Quân đội Trung Quốc khẳng định « không có đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan » và sẽ gia tăng tập trận trong vùng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong buổi họp báo ngày 29/02/2024, người phát ngôn Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh « chỉ có một nước Trung Hoa trên thế giới và Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc ». Những phát biểu trên, cùng với những hành động gần đây, khiến Đài Bắc lo ngại Bắc Kinh siết chặt áp lực, dù không gây xung đột trực tiếp.
Đăng ngày: 01/03/2024
Kể từ khi ông Lại Thanh Đức, bị Bắc Kinh coi là « kẻ ly khai », đắc cử tổng thống Đài Loan, Trung Quốc không ngừng gây hấn, « gặm nhấm từng chút », gây sức ép « kiểu nhỏ giọt », theo quan sát của giới chuyên gia về an ninh trong vùng. Vụ hai ngư dân Trung Quốc chết đuối khi trốn tàu hải cảnh Đài Loan được Bắc Kinh viện cớ để gia tăng tuần tra quanh quần đảo Kim Môn (Kinmen) do Đài Bắc kiểm soát và nằm sát Hoa lục.
Trả lời báo Le Monde, giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Đài Loan tại Trung tâm Châu Á (Asia Centre), đánh giá : « Những vụ thâm nhập (vào vùng biển Đài Loan) gia tăng trong những năm gần đây. Nhiều tầu cá Trung Quốc là « tai mắt » của dân quân biển Trung Quốc tìm cách đổ lỗi cho phía Đài Loan ». Ngay sau tai nạn, chính quyền Trung Quốc tuyên bố « không có các vùng cấm hay vùng hạn chế nào », trong khi hai bên vẫn ngầm tuân thủ từ năm 1992 bản đồ phân định (được đánh dấu bằng 27 điểm GPS) các vùng biển quanh quần đảo Kim Môn, với một vùng « hạn chế » và một vùng « cấm ».
Để khẳng định lập luận trên, năm tầu hải cảnh Trung Quốc đã thâm nhập vùng biển quanh quần đảo Kim Môn ngày 26/02 trong khuôn khổ các cuộc tuần tra, được tổ chức thường xuyên hơn, để bảo đảm an toàn cho ngư dân của họ. Hải cảnh Trung Quốc tự động lên kiểm soát một tầu du lịch của Đài Loan. Những hành động hăm dọa này khiến các công ty lữ hành ở Kim Môn lo ngại vì sẽ gây tâm lý bất an, « du khách sẽ ngại lên du thuyền » và gây thất thu cho ngành du lịch. Dù tầu vẫn ra khơi nhưng được hải cảnh Đài Loan theo dõi chặt chẽ và được khuyến cáo tránh xa vùng biển Trung Quốc. Dấu hiệu căng thẳng còn có thể thấy tại hải cảng ở Kim Môn, theo trang CNN ngày 01/03, khi hàng loạt tầu cá không thể ra khơi do lệnh cấm đánh bắt tạm thời.
Các cơ quan an ninh Đài Loan cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng tai nạn để tăng cường chiến thuật « vùng xám », có nghĩa là liên tục có hành động hung hăng, hăm dọa ,nhưng không đi đến chiến tranh trực diện. Trong chuyến thăm Đài Bắc vào tuần trước, dân biểu Mỹ Mike Gallagher, chủ tịch Ủy ban Hạ Viện Mỹ chuyên trách về Trung Quốc, đánh giá Bắc Kinh dùng chiến thuật « lát cắt » để « dần dần gia tăng sức ép ». Còn theo một quan chức nước ngoài ẩn danh, khi trả lời Reuters, chiến thuật này « nằm trong mô hình từng bước thay đổi nguyên trạng ở eo biển Đài Loan, thậm chí là nhằm biến thành một kiểu bình thường mới, hạn chế không gian di chuyển của Đài Loan ».
Người đứng đầu Hội đồng Sự vụ đại dương, cơ quan chuyên trách lực lượng hải cảnh Đài Loan, Kuan Bi Ling cho rằng « Trung Quốc đang cố áp dụng phương pháp được triển khai đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (tranh chấp với Nhật Bản) vào vùng biển Hạ Môn-Kim Môn, điều mà chúng tôi (Đài Loan) không thể chấp nhận được ».
Căng thẳng sẽ không sớm lắng dịu vì theo Reuters, dù đại diện của chính phủ Đài Loan và Trung Quốc đã tiếp tục các cuộc đàm phán trong tuần này về cách xử lý vụ tai nạn, nhưng gia đình các nạn nhân đòi Đài Bắc bồi thường và xin lỗi. Một quan chức chính phủ khẳng định chính quyền Đài Bắc sẽ không xin lỗi, vì điều đó sẽ gây khó dễ cho hoạt động sau này của các lực lượng an ninh Đài Loan.
Hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời sẽ còn tiếp tục chịu áp lực « hết ngày này sang ngày khác » cho đến khi ông Lại Thanh Đức chính thức nhậm chức tổng thống Đài Loan ngày 20/05. Một điều chắc chắn là trong mọi tình huống, Đài Loan luôn tỏ ra kiềm chế. Khi được hỏi liệu lực lượng hải cảnh Trung Quốc « làm quá » hay không, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Chiu Kuo Cheng cho biết Đài Loan « có quy tắc chuẩn bị chiến đấu, nhưng chúng tôi muốn tránh điều đó xảy ra ».