trở thành mục tiêu chính của lực lượng Mỹ. Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của cây cầu, phía Bắc Việt đã thiết lập một mạng lưới “khủng” gồm 5 trung đoàn phòng không được bố trí trong khu vực, trang bị tên lửa đất đối không SA-2 (SAM).

Cuộc tấn công đầu tiên và lớn nhất nhằm vào cây cầu do Trung tá James Robinson “Robbie” Risner chỉ huy vào ngày 3 tháng 4 năm 1965. Lực lượng tham gia 79 máy bay, trong đó có 46 chiếc F-105 Thunderchief được trang bị tên lửa không đối đất AGM-12 Bullpup là nhóm tấn công chính, 21 chiếc F-100 Super Sabre đóng vai trò hộ tống, hai chiếc RF-101 Voodoos để trinh sát và 10 chiếc máy bay chở dầu KC-130. AGM-12 Bullpup ban đầu là tên lửa nhiên liệu rắn, có đầu đạn nặng 113 ki-lô-gram (250 pound). Đằng sau của nó có gắn 1 pháo sáng để sĩ quan vũ khí có thể quan sát được và dẫn đường cho nó bằng vô tuyến.

Ngay trong ngày đầu tấn công, phi đội Alpha-9 đã thiệt hại nặng. Risner bắn tên lửa một lần không thành công, bắn lần thứ hai thì máy bay bị trúng đạn nhưng tên lửa cũng bắn trúng cầu. Sau đó Risner đã loay hoay lái được chiếc máy bay bị tử thương về hạ cánh ở Đà Nẵng.

Đại úy Bill Meyerholt tiếp tục tấn công, đây là chuyến xuất kích thứ 3 của anh ta trong ngày. Anh ta tấn công thành công và khi khói tan, Bill Meyerholt sốc vì thấy cây cầu chẳng hề hấn gì. Đầu đạn của tên lửa được xác định như “muỗi đốt inox” đối với cây cầu. Trong ngày, thiếu tá George C. Smith bị bắn rơi gần điểm mục tiêu khi anh ta đang thực hiện nhiệm vụ trấn áp hỏa lực phòng không của mình, và sau đó không ai từ hai phía có thể tìm được anh ta.

Sau đó đến lượt thiếu tá hải quân Raymond A. Vohden, người đang lái chiếc Douglas A-4C Skyhawk ở phía bắc cây cầu thì bị bắn rơi. Một chiếc RF-101C do Đại úy Herschel S. Morgan lái đã bị trúng đạn và rơi cách khu vực mục tiêu khoảng 90 ki-lô-mét về phía Tây Nam, khiến Morgan bị thương nặng.

Ngày hôm đó, 32 quả tên lửa Bullpups và 120 quả bom nặng 340 ki-lô-gram (750 pound) đã nhắm vào cây cầu, đốt cháy nhiều phần xung quanh của nó nhưng bản thân nó không có dấu hiệu sụp đổ. Một cuộc tấn công khác được ra lệnh vào ngày hôm sau.

Ngày tấn công thứ hai được ghi nhận với sự xuất hiện của MiG. Chiếc F-105D của đại úy James A. Magnusson điều khiển, đã bị những chiếc MiG-17 tấn công sau đó rơi gần khu vực đảo hòn Mê. Hôm đó, Đại úy Walter F. Draeger, người lái chiếc Douglas A-1H Skyraider cũng bị bắn rơi trên Vịnh Bắc Bộ. Draeger thực hiện nhiệm vụ yểm trợ trên không cho các phi công Mỹ bị bắn rơi và trực thăng cứu hộ khi anh này bị hỏa lực mặt đất của đối phương tấn công. Hy sinh trong chiến đấu, Draeger được truy tặng huân chương chữ thập Không quân.

Hơn 300 quả tên lửa và bom đã trúng đích trong đợt tấn công thứ hai nhưng cây cầu vẫn đứng vững. Tên lửa Bullpup có đầu đạn quá nhỏ để có thể gây hư hại cho cây cầu. Ngoài việc thiếu cú đấm, Bullpup còn khiến phi công gặp nguy hiểm tột độ vì đây không phải là vũ khí “bắn và quên”. Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1965, thêm 19 phi công Mỹ bị bắn hạ ở khu vực cầu Hàm Rồng. Một số chiếc F-105 mang theo những quả bom nặng 750 pound, nhưng chúng kém chính xác hơn và khi đánh trúng cây cầu, chúng chỉ gây ra thiệt hại nhỏ. Một số quả bom rơi xuống các con đường gần đó khiến giao thông bị tê liệt trong vài giờ. Đây là kết quả vật chất duy nhất của cuộc đột kích, với cái giá là một chiếc F-100 và một chiếc RF-101 bị bắn rơi.

Sau đó, người Mỹ đã thử vận may với bom lượn AGM-62 Walleye được điều khiển bằng vô tuyến truyền hình. Không giống như Bullpup, Walleye cho phép phi công thoát ly khỏi đường bắn của tên lửa – bom lượn để tránh hỏa lực của đối phương nhưng vẫn có thể dẫn đường cho nó. Thật không may, không quả nào trong số Walleye thế hệ đầu có đủ độ chính xác và sức mạnh để phá hủy vĩnh viễn cây cầu. Nhiều lần giao thông qua cầu bị gián đoạn, nhưng lần nào những người Bắc Việt tháo vát cũng nhanh chóng sửa chữa những hư hỏng.

Năm 1972, bom lượn Walleye II lớn hơn, có biệt danh Fat Albert, được đưa vào sử dụng. Đầu đạn nổ mạnh nặng 861 ki-lô-gram (1.900 pound) của nó đủ mạnh để đánh sập cây cầu Hàm Rồng. Walleye II đã cung cấp cho các phi công Hải quân và Không quân một khả năng mới khác – khả năng tấn công mục tiêu từ xa hơn, do vậy họ được an toàn hơn. Trong khi Walleye I có tầm bắn 25 – 25 ki-lô-mét (16 dặm), bây giờ Walleye II có tầm bắn 55 – 56 ki-lô-mét (35 dặm). Chưa hết, người Mỹ còn thử thả mìn từ tính nặng đến gần 2300 ki-lô-gram từ máy bay C-130 với F-4 đi hộ tống với hy vọng có thể kích hoạt cho nó nổ khi ở gần cây cầu. Tất cả đều không thành công.

Từ năm 1968 đến 1972, việc ném bom miền Bắc Việt Nam đã ngừng lại, tạo điều kiện cho Bắc Việt sửa chữa cơ sở hạ tầng bao gồm cả cầu Hàm Rồng.

Năm 1972, một chiến dịch ném bom mới đã được tiến hành: Chiến dịch Linebacker. Ngày 27/4/1972, 12 chiếc F-4 Phantom thuộc Phi đội tiêm kích chiến thuật số 8 đóng tại Ubon, Thái Lan, đã tiến hành tấn công cầu Hàm Rồng, trong đó có 8 chiếc mang theo bom dẫn đường bằng laser Paveway (LGB). Cuộc đột kích được thực hiện mà không gặp trở ngại nào, và khi bụi của vụ nổ tan đi, người ta thấy rõ rằng cây cầu đã bị bật khỏi mố phía tây, rơi xuống nửa sông.

Để hoàn tất việc tiêu diệt nó, một cuộc tấn công thứ hai đã được lên kế hoạch vào ngày 13 tháng 5 năm 1972. Hôm đó, 14 chiếc F-4 Phantom của Lực lượng Không quân hướng tới Hàm Rồng. Họ mang theo 9 quả bom LGB nặng 1.360 ki-lô-gram (3.000 pound), 15 quả bom LGB nặng 907 ki-lô-gram (2.000 pound) và 48 quả bom thông thường nặng 226 ki-lô-gram (500 pound). Sau khi bom được thả xuống, nhịp phía tây của cây cầu đã bị đánh bật hoàn toàn khỏi mố bê-tông cao 12 mét. Cấu trúc thượng tầng của cầu bị hư hại nặng nề, cũng như các lối ra vào cây cầu. Cây cầu bị ngừng hoạt động trong một thời gian.

Đại tá Không quân Dick Horne chỉ huy một cuộc tập kích cuối cùng vào ngày 6 tháng 10 năm 1972. Lần này, những chiếc A-4 của Hải quân đã phóng thành công sáu quả LGB nặng 907 ki-lô-gram (2.000 pound) vào mục tiêu. Sau đó, cầu Thanh Hóa được coi là bị phá hủy vĩnh viễn và bị loại khỏi danh sách mục tiêu.

1-81-300x163
Ảnh 1: Cầu Hàm Rồng cuối cùng đã bị phá hủy năm 1972. Phía trên laà chiếc C-130 của Không quân Hoa Kỳ tại Việt Nam. Nguồn: Không quân Mỹ

Bắc Việt đưa ra nhiều tuyên bố khác nhau về số lượng máy bay họ đã bắn rơi, nhưng quân đội Hoa Kỳ thừa nhận chỉ mất 11 máy bay trong các cuộc tấn công vào cây cầu. Tuy nhiên, việc tập trung lực lượng phòng không cũng gây thiệt hại cho các máy bay bay ngang qua và ước tính có khoảng 104 phi công Mỹ bị bắn hạ trên khu vực rộng gần 200 ki-lô-mét vuông xung quanh cây cầu trong chiến tranh.

***

Bình luận của Phúc Lai: Chúng ta nói câu chuyện này là để hình dung ra được rằng, một cây cầu nhất là khi nó ở giữa biển, chỉ mảnh như sợi chỉ, và kết cấu của nó thì đủ vững chắc để chống đỡ các cú tấn công của tên lửa. Đã nhiều lần, những đầu óc lãng mạn trong số những người ủng hộ Ukraine tưởng tượng ra, nếu có tên lửa Taurus với tầm bắn 500 ki-lô-mét, thì cầu Kerch ngỏm là cái chắc. Nhưng nếu nhìn lại câu chuyện HIMARS được dùng bắn vào cầu Nova Kakhovka hồi phong tỏa thành phố Kherson, đầu đạn của nó chỉ 90 ki-lô-gram (200 pound) và đủ dùi được cái lỗ trên mặt cầu.

Trong trường hợp đó, kể cả ATACMS với đầu đạn 174 ki-lô-gram, hoặc 214 ki-lô-gram đều không đủ, thậm chí loại M30 Block 1 gần 600 ki-lô-gram cũng không đủ, hoặc phải bắn nhiều quả vào những chỗ gần nhau thì mới có kết quả.

Nhưng sáu quả bom lượn 900 cân ném vào cầu Hàm Rồng thì được. Vì vậy khả năng gần gũi nhất là sử dụng máy bay chiến đấu ném JDAM loại lớn một chút, ví dụ Mk 84/BLU-109 (GBU-31) có đầu đạn nặng 2000 pound. Tại sao phải chờ đến khi có F-16, trong khi bây giờ Ukraine đã có JDAM và lắp được lên MiG-29? Đó là khi F-16 xuất hiện, thì nó đem lại khả năng làm chủ bầu trời của không quân Ukraine. JDAM cũng chỉ bay gần gần như bom lượn của Nga, vì vậy muốn vào gần đến vậy để ném bom cây cầu, chỉ có thể khi tất cả những hệ thống phòng không bảo vệ nó và các phi đội máy bay chiến đấu bị đánh què gần hết.

2-19-300x170
Ảnh 2: Thiếu tá Không quân Hoa Kỳ Jacob Rohrbach phóng bom lượn JASSM-ER từ một chiếc F-16 trên Vịnh Mexico vào ngày 19-9-2018. Nguồn: Thượng sĩ nhất Michael Jackson/ Không quân Hoa Kỳ
3-11-300x195
Một chiếc F-16 với JDAM bên cạnh. Nguồn: Không quân Mỹ

Hôm trước tôi có viết về nhu cầu chống bom lượn Nga là cực kỳ cấp thiết, và tưởng tượng ra một kế hoạch thọc sâu bằng biệt kích vào tận căn cứ của không quân Nga, đó chỉ là tưởng tượng thôi. Người Ukraine thực tế hơn nhiều: Cái bàn phím của tôi còn rung thì người Ukraine đã bắn rơi thêm 1 chiếc A-50 nữa – đây là chiếc thứ hai sau hơn 1 tháng qua (chiếc trước là ngày 14/1).

4-8-300x168

Xin quý vị xem ảnh số 4, đây là bản đồ mô tả hai vị trí bị bắn rơi của A-50, một trên biển Azov, một trên vùng Saratov – chiếc thứ hai cách chiến tuyến đến 200 ki-lô-mét đường chim bay. Không phải – khi tôi đo chính xác từ Huliaipole (https://maps.app.goo.gl/j8j9dVgARssnaKVA7) là địa danh nằm trong vùng do Ukraine làm chủ đến chỗ cái A-50 thứ hai này rơi đâu đó giữa Bryukhovetskaya (https://maps.app.goo.gl/8y3qvjySsn7hd9rW6) và Kalininskaya (https://maps.app.goo.gl/SUdFzCQgyLxq3FrS9) của vùng Krasnodar (Nga) thì khoảng cách đó là 280 ki-lô-mét.

Đó là lý do tại sao Nga thường xuyên tuyên bố máy bay của chúng bị bắn nhầm bởi chính phòng không của chúng – điều này đúng vì không phải một lần chúng bắn nhầm vào máy bay của mình, nhưng trong cuộc chiến này, căn cứ vào những tuyên bố của Bộ chỉ huy Nga thì tỉ lệ bắn nhầm lên đến 75%, thì các khách hàng mua vũ khí cần phải xem lại năng lực của món đồ, không nhẽ là đồ giả. Trong khi đó, bọn blogger quân sự Nga còn đoán: Xa đến 250 – 280 ki-lô-mét như thế, ngoài tầm 150 ki-lô-mét của Patriot, vậy là cái gì, hay F-16?

Ukraine thì công bố, họ bắn bằng S-200 cải tiến. Bắn bằng cái gì cũng được, A-50 là một trong số những vũ khí thay đổi cuộc chơi của Nga trong cuộc chiến này: Radar nó vác theo giúp bọn chúng phát hiện hầu như bất kỳ vật thể nào trong bán kính 600 ki-lô-mét. Xem trên ảnh 4 có thể thấy, nó chính là thằng chỉ thị mục tiêu cho không quân Nga tấn công vào quân Ukraine dưới mặt đất. Để bù đắp cho việc thiếu radar, bọn Nga này bắt đầu triển khai A-50 để quét kín bầu trời.

Hiện nay, số lượng máy bay A-50 trong kho của Nga đã giảm xuống còn bảy chiếc và với tốc độ tiêu hao này, chúng sẽ hoàn toàn cạn kiệt loại radar bay này chỉ sau nửa năm nữa. Điều đáng nói là, Nga, về cơ bản không thể sản xuất máy bay A-50 mới, do lệnh trừng phạt. Cứ vậy đi, anh em Ukraine, hạ được cái nào, đồng đội đỡ chịu bom lượn được một chút.

Kết luận: Chuyện phiếm vậy thôi, chứ cầu Kerch có thể bị đánh bằng bất cứ cách nào, chẳng hạn một cái xà lan chở đầy thuốc nổ (vui tính dữ!) nhưng có lẽ dễ nhất là drone mặt nước cỡ lớn tốc độ cao, thứ công nghệ mà người Ukraine đã làm chủ được.

Bài Liên Quan

Leave a Comment