Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Trung Quốc, hôm 27/02/2024, đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước sửa đổi. Bộ luật, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/05/2024, đưa ra một khái niệm pháp lý mới ‘‘bí mật công việc’’, mở rộng phạm vi kiểm soát của chính quyền đối với tất cả các thông tin được coi là nhạy cảm. Theo giới quan sát, quy định rất mơ hồ này có thể sẽ gây thêm khó khăn cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc.
Đăng ngày: 29/02/2024
Hãng tin Reuters cho hay, ‘‘bí mật công việc’’ về mặt chính thức không được coi là bí mật Nhà nước, nhưng “nếu bị rò rỉ sẽ gây ra những tác động bất lợi nhất định”. Nhật báo Mỹ The New York Times, dẫn lời bà Diana Choyleva, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty tư vấn Enodo Economics, chuyên về Trung Quốc, trụ sở tại Luân Đôn, chỉ trích : “Quy định của điều luật này mơ hồ đến mức có thể bao gồm bất cứ mọi thứ, tùy theo quyết định của Đảng và Nhà nước”. Vị chuyên gia này dự đoán : “Luật này sẽ làm phức tạp thêm hoạt động của các công ty nước ngoài có trụ sở tại Trung Quốc”. Theo bà Choyleva, nhiều công ty sẽ phải tạm ngưng hoạt động trong khi chờ xem Bắc Kinh áp dụng quy định mới như thế nào.
Chủ tịch Phòng Thương mại của Liên Hiệp châu Âu tại Trung Quốc, Jens Eskelund, ra thông báo, nhận định : ‘‘Phạm vi các vấn đề được coi là ‘nhạy cảm’ dường như không ngừng được mở rộng, khiến các công ty gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các thông tin cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư liên quan đến hoạt động của họ tại Trung Quốc”.
Theo giới quan sát, việc Trung Quốc ra luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước sửa đổi, lần đầu tiên từ năm 2010, cho thấy Bắc Kinh ngày càng tập trung vào an ninh quốc gia. Hồi tháng 04/2022, Trung Quốc đã sửa đổi luật Chống Gián điệp. Nhiều quốc gia lo ngại chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng luật này để gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn bình thường tại Trung Quốc.
Kể từ năm ngoái, bộ An Ninh Quốc gia Trung Quốc sử dụng tài khoản mạng xã hội WeChat chính thức để liên tục kêu gọi công chúng luôn cảnh giác với “gián điệp nước ngoài”. Các cuộc khám xét hồi năm ngoái của công an Trung Quốc tại một số công ty tư vấn, trong đó có hai công ty Mỹ nổi tiếng Mintz Group và Bain & Co, ngay sau khi Luật Chống Gián điệp sửa đổi được thông qua, đã gây lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc.