Đăng ngày: 14/03/2024
Xung đột giữa Israel và phe Hamas. Các cuộc tấn công tàu hàng của phe Houthis ở Hồng Hải. Căn cứ quân sự Mỹ ở Irak, Syria hay Jordani… bị pháo kích. Iran đang mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông và thậm chí xa hơn nữa. Đà bành trướng này được thực hiện thông qua các nhóm lực lượng vũ trang mà Iran đang kiểm soát ở Liban, Irak, Syria và tại Yemen. Làm thế nào Iran đã có thể thiết lập và điều khiển mạng lưới các nhóm vũ trang rộng lớn này ?
« Trục kháng chiến » chống Israel bắt đầu từ Iran, Syria, Hezbollah, tân chính phủ Irak và Hamas đi qua xa lộ Syria… Syria là điểm nút cho chuỗi kháng chiến chống Israel. Vào ngày 06/01/2012, ông Ali Akbar Velayati, cố vấn chính về đối ngoại bên cạnh Lãnh đạo Tối cao Iran, đã tuyên bố như trên.
Ba kẻ thù
« Trục kháng chiến » này là một trong những các thành tố cơ bản trong chính sách đối ngoại của Iran tại Trung Đông những năm gần đây. Trong nhãn quan chế độ Teheran thần quyền, « Đại Quỷ » Hoa Kỳ cùng với đồng minh « Tiểu Quỷ » Israel và Hồi Giáo hệ phái Sunni là ba kẻ thù chính. Ngoài ra, Cách mạng Hồi giáo Iran tự cho mình có trách nhiệm truyền bá hệ tư tưởng thần quyền cách mạng và đoàn kết các cộng đồng người Hồi Giáo hệ phái Shia xung quanh chế độ các giáo sĩ.
Nếu như tên gọi « Trục kháng chiến » có vẻ mang tính phòng thủ, trên thực tế, chiến lược của Cộng hòa Hồi giáo chủ yếu dựa vào chủ nghĩa bành trướng khu vực và mong muốn tiêu diệt Nhà nước Do Thái. Lòng căm thù phương Tây là « chất xúc tác » để kết nối các thành viên khác nhau cho « trục kháng chiến », từ Hezbollah Liban, cho đến Houthi ở Yemen, những nhóm vũ trang hệ phái Shia ở Afghanistan, Irak và người Palestine hệ phái Sunni.
Nhà địa chính trị Fabrice Balanche, giảng viên cao cấp trường đại học Lyon 2, chuyên gia về Trung Đông, trả lời phỏng vấn trang mạng Conflit của Pháp, nhận định thêm rằng Iran còn biết cách dựa vào cộng đồng người Shia, bị áp bức gần như ở khắp thế giới Hồi Giáo hệ phái Sunni, để thành lập các lực lượng dân quân vệ tinh của mình:
« Những khó khăn của cộng đồng người Hồi Giáo hệ phái Shia trong thế giới Ả Rập và các cuộc xung đột địa phương đã được Iran sử dụng một cách đáng kinh ngạc để thành lập các lực lượng dân quân phục vụ cho mình. Sự đoàn kết của người Hồi Giáo Shia là động lực chính cho sự bành trướng của Iran ở phía Đông. Những khó khăn đó càng kéo dài, các cộng đồng này càng hòa nhập vào hệ thống Iran và sự chia rẽ với người Hồi Giáo Sunni càng trở nên nghiêm trọng.
Chúng ta đã đạt đến điểm không thể vãn hồi, bởi vì nếu từ chối sự bảo vệ của Iran, cộng đồng người Hồi Giáo Shia sẽ phải chịu sự trả thù từ người Hồi Giáo Sunni, đặc biệt là thông qua các nhóm Hồi Giáo, như chúng ta đã thấy trong cuộc nội chiến ở Syria, nơi cộng đồng người Alawite là mục tiêu bị tấn công trước tiên của phe thánh chiến và phe nổi dậy người Hồi Giáo Sunni nói chung. »
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Tư liệu trường Quân sự Pháp, được đăng tải hồi tháng 10/2021, việc hậu thuẫn những phe nhóm dân quân, phe nổi dậy phần lớn theo hệ phái Shia không những giúp Iran tiến các quân chốt trên bàn cờ địa chính trị tại Trung Đông, mà còn giúp chế độ Teheran tránh đối đầu trực diện với kẻ thù vượt trội về mặt quân sự.
Hasni Abidi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Thế giới Ả Rập và Địa Trung Hải (CERMAM), trên kênh truyền hình Public Senat, nhận định đây là một phần trong chiến lược bảo đảm an ninh mà chế độ Iran tìm kiếm kể từ cuộc xung đột với Irak trong những năm 1980:
« Iran hiểu rằng cách phòng thủ tốt nhất là dịch chuyển biên giới, chứ không đợi kẻ thù đến Iran. Tất nhiên, họ có chương trình tên lửa đạn đạo, rồi chương trình hạt nhân, vì họ hy vọng trong mọi trường hợp sẽ đạt được ngưỡng hạt nhân, nhưng trên hết là phải cung cấp cho khu vực một số lực lượng nhất định, mà một số người gọi là “bên ủy nhiệm”, nhưng tôi cho rằng còn hơn thế nữa : Làm thế nào dịch chuyển các cuộc xung đột, một cuộc chiến ra ngoài biên giới Iran. »
Al-Qods và Qassem Soleimani : Những quân cờ chủ lực
Hầu như chỉ bao gồm các chủ thể phi nhà nước với năng lực bất cân xứng, « trục kháng chiến » này đã biết lợi dụng tình hình nội bộ bất ổn ở Irak (do cuộc chiến xâm lược của Mỹ, rồi do nội chiến) và tại Syria (nội chiến từ năm 2011) để tạo một hành lang trên bộ nối Iran đến bờ Địa Trung Hải của Liban. Hành lang trên bộ này giúp Iran được mở cửa, thay thế sự cô lập của quốc tế qua việc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Trong ván cờ này, lực lượng Al-Qods, được thành lập năm 1990 ngay sau cuộc chiến tranh Iran-Irak, là một quân cờ chủ lực. Đơn vị tinh nhuệ này, chỉ dành để thực hiện các chiến dịch ngoài lãnh thổ, trực thuộc Lực lượng Vệ Binh Cách Mạng, quân đội của Lãnh tụ Tối cao, và chỉ tuân theo mệnh lệnh của giáo chủ Ali Khamenei.
Bài nhận định về « Trục kháng chiến » của trường Quân sự Pháp cho biết lực lượng Al-Qods không hành động quân sự trực tiếp, mà chỉ là một lực lượng yểm trợ và hậu thuẫn cho các phe nhóm dân quân vũ trang nào được coi là đáng tin cậy nhất, để bác bỏ mọi cáo buộc nhắm trực tiếp vào Iran.
Do vậy, « nhiệm vụ của lực lượng này là xuất khẩu Cách mạng Hồi giáo ở Trung Đông, thành lập các lực lượng dân quân đối tác, sự hỗ trợ vật chất và tài chính, đào tạo và tư vấn. Nhấn mạnh vào việc học các kỹ thuật phi quy ước về chiến tranh, về khủng bố và tình báo (…)
Al-Qods đóng vai trò thiết yếu là điều phối các nhánh vũ trang thân Iran. Để thực hiện điều này, lực lượng Al-Qods được chia thành bốn bộ chỉ huy khu vực : Quân đoàn Ramazan (Irak), quân đoàn Rasulallah (Bán đảo Ả Rập), quân đoàn Levant (phụ trách Syria, Liban, Vùng lãnh thổ Palestine, Jordani và Israel) và quân đoàn Ansar (liên quan đến Afghanistan, Pakistan, Trung Á) ».
Nhà xã hội học Adel Bakawan, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Irak của Pháp (CFRI), cho rằng trong chiến lược này, cần phải kể đến vai trò quan trọng của trung tướng Qassem Soleimani, bị quân đội Mỹ ám sát vào tháng 1/2020 ở Bagdad, Irak, khi đang bí mật lên kế hoạch cho một cuộc tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Irak. Trên đài France Culture, chuyên gia về Trung Đông giải thích :
« Qassem Soleimani chắc chắn là nhân vật thứ hai sau giáo chủ Ali Khamenei ở Cộng hòa Hồi Giáo Iran. Ông là người xây dựng điều mà tôi gọi là một mô hình nhà nước Iran mới, Nhà nước Dân quân trên khắp Trung Đông, ở Syria, Iraq, Liban và Yemen. Đây thực sự là mô hình xuất khẩu, do Cộng hòa Hồi Giáo Iran và chính Qassem Soleimani phát minh ra.
(…) Đó là hiện tượng dân quân hóa nhà nước và xã hội. Nói một cách khác, tổ chức dân quân không nằm ngoài nhà nước, mà là một phần của Nhà nước, thậm chí là toàn bộ nhà nước. Việc quản lý nhà nước được thực hiện có tính hợp lý, có phương thức hoạt động, hệ thống tiêu chí, ý thức hệ và tổ chức dân quân. »
Hezbollah : Đồng minh không thể thiếu
Bên cạnh đó, cần phải nhắc vai trò có tính quyết định của Hezbollah ở Liban, đồng minh ưu tiên của Iran do vị trí chiến lược (lối ra Địa Trung Hải). Được Vệ Binh Cách Mạng Iran thành lập năm 1982 trong bối cảnh cuộc chiến chống sự hiện diện của Israel ở miền nam Liban, lực lượng dân quân Hezbollah ở Liban là một ví dụ điển hình cho mục đích sâu xa của « trục kháng chiến». Khi thừa nhận các nguyên lý của hệ tư tưởng thần quyền cách mạng, Hezbollah trở thành tổ chức đầu tiên không thuộc Iran cam kết trung thành với các nguyên tắc cách mạng theo tư tưởng Khomeyni.
Lực lượng này đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một tổ chức quân sự thành công về mặt hậu cần và đã xây dựng cho mình một đội quân có các kỹ năng phối hợp quân sự thực sự. Với một hỏa lực đáng kể, sở hữu từ 100 – 150 ngàn tên lửa và rốc-kết, Hezbollah đã cho thấy rõ sự khác biệt với nhiều nhóm dân quân khác khi trở thành một tác nhân phi chính phủ được trang bị vũ khí nhiều nhất trên thế giới.
Theo phân tích từ nhà nghiên cứu Jean-Loup Samaan được bài nghiên cứu của Trung tâm Tư liệu trường Quân sự Pháp trích dẫn, đây thực sự là một mối đe dọa cho Nhà nước Do Thái do lãnh thổ Israel hoàn toàn nằm trong tầm hoạt động của tên lửa Hezbollah. Theo đó, « việc phát triển kho tên lửa cùng với việc cải thiện độ chính xác của chúng (chương trình “tên lửa dẫn đường chính xác”) giúp Hezbollah thiết lập “thế cân bằng khủng bố” với nước láng giềng Israel ».
Việc lực lượng dân quân Hezbollah từ năm 2005 tham gia vào nhiều chính phủ liên tiếp đã biến tổ chức này thành một tác nhân không thể thiếu trên chính trường Liban. Theo cách đó, Hezbollah đã có thể trực tiếp tác động đến các quyết định theo hướng có lợi cho những lợi ích của tổ chức này, cũng như Cộng hòa Hồi giáo Iran. Phe Hezbollah còn tự chủ được về mặt kinh tế, nên phần nào giảm nhẹ gánh nặng cho Teheran, vẫn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Sức mạnh răn đe của lực lượng dân quân Hezbollah với việc hàng ngàn tên lửa được Hezbollah bố trí tại nhiều khu dân cư đông đúc ở Beyrouth, nhắm vào Nhà nước Do Thái, được xem như là một thắng lợi của Iran. Đây cũng chính là mô hình « bên ủy nhiệm » mà Iran muốn tái lập ở Syria và Irak nhưng không mấy thành công do sự phân tán của nhiều nhóm dân quân vũ trang hệ phái Shia.
Các mục tiêu
Dù vậy, xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát phần nào cho thấy rõ, Teheran đã đạt được các mục tiêu trong chiến lược « trục kháng chiến », qua việc kiểm soát được bốn thủ đô ở Trung Đông là Bagdad, Beyrouth, Damas và Sanaa, cũng như là gây khó khăn cho Mỹ và các đồng minh của nước này trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Fabrice Balanche, trả lời phỏng vấn Conflit, đã tóm lược như sau :
« Ngày nay, việc xuất khẩu cuộc cách mạng Hồi Giáo đã kết thúc. Iran trên thực tế đã trở thành một cường quốc, nhưng vẫn tiếp tục đưa ra một diễn ngôn về ý thức hệ. Điều này che giấu mục tiêu đế quốc của họ được hiện thực hóa bởi trục Liban-Syria-Irak-Iran. Các phe ủy nhiệm cũng có thể gián tiếp đối đầu với Mỹ và đặt trách nhiệm về các hành động lên Hezbollah hoặc Houthi. Trên báo chí Ả Rập, người ta chế nhạo Iran vì đã để cho đồng minh Hamas của họ bị thảm sát.
Iran buộc phải đáp trả bằng cách chứng minh rằng họ đang tích cực quấy rối quân đội Mỹ ở Syria và Irak nói riêng. Họ hy vọng Lầu Năm Góc phản ứng quá mức đối với lực lượng dân quân hệ phái Shia ở Irak, để rồi chính phủ Irak yêu cầu Mỹ phải rút quân, và điều này đã xảy ra. Tuy nhiên, nếu Mỹ rời Irak, thì họ cũng phải sơ tán khỏi miền Đông Syria.
Tehran cũng đe dọa các chế độ quân chủ xứ dầu mỏ của người Hồi Giáo hệ phái Sunni từ Yemen, đã bị biến thành bệ phóng tên lửa trong khu vực. Tình hình này gây khó khăn sự phát triển kinh tế của Ả Rập Xê Út, quốc gia thỉnh thoảng bị nã tên lửa, tương tự như với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Điều này không thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Rõ ràng, Iran có khả năng gây hại thông qua các đồng minh của họ trong khu vực.
Trong mối quan hệ với Israel, mục tiêu của Iran là đe dọa Nhà nước Do Thái để không bị tấn công đáp trả. Nếu Mỹ quyết định tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Iran, Teheran sẽ trả đũa bằng cách phóng vài nghìn tên lửa vào Israel từ Nam Liban và Syria. Hezbollah tạo thành lực lượng răn đe, trong khi chờ đợi Iran có vũ khí hạt nhân. »