Đăng ngày: 09/03/2024
Tiểu ban Hạ Viện Mỹ ‘‘phụ trách chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc’’ thông qua dự luật buộc ứng dụng Tiktok ‘‘hoặc cắt đứt quan hệ với đảng Cộng Sản Trung Quốc, hoặc rời khỏi thị trường Mỹ’’. Đặc sứ Trung Quốc công du châu Âu lần thứ hai tìm giải pháp cho chiến tranh tại Ukraina.
Căng thẳng gia tăng một nấc tại Biển Đông. Hải cảnh Trung Quốc làm bị thương nhiều nhân viên Tuần duyên Philippines, tổng thống Philippines tuyên bố ‘‘không nhân nhượng chủ quyền dù chỉ một ly’’, nhưng chưa yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp. Chiến tranh kéo dài hơn 150 ngày tại Gaza. Người theo đạo Hồi sắp bước vào kỳ Ramadan nhưng đàm phán ngừng bắn chưa đạt kết quả: Dân Palestine có nguy cơ chết đói, Mỹ quyết định lập cầu cảng tại Gaza để cấp viện trợ không thông qua Israel. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố số liệu về biến đổi khí hậu, cho thấy phụ nữ phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn nhiều so với nam giới. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Ứng dụng Tiktok với khoảng 170 triệu người sử dụng tại Mỹ có nguy cơ bị loại khỏi thị trường, nếu không rời bỏ các quan hệ ‘‘mờ ám’’ với Bắc Kinh. Báo Hồng Kông South China Morning Post, hôm 06/03/2024, có bài ‘‘Tiktok được yêu cầu cắt đứt quan hệ với đảng Cộng Sản Trung Quốc hoặc mất khách hàng tại Mỹ’’, cho biết các nhà lập pháp Mỹ đang nỗ lực chuẩn bị ra luật buộc ByteDance, công ty mẹ của Tiktok, phải ‘‘thoái vốn’’ khỏi Tiktok trong vòng 180 ngày, nếu không sẽ bị cấm.
Tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc ByteDance, có trụ sở tại ‘‘thiên đường thuế’’ Caimans, trị giá hơn 200 tỷ đô la, bị cáo buộc là ‘‘công cụ’’ trong tay chế độ cộng sản Trung Quốc (báo cáo của Thượng Viện Pháp 2023). Tập đoàn ByteDance hiện cũng đang bị bộ Tư Pháp Hoa Kỳ điều tra trong nghi án giám sát các nhà báo Mỹ.
Dự thảo luật của lưỡng đảng do tiểu ban phụ trách chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc, do dân biểu Cộng Hòa Mike Gallagher chủ trì, đã được bỏ phiếu tại cấp tiểu ban hôm 07/03, với sự ủng hộ của toàn bộ 50 dân biểu. Dự luật yêu cầu Tiktok ‘‘cắt đứt quan hệ với đảng Cộng Sản Trung Quốc’’ được chính phủ Mỹ hỗ trợ soạn thảo. Hôm qua, 08/03, tổng thống Joe Biden tuyên bố ông sẽ sớm phê chuẩn luật, nếu Quốc Hội lưỡng viện thông qua. Theo AP, dự luật nhiều khả năng sẽ sớm vượt cửa ải Hạ Viện đầu tuần tới. Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, đảng Cộng Hòa, nhấn mạnh: “Đây là một biện pháp quan trọng của lưỡng đảng để đối phó với Trung Quốc, kẻ thù địa-chính trị lớn nhất của chúng ta, hiện đang tích cực phá hoại nền kinh tế và an ninh của chúng ta’’. Tại Thượng Viện, một số nghị sĩ cho biết dự luật có thể sẽ buộc phải có một số chỉnh sửa.
TikTok thanh minh là chưa từng chuyển dữ liệu của người sử dụng Mỹ cho chính quyền Trung Quốc, đồng thời lên án ‘‘lệnh cấm’’ vi phạm quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp Mỹ, xâm hại quyền lợi của ‘‘5 triệu doanh nghiệp nhỏ’’ sử dụng ứng dụng này. Tiktok kêu gọi 170 triệu người sử dụng phản đối dự luật. Bắc Kinh theo sát vụ này. Hôm qua, 08/03, Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cảnh báo luật này nếu được thông qua ‘‘sẽ khiến quan hệ song phương rạn nứt.’’
Ngăn chặn ‘‘con ngựa thành Troa’’ Tiktok và ‘‘giảm thiểu rủi ro’’
Dự luật yêu cầu Tiktok phải lựa chọn, hoặc cắt đứt quan hệ với nhà cầm quyền Trung Quốc, hoặc rời khỏi Hoa Kỳ cho thấy những liên hệ mật thiết giữa kinh tế với vấn đề an ninh, chính trị trong quan hệ Mỹ – Trung. Việc Quốc Hội Hoa Kỳ hướng đến ‘‘tối hậu thư’’ nói trên với Tiktok nằm trong chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ (de-risking) trong quan hệ với Trung Quốc, mà chính quyền của tổng thống Joe Biden xác lập kể từ đầu năm 2023.
Khác hẳn với chủ trương tách rời khỏi kinh tế Trung Quốc (decoupling), chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ nhắm vào một số lĩnh vực được coi là đe dọa an ninh quốc gia, như các công nghệ cao, thông tin về bộ máy nhà nước, thông tin về cá nhân người Mỹ…. Trường hợp Tiktok cho thấy việc thực thi chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ trong quan hệ với Trung Quốc là điều không hề đơn giản tại các xã hội nơi mà quyền tự do kinh doanh, tự do ngôn luận vốn là khuôn vàng thước ngọc. Năm 2020, ông Donald Trump khi còn là tổng thống từng ra lệnh cấm các ứng dựng TikTok và WeChat của Trung Quốc, nhưng lệnh không được thực thi, do bị tư pháp ngăn chặn.
Bắc Kinh đồng nhất chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ của Âu – Mỹ với chủ trương ‘‘tách rời’’ Trung Quốc
Gần đây có một hiện tượng lạ. Trên một số phương tiện truyền thông phương Tây, chủ trương ‘‘tách rời’’ khỏi kinh tế Trung Quốc tiếp tục bị lên án là ‘‘thất bại’’, cho dù chính quyền Mỹ hiện tại không đi theo chủ trương này, còn Liên Âu cũng không hề có chủ trương như vậy. Bắc Kinh liên tục lên án phương Tây mưu đồ ‘‘tách rời’’ khỏi kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc cũng thường đồng nhất chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ hiện tại của phương Tây đối với Trung Quốc với chủ trương ‘‘tách rời’’ khỏi kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ là chính sách thông thường trong kinh doanh, chưa kể đến lý do an ninh quốc gia, và chính Bắc Kinh cũng đã ngầm thực thi chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ trước phương Tây từ hơn mười năm nay, đặc biệt với chính sách ‘‘Made in China 2025’’.
Chỉ trích chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ của phương Tây với Trung Quốc phải chăng là một cách nhắc lại lập trường của Bắc Kinh ? Một cách để làm giảm ý nghĩa các nỗ lực của chính quyền các nước phương Tây trong việc thực thi chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ với Trung Quốc, vốn không hề dễ dàng? Hay nhằm gieo rắc tâm lý ‘‘chủ bại’’ trong các xã hội phương Tây trong quan hệ với Trung Quốc?… Có nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề này.
Chiến tranh Ukraina : Chuyến công du châu Âu lần thứ hai của đặc sứ Trung Quốc
Hồi tháng 5/2023, trước thềm cuộc phản công chống Nga của quân đội Ukraina, Trung Quốc cử đến châu Âu đặc sứ tìm ‘‘giải pháp chính trị’’ cho cuộc chiến tranh tại Ukraina. Vòng công du đầu tiên của đặc sứ Lý Huy (Li Hui), nguyên đại sứ Trung Quốc tại Nga, phụ trách các vấn đề Á – Âu, không mang lại kết quả. Vào dịp cuộc xâm lăng Ukraina của Nga bước sang năm thứ ba, Bắc Kinh một lần nữa cử đặc sứ Lý Huy đi châu Âu.
Ngày 04/03, người đứng đầu khu vực Đông Âu và Trung Á của ngành ngoại giao châu Âu, Michael Siebert, và người phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Niclas Kvarnström, đã gặp đặc phái viên Lý Huy tại Bruxelles. Theo thông tin trên trang mạng của ngành Ngoại Giao Liên Âu, hai bên đã thảo luận về cuộc chiến tranh ‘‘bất hợp pháp’’ của Nga chống Ukraina, và phương thức thúc đẩy giải pháp hòa bình ‘‘công bằng và bền vững’’. Liên Âu nhấn mạnh, ‘‘các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc’’, ‘‘chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina phải là nền tảng cho bất kỳ giải pháp cuối cùng nào’’. Bruxelles cũng kêu gọi Bắc Kinh có các hành động hiệu quả nhằm ngăn chặn xuất khẩu sang Nga ’’các mặt hàng lưỡng dụng quân sự – dân sự’’ cùng công nghệ tiên tiến, để phục vụ cho cỗ máy chiến tranh của Nga.
Ngày 06/03, thứ trưởng Ngoại Giao Ba Lan Wladyslaw T. Bartoszewski đã tiếp đặc phái Trung Quốc Lý Huy. Tương tự như Liên Âu, chính quyền Ba Lan kêu gọi Trung Quốc ‘‘không cung cấp bất kỳ hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự nào cho Nga với tư cách là kẻ tiến hành cuộc xâm lược’’ chống Ukraina, đồng thời phản đối quan điểm biện minh cho hành động gây hấn của Nga nhân danh cái gọi là ‘‘những lo ngại về an ninh chính đáng’’, lập luận mà Bắc Kinh đã nhiều lần đưa ra.
Hơn hai năm kể từ khi Nga mở màn cuộc xâm lăng Ukraina, ít tuần sau khi Bắc Kinh và Matxcơva khẳng định quan hệ đối tác ‘‘không giới hạn’’, các nước châu Âu không đặt nhiều hy vọng vào vai trò trung gian của Trung Quốc, và tiếp tục cảnh giác với nguy cơ Bắc Kinh ngầm gia tăng các hỗ trợ quân sự cho Nga. Trong loạt trừng phạt hồi tháng trước, lần đầu tiên châu Âu nhắm vào các công ty Trung Quốc, bị cáo buộc tiếp tay cho Nga.
Biển Đông: TT Philippines không nhân nhượng ‘‘một ly lãnh thổ nào’’ cho Trung Quốc
Biển Đông nóng thêm trong tuần qua, đặc biệt với hành động tấn công của tàu Hải cảnh Trung Quốc nhắm vào tuần duyên Philippines. Tổng thống Philippines khẳng định sẽ không nhân nhượng Trung Quốc. Tường trình của thông tín viên Juliette Pietraszewski từ Kuela Lumpur:
‘‘Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các hình ảnh về vụ va chạm giữa hai con tàu đã lan truyền trên mạng xã hội. Đứng sau các thông tin này là người phát ngôn của lực lượng Tuần duyên Philippines, người đã công khai tố cáo Hải cảnh Trung Quốc ‘‘đã có các hành động vô trách nhiệm và phi pháp”. Về phần mình, Bắc Kinh Trung Quốc cáo buộc Manila đã “cố tình đâm vào’’ tàu Trung Quốc.
Các đụng độ lại xảy ra gần rạn san hô Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi thường xuyên là điểm đối đầu giữa hai nước.Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông. Yêu sách của Trung Quốc, xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế quốc gia, bị nhiều nước trong khu vực phản đối. Năm 2016, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Hay, không thừa nhận các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Junior, đã cam kết thực hiện chính sách xích lại gần với người Mỹ. Tham dự một diễn đàn những ngày gần đây tại Úc, tổng thống Philippines nhấn mạnh đến những căng thẳng giờ đây đã trở thành điều gần như thuyền xuyên tại Biển Đông. Ông nói: “Philippines hiện đang ở tuyến đầu cuộc chiến chống các hành động gây tổn hại đến hòa bình khu vực.Tôi sẽ không cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào xâm chiếm dù chỉ một ly lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi.”
Lập cầu cảng ở Gaza không thông qua Israel: Thủ tướng Netanyahu bị Mỹ ”sỉ nhục”
Chiến tranh Israel chống Hamas tại Gaza đã kéo dài 5 tháng. Bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Israel không chấp nhận ngừng bắn. Một nửa dân cư Gaza có nguy cơ chết đói. Chính quyền Mỹ gia tăng áp lực lên đồng minh Israel. Hôm 07/03, tổng thống Biden ra lệnh cho quân đội xây cầu cảng để đưa hàng viện trợ đến vùng lãnh thổ Palestine, mà không cần thông qua Tel Aviv. Tổng thống Mỹ lần đầu tiên gần như trực tiếp lên án Israel, khi nhắc lại con số 30.000 thường dân Palestine thiệt mạng, do Hamas – mà Hoa Kỳ coi là tổ chức khủng bố – đưa ra.
Thông tín viên Michel Paul tường trình từ Jerusalem :
‘‘Lập ra một cảng biển tạm thời hoàn toàn không phải là ý tưởng mới, và chính quyền Mỹ cũng đã nhấn mạnh là việc xây dựng cầu cảng này cũng sẽ phải mất nhiều tuần lễ. Nhưng tại Israel hiện tại, người ta đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Mỹ đổi giọng (hoặc sự đổi giọng của tổng thống Mỹ).
Dự án lập cầu cảng này sẽ được tiến hành phối hợp với Israel về những gì liên quan đến an ninh, nhưng Mỹ sẽ không tham khảo trước ý kiến của chính quyền Israel. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh : ‘‘Viện trợ cho Gaza không thể được coi là một ‘‘món hàng trao đổi’’.
Các nhà bình luận tại Israel chú ý đến việc, đây là lần đầu tiên tổng thống Joe Biden đưa ra nhận định về số lượng nạn nhân Palestine, căn cứ trên số liệu mà bộ Y Tế Hamas công bố. Vào thời điểm đầu xung đột, tổng thống Mỹ đã từng bày tỏ hoài nghi về mức độ chính xác của con số này. Giờ đây ông tuyên bố: ‘‘Hơn 30.000 người Palestine bị giết hại, và đa số họ không phải là thành viên của tổ chức Hamas’’.
Lập trường mới nói trên của nước Mỹ, được nhiều người ở đây, đặc biệt là đối lập Israel, xem như là một sự lăng nhục thực sự đối với thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu.’’
Giảm ăn thịt để hãm biến đổi khí hậu: Thái độ của người dân Texas
Chăn nuôi chịu trách nhiệm 12% của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất bị hâm nóng, theo số liệu của FAO, cơ quan lương nông quốc tế. Người dân bang Texas, Hoa Kỳ, nghĩ sao về khả năng giảm ăn thịt để giúp hãm lại đà biến đổi khí hậu. Phóng sự của thông tín viên Thomas Harms từ Houston:
‘‘Ở Montana, bang viễn Tây nước Mỹ, người ta ăn thịt đỏ từ 5 đến 6 ngày một tuần, dưới một chút là các bang Trung Tây và Texas, tiêu thụ thịt đỏ từ 3 đến 4 ngày một tuần, hoặc hơn nữa. Vì vậy, điều hiển nhiên là, trước cửa một siêu thị ở Houston, bang Texas, để trả lời cho câu hỏi ‘‘liệu bạn có muốn giảm lượng tiêu thụ thịt không, khi biết đến số liệu của FAO ?”, Manuel người cuồn cuộn cơ bắp bật lại ngay: “Không, tôi đến đây chỉ để mua thịt”…
Với James, một khách hàng khác có bộ râu dài, mang áo phông của một câu lạc bộ bóng bầu dục Mỹ ở Texas, thì ‘‘chuyện này không thay đổi bất cứ điều gì. Tôi không tin vào những chuyện linh tinh người ta nói về khí hậu, cũng như kế hoạch mà FAO và các tổ chức khác đang cố gắng thúc đẩy’’. Nói rồi, James chui vào chiếc xe bán tải của mình.
Cô Connie thì không tin vào những con số này. Cô nói: “Tôi không nghĩ người ta có thể từ bỏ đơn giản như vậy. Tôi không nói rằng mọi người không muốn thay đổi, nhưng cần phải có những lý do chính đáng để thay đổi thói quen. Bạn đang nói với tôi về một con số 12% chẳng có nghĩa lý gì với tôi cả.’’
Một người thanh niên khác ngập ngừng trước khi trả lời: “Điều này có ảnh hưởng đến chúng tôi không? Có lẽ trong tương lai rất xa. Nhưng liệu tôi có nên ăn ít thịt hơn không? Tôi không biết, tôi chỉ đang cố gắng giữ sức khỏe’’.
Cuối cùng Engie, người không muốn tiết lộ danh tính, nói với chúng tôi rằng gia đình cô ấy đang trong quá trình thay đổi chế độ ăn uống và từ bỏ giáo điều bất khả xâm phạm về việc cần phải ăn thịt hàng ngày.’’
Giảm tiêu thụ thịt giúp giảm bất công với phụ nữ
Một nghiên cứu của tổ chức nông lương của Liên Hiệp Quốc, công bố nhân ngày Quốc tế phụ nữ, nhấn mạnh là biến đổi khí hậu gây nhiều hậu quả cho phụ nữ hơn hẳn đàn ông. Nhiệt độ tăng cao gây thiệt hại thêm khoảng 37 tỉ đô la với phụ nữ. Một lý do chủ yếu là do phụ nữ là người làm việc nhiều hơn trên đồng ruộng, nơi chịu tác động mạnh của biến đối khí hậu. Giảm thói quen ăn thịt quá nhiều với một số tầng lớp xã hội được coi là biện pháp hữu hiệu giúp giảm biến đổi khí hậu, cũng là điều giúp giảm bất bình đẳng nam nữ.