Hôm nay, 01/03/2024, tại Matxcơva đã diễn ra lễ mai táng nhà đối lập hàng đầu ở Nga Alexei Navalny, qua đời ngày 16/02 tại nhà tù ở Bắc Cực trong những điều kiện rất mập mờ. Những người ủng hộ nhà đối lập và nhiều lãnh đạo phương Tây đã thẳng thừng lên án tổng thống Vladimir Putin về cái chết của Navalny.
Đăng ngày: 01/03/2024
Mất đi một gương mặt kỳ cựu, phe đối lập Nga càng bất lực trước chủ nhân điện Kremlin, sắp nắm quyền thêm một nhiệm kỳ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 17/03 tới, một cuộc bầu cử mà mọi ứng cử viên đối lập với Putin đều bị gạt bỏ.
Gia tăng đàn áp
Trong hơn 25 năm cầm quyền của tổng thống Putin, không một lực lượng đối lập nào đủ sức đương đầu với ông. Cái chết của Nalvany cho thấy là ở Nga, đối lập với Putin là rất nguy hiểm. Chính quyền Matxcơva đã gia tăng đàn áp kể từ khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina cách đây 2 năm. Hiện nay chỉ cần lên tiếng chỉ trích điện Kremlin, chỉ cần sử dụng từ “chiến tranh” là có thể vào tù, thậm chí có thể bỏ mạng.
Chính quyền Matxcơva tiếp tục bóp nghẹt mọi tiếng nói chỉ trích “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina. Chính vì đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina trong một bài báo đăng trên trang mạng Mediapart của Pháp và đã chia sẽ trên trang Facebook của ông bản dịch tiếng Nga của bài báo đó, nhà đối lập Oleg Orlov, 70 tuổi, vừa bị kết án 2 năm rưỡi tù hôm 27/02. Ngay sau khi tòa tuyên án, ông đã bị đưa đến một trại giam nằm ở một vùng xa xôi hẻo lánh, thọ án tù trong những điều kiện hết sức khó khăn.
Oleg Orlov là một trong những trụ cột của tổ chức bảo vệ nhân quyền Nga Memorial, bị chính quyền giải thể hồi năm 2022 và sau đó đã được đồng trao giải Nobel Hòa bình 2022. Ngay hôm sau ngày Orlov bị tuyên án tù, ngày 28/02, Ủy ban Nobel đã ra thông cáo: “Trong nhiều năm, chế độ Putin đã cố bịt miệng các lãnh đạo của Memorial và các tổ chức xã hội dân sự quan trọng khác. Nay chế độ này lấy cớ chiến tranh Ukraina để hoàn tất việc dập tắt những tiếng nói chỉ trích”.
Một nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền khác, ông Ian Ratchinski, cũng đã kịch liệt chỉ trích bản án đối với Orlov: “Chúng ta trở lại giống như thời Liên Xô, thời kỳ mà những ai không đứng về phía chính quyền đều bị cáo buộc những điều dối trá”. Bị đàn áp dữ dội như vậy, đa số các nhà đối lập, nếu không bị bỏ tù, bị giết thì đều phải sống lưu vong. Số nhà đối lập còn được tự do ở Nga là rất hiếm.
Tỏ quyết tâm tiếp tục đấu tranh
Tuy đã mất đi gương mặt hàng đầu, cho dù vẫn bị đàn áp khốc liệt, phe đối lập với Putin đã tỏ quyết tâm sẽ tiếp tục con đường đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Nga.
Tại trụ sở của Nghị Viện Châu Âu hôm 28/02, người vợ góa của nhà đối lập Navalny, bà Ioulia Navalnaïa đã gọi tổng thống Putin là một “trùm mafia”, “lãnh đạo một tổ chức tội phạm”, và kêu gọi thế giới phải quyết tâm chống lại tổ chức này. Bà Navalnaia khẳng định với các nghị sĩ châu Âu: “Trong trận chiến này, quý vị có những đồng minh đáng tin cậy, đó là hàng chục triệu người dân Nga chống Putin, chống chiến tranh”.
Trước đó, cũng tại Nghị Viện Châu Âu ngày 22/02, ông Vladimir Milov, phó chủ tịch Tổ chức Nước Nga Tự do, nguyên là một thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga, đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ không dừng lại. Nếu chúng tôi ngừng tham gia vì lo sợ cho sự an toàn của cá nhân thì đó sẽ là chiến thắng của Putin. Chúng tôi không muốn để ông ấy chiến thắng”.
Trả lời hãng tin AFP ngày 22/02, Evgueni Nasyrov, điều phối viên phong trào của Navalny tại Đức, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại chế độ, với mọi phương tiện mà chúng tôi có trong tay. Mục tiêu của Putin đó là chúng tôi mất tinh thần, chúng tôi bị phân tán”.
Ngay tại Nga, dù đang ngồi tù với bản án 25 năm vì tội phao “tin giả” về quân đội Nga, hôm 22/05, nhà đối lập Vladimir Kara-Mourza cũng đã kêu gọi người dân Nga đừng u sầu, tuyệt vọng, “vì đó chính là điều họ muốn nhìn thấy”.
Trước mắt, phương cách đấu tranh của phe đối lập Nga lưu vong chính là kêu gọi những ai bỏ phiếu chống Putin hãy đến toàn bộ các phòng phiếu vào giữa trưa ngày 17/03 trong cuộc bầu cử tổng thống Nga ( 15-17/03/2024 ), để hướng ứng sáng kiến “Giữa trưa chống Putin”.
Chia năm xẻ bảy
Nhưng vấn đề là ngoài những hành động ít ỏi như trên, phe đối lập Nga, vốn bị chia năm xẻ bảy, vẫn không có chút trọng lượng nào trước quyền lực áp đảo của Putin.
Cho tới nay, chỉ có tổ chức của Alexei Navalny là có một xu hướng chính trị rõ ràng, tạo được một phong trào chống Putin tương đối có uy tín, trước khi bị đàn áp và bị triệt tiêu. Nhưng tổ chức của nhà đối lập quá cố có vẻ đơn thân độc mã trong giới đối lập vốn bao gồm nhiều rất nhiều nhân vật mà mẫu số chung duy nhất là chống cuộc xâm lược Ukraina và chống Putin.
Hy vọng của phe đối lập Nga giờ đây đặt vào vai của Ioulia Navalnaïa, người vợ góa của Navalny. Chỉ 3 ngày sau cái chết của nhà đối lập, bà Navalnaïa đã tuyên bố sẵn sàng tiếp nối sự nghiệp của chồng, trong khi cho tới nay nữ kinh tế gia 47 tuổi này vẫn từ chối dấn thân vào cuộc đấu tranh cùng với Navalny. Theo lời ông Marat Guelman, một nhà đối lập hiện sống lưu vong ở Berlin, bà Navalnaïa thậm chí có thể quy tụ được nhiều người hơn cả chồng. Đây cũng là ý kiến của bà Olga Prokopieva, chủ tịch hiệp hội Nước Nga Tự do: “ Phong trào của Alexei Navalny cho tới nay vẫn đứng biệt lập và đó là điều mà người ta thường trách họ. Cho nên tôi hy vọng là Ioulia Navalnaïa sẽ tỏ ra gần gũi hơn với các tổ chức xã hội dân sự và có thể phối hợp hành động tốt hơn”.
Bị đe dọa đến tính mạng do nay đã trở thành kẻ thù số một của chế độ Putin, hiện giờ bà Navalnaïađang sống lưu vong tại một nơi được giữ bí mật ở châu Âu. Andreï Kozovoï, giáo sư giảng dạy về lịch sử Nga và Liên Xô tại đại học Lille của Pháp, đánh giá về năng lực của Navalnaïa: :“Rõ ràng là bà gây lo ngại cho chính quyền vì bà có một sức thu hút, có thể có khả năng tập hợp, liên kết các xu hướng khác nhau mà cho tới nay vẫn bị chia rẽ. Trong những tuần tới, chúng ta sẽ xem thông tin về cái chết của Navalny và sự xúc động do cái chết này gây ở Nga ở nước ngoài có thực sự mang lại kết quả về lâu dài hay không”.
Trả lời hãng tin AFP, cựu dân biểu đối lập Dimitri Goudkov đã bày tỏ sự ủng hộ bà Navalnaia: “Tôi hy vọng là thảm kịch này sẽ đánh dấu một bước ngoặt để chúng tôi cùng phối hợp các hoạt động đối lập”.
Ông Goudkov cũng hy vọng là dân Nga sẽ hưởng ứng đông đảo sáng kiến “ Giữa trưa chống Putin”: “Chúng ta không thể tác động lên kết quả bầu cử, nhưng nếu có đông đảo người dân kéo đến các phòng phiếu vào giữa trưa, điều này có thể gây tổn hại cho tính chính danh của Putin”.
Nhưng có làm gì đi nữa thì chế độ Putin cũng sẽ tiếp tục vững như bàn thạch, không một lực lượng đối lập nào có thể làm lung lay được. Có thể là có nhiều người dân Nga căm ghét Putin, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, nhưng số người dám can đảm lên tiếng thì rất ít.