Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa yêu cầu rút lại lệnh cấm xuất cảng LNG, cảnh báo rủi ro ‘an ninh quốc gia nghiêm trọng’

Các thượng nghị sĩ cho biết, quyết định cấm xuất cảng LNG trong năm bầu cử này sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa yêu cầu rút lại lệnh cấm xuất cảng LNG, cảnh báo rủi ro ‘an ninh quốc gia nghiêm trọng’

Tàu chở dầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Flex Volunteer, lướt đi dưới lá cờ của Quần đảo Marshall, gần cầu Saint-Nazaire bắc qua cửa sông Loire, khi con tàu này rời bến của nhà ga LNG Montoir-de-Bretagne, gần Saint-Nazaire, miền tây nước Pháp, hôm 12/04/2022. (Ảnh: Sebastien Salom-Gomis/AFP qua Getty Images)

Bill Pan

Thứ ba, 19/03/2024

Một nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đang yêu cầu chính phủ Tổng thống Biden ngay lập tức khôi phục việc xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), hành động mà họ cho là một vấn đề “mang tính an ninh quốc gia” liên quan đến việc Ukraine có thể dựa vào Hoa Kỳ để cung cấp cho cuộc chiến của họ hay không.

Hồi tháng Một, Tòa Bạch Ốc đã tạm dừng phê chuẩn các giấy phép mới cho việc xuất cảng LNG sang các quốc gia không có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Hoa Kỳ, những nơi có phần lớn các nhà nhập cảng LNG từ Hoa Kỳ.

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, được giao nhiệm vụ cấp phép cho các kho cảng xuất LNG, vẫn chưa xác định khung thời gian cho việc đình chỉ cấp giấy phép mới cho việc xuất cảng LNG. Thay vào đó, họ cho biết việc đình chỉ xuất cảng này sẽ kéo dài cho đến khi bộ này hoàn thành việc đánh giá xem các chuyến hàng LNG có ảnh hưởng như thế nào đến biến đổi khí hậu, nền kinh tế, và an ninh quốc gia.

Trong một bức thư hôm 18/03 gửi nhà ngoại giao khí hậu mới của Tổng thống Joe Biden, ông John Podesta, bốn thượng nghị sĩ đã kêu gọi “đảo ngược ngay lập tức” việc đóng băng xuất cảng LNG, cảnh báo về “những tác động nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại” của quyết định này.

Các thành viên Đảng Cộng Hòa này viết: “Vào thời điểm chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và căng thẳng đang gia tăng ở Trung Đông và châu Á, việc các quốc gia đồng minh có thể dựa vào Hoa Kỳ để có nguồn cung cấp nhiên liệu lâu dài, đáng tin cậy là đặc biệt quan trọng.”

Cho đến nay, Hoa Kỳ đã ký FTA với 20 quốc gia, trong đó có Israel, quốc gia đang có một cuộc chiến tàn khốc chống lại Hamas ở Dải Gaza. Ukraine không phải là đối tác FTA và Đài Loan, quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ về một cuộc xâm lược quân sự từ Trung Quốc, cũng vậy.

Trên hết, các thượng nghị sĩ nhấn mạnh nhu cầu LNG toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trong những năm tới. Họ lập luận rằng sẽ đi ngược lại lợi ích của Hoa Kỳ nếu không dành một phần trong số hàng tỷ USD đó để chống lại các đối thủ cạnh tranh như Nga và Iran.

“Nhu cầu LNG toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng lên gần 700 tấn (MT) vào năm 2040,” họ viết. “Nếu Hoa Kỳ được phép phát triển toàn diện công suất LNG, thì Hoa Kỳ có thể đạt 238 triệu tấn vào năm 2050, cho phép Hoa Kỳ đáp ứng hơn 30% nhu cầu LNG toàn cầu.”

“Từ năm 2016 đến năm 2023, giá trị xuất cảng LNG của Hoa Kỳ là 147 tỷ USD, con số đó đã điều chỉnh theo lạm phát,” bức thư tiếp tục cho biết. “Khi Hoa Kỳ tiếp tục thâm hụt thương mại đáng kể, chúng ta thậm chí không nên xem xét việc hạn chế xuất cảng một mặt hàng có thặng dư thương mại.”

Trong khi Hoa Kỳ đang tạm dừng xuất cảng LNG, thì các đối thủ của Hoa Kỳ lại làm điều ngược lại. Ví dụ, Nga đã gia hạn giấy phép cung cấp LNG cho SEFE, một tập đoàn năng lượng nhà nước của Đức, cho đến năm 2040. Đức cũng tiếp tục hợp tác với Qatar, quốc gia dự định mở rộng sản xuất LNG với mục tiêu kiểm soát ¼ nguồn cung toàn cầu vào năm 2030.

“Nếu Hoa Kỳ không xuất cảng LNG, thì cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ tồi tệ hơn nhiều,” các thượng nghị sĩ cảnh báo. “Tuy nhiên, Nga vẫn cung cấp cho châu Âu một lượng LNG đáng kể và Qatar sẵn sàng giành được nhiều thị trường ở châu Âu hơn. Do đó, nhu cầu đối với việc Hoa Kỳ cung cấp nhiều LNG hơn vẫn tồn tại không chỉ ở châu Âu mà còn ở những nơi khác.”

Bức thư hôm thứ Hai (18/03) được Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alabama) trao tận tay người nhận. Tham gia cùng ông có Thượng nghị sĩ Roger Wicker (Cộng Hòa-Missouri), thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện; Thượng nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming), thành viên cấp cao của Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên; và Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên cấp cao của Ủy ban Ngoại giao.

Bình luận của các thượng nghị sĩ được đưa ra cùng ngày khi các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện tiến hành cuộc điều tra thứ hai về quyết định của chính phủ Tổng thống Biden nhằm tạm dừng phê chuẩn xuất cảng LNG mới, xem xét liệu quyết định này có phải là một nỗ lực nhằm nâng cao sự nổi tiếng của Tổng thống Biden đối với các nhà hoạt động cấp tiến trước cuộc bầu cử hay không.

Cụ thể, Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm Giải trình của Hạ viện đang tìm kiếm một kho tài liệu và thông tin liên lạc giữa Bộ Năng lượng và các cơ quan chủ chốt của liên bang, cũng như các thành viên nhóm Khí hậu của Tòa Bạch Ốc là ông John Podesta và Ali Zaidi.

“Chính phủ Tổng thống Biden dường như đang vũ khí hóa phân tích lợi ích công cộng của DOE và cơ quan hành chính để kéo dài thời gian phê chuẩn dự án xuất cảng LNG mới theo yêu cầu của các nhóm môi trường cánh tả,” Chủ tịch James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) đã dẫn đầu các thành viên Đảng Cộng Hòa trong ủy ban viết cho Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm trong một bức thư. “Thời điểm đưa ra quyết định này, trong một năm bầu cử, làm tăng khả năng các động cơ chính trị đã thúc đẩy hành động đó.”

Nhật Thăng biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment