Chuly sưu tầm
Thanh Vũ Và Tiếng Nguyện Cầu
Written by Quỳnh Giao
Cách đây khá lâu, Quỳnh Giao có nhận được thư của một độc giả hỏi thăm và góp ý. Có lẽ độc giả là người đã lớn tuổi vì ông đề nghị Quỳnh Giao là một ngày đẹp trời nào đó thì cho ông thưởng thức bài viết về giọng ca Thanh Vũ.
Người nhớ tới tiếng hát Thanh Vũ có còn mấy ai?
Vào giữa thập niên 60, Thanh Vũ được biết đến qua giọng ca ấm áp trên các làn sóng phát thanh, trước khi ta có vô tuyến truyền hình. Thoạt kỳ thủy, sự xuất hiện của anh có phần mờ nhạt vì đó là khi Anh Ngọc, Duy Trác đang thời phong độ và ngự trị trên hầu hết mọi ban nhạc của các đài phát thanh. Ngoài ra, hát cho đài phát thanh lại cần có trình độ nhạc lý vững vàng, cầm bài mới toanh là hát ngay với dàn nhạc có hòa âm hẳn hoi. Tuy Thanh Vũ không yếu nhạc lý, nhưng vì mới vào nghề, nên anh hơi “nhát.”
Quỳnh Giao nhớ năm 1963, mới mười bảy tuổi, khi hát cho ban Anh Ngọc trong đài quân đội. Lần đầu tiên thấy anh cầm bài “Sơn Nữ Ca” để hát solo, mà ban nhạc đàn mấy lần rồi, Thanh Vũ không bắt vào câu đầu được. Cũng chẳng phải lỗi anh, vì “Sơn Nữ Ca” hát nhịp tango, tác giả viết trúc trắc và không có hệ thống. Ðoạn đầu thì mỗi câu cuối dài bốn nhịp rưỡi, nên đầu câu phải hát vào phách “yếu” (temps faible).
Một đêm trong rừng vắng
Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng
Bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh.
Một đêm trong rừng núi
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa
Ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng…
Ðến đoạn giữa thì mỗi cuối câu dài năm nhịp rưỡi. Rõ là không có khuôn mẫu (pattern):
Sơn nữ ơi,
Ðời ta như cánh chim trời phiêu bạt thời gian vun vút trời mây
Sơn nữ ơi.
Ðừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn từ nay nước mắt đầy vơi…
Tuy thấy anh lúng túng, mọi người đều có cảm tình vì giọng hát rất ấm và đầy nam tính cùng làn hơi ngân phong phú. Dáng anh cao gầy, hơi xanh xao nét thư sinh. Quỳnh Giao thấy anh hao hao nét mặt của nam tài tử Laurence Harvey, đóng với Kim Novak trong cuốn phim “Of Human Bondage” phỏng theo truyện của Somerset Maugham.
Thật ra, Thanh Vũ có giọng hát hiếm quý. Ðiều đầu tiên người nghe để ý là giọng anh rất sang. Nhiều ca sĩ khác hát rất nhuyễn, dài hơi và điêu luyện, nhưng nghe không sang vì luyến láy quá lố, hoặc cách nhả chữ nhiều “địa phương tính.” Người như thế chỉ thành công với một loại nhạc, không đa dạng và nhất là không hát hợp ca, hay song ca, tam ca với người khác, là nhu cầu cần thiết của ca sĩ hát cho đài phát thanh.
Thanh Vũ hát rất chững, không luyến láy bậy bạ, và phát âm nhả chữ rõ ràng. Vì tài năng đa dạng, anh hát đơn ca thành công mọi loại nhạc, từ giai điệu buồn qua tiết điệu vui, từ nhạc tiền chiến đến nhạc thịnh hành, từ nhạc quê hương đến nhạc blues. Ðiều thứ hai và quan trọng hơn hết, Thanh Vũ là người có thiện chí và chịu khó trau giồi, học hỏi. Chỉ một năm sau, anh xướng âm tài tình và rất nhanh, đáp ứng được nhu cầu của các trưởng ban khó tính và tên tuổi như Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước, Anh Ngọc, Vũ Thành, Hoàng Thi Thơ… Và anh cộng tác cho nhiều ban nhạc của các đài phát thanh thời đó. Ðến năm 1967 có vô tuyến truyền hình thì tên tuổi anh càng nổi hơn.
Tính Thanh Vũ hiền hòa, ít nói, nhưng mở miệng thì thường đùa vui với bạn bè với cái cười nửa miệng có vẻ thẹn thùng bối rối.
Thanh Vũ rất ái mộ giọng hát Anh Ngọc, coi như thần tượng. Lúc mới vào nghề, giọng anh có ảnh hưởng giọng Anh Ngọc với chất “trượng phu” hơi cứng và hơi xa vắng, cô độc. Ðầu thập niên 70, giọng hát Thanh Vũ mềm hơn và có cá tính riêng. Hát đài phát thanh, mình không tự chọn bài hát, mà trưởng ban đưa gì mình cũng hát, điều này giúp Thanh Vũ hát được nhuyễn hơn và cách diễn tả bắt đầu có hướng riêng trong một danh mục rất nhiều bài thay vì chỉ có một số “bài tủ” như dân hát phòng trà.
Giọng anh vang vọng trên làn sóng phát thanh ngày một nhiều, gần như được thính giả nghe hàng ngày. Cực điểm là khi giọng anh trở thành quá quen thuộc với bài “Ðêm Nguyện Cầu” của Lê Minh Bằng (Lê Dinh-Minh Kỳ-Anh Bằng) được anh trình bày làm nhạc hiệu cho chương trình “Thép Súng” của Cục Chính Huấn.
Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối
Tôi đi chinh chiến bao năm năm trường miệt mài
Và hồn tôi mang vết thương, vết thương trần ai…
Thượng Ðế hỡi có thấu cho Việt Nam này
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài, từng chiến đấu
Tiêu diệt quân thù bạo tàn
Thượng Ðế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền
Vì đất nước đang còn ưu phiền, còn tiếng khóc
Ði vào đêm trường triền miên…
Giọng anh mạnh mẽ, rõ ràng ấm áp, không cứng cỏi, mà vang lên lồng lộng. Cái kỹ thuật hát cho mạnh mà không chát của Thanh Vũ là một tuyệt chiêu. Thính giả nghe với nỗi ngậm ngùi, và người lính nghe nổi gai ốc vì thương mình và thương dân.
Cũng với giọng Thanh Vũ, chương trình Chiêu Hồi dùng nhạc hiệu bài “Ngày Về” của Hoàng Giác. Hàng đêm trên làn sóng điện, hay trên chương trình vô tuyến truyền hình số 9, giọng anh là lời kêu gọi tha thiết, nồng nàn:
Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
Nhớ phút chia ly ngại ngùng bước chân đi,
Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh
Tha thiết mong tìm về bạn cũ
Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió
Lắng tiếng chim xanh ngày vui hát tung bay
Mờ khuất xa xơi ngàn phương…
Người ta nghe vang lên giọng ca ngọt, êm ái, tình cảm nhưng không lơi lả. Cái êm ái mà rõ ràng, không mỏng, không yếu của anh cũng là một tuyệt chiêu nữa.
Ngày ấy, cứ mỗi khi nghe giọng của chính mình trong nhạc hiệu hàng ngày, Thanh Vũ thường nhẹ nhàng cười và nói đùa rằng mỗi lần phát hai bài “Ðêm Nguyện Cầu” và “Ngày Về’ chỉ cần trả cho anh một đồng bạc thôi, giờ này anh sẽ là triệu phú rồi!
Vậy mà khi 1975, đất nước tan tành, anh kẹt lại. Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể lại là khoảng năm 1980, Tuấn Khanh đi đàn “nhạc vàng chui” với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ở quán Vy nằm dưới chân cầu sắt Ða Kao có thoáng gặp Thanh Vũ, u buồn, chán nản. Không có đường đi cũng không có nghề sống qua ngày, Thanh Vũ vùi quên qua men rượu, và cuối cùng gục ngã vì bệnh tật và nghèo khổ khi tuổi đời chưa đến 50…