Bán đảo Triều Tiên trong vòng xoáy địa chính trị thế giới

Vào lúc thế giới tập trung vào chiến tranh Ukraina và xung đột ở Gaza, trên bán đảo Triều Tiên, Kim Jong Un nhờ có được hai điểm tựa vững chắc là Trung Quốc và Nga, liên tục khuấy động tình hình, đẩy quan hệ Liên Triều xấu đi thêm từng ngày. Tám tháng trước bầu cử tổng thống Mỹ, Bình Nhưỡng gấp rút tăng thêm sức mạnh quân sự và trông chờ vào thắng lợi của Donald Trump tháng 11/2024 với viễn cảnh lại có cơ hội đàm phán với tổng thống Hoa Kỳ.

Đăng ngày: 20/03/2024

North Korean leader Kim Jong Un looks on as he guides a training of the fire division, in North Korea, March 18, 2024, in this picture released on March 19, 2024, by the Korean Central News Agency.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chỉ huy chương trình tập trận của đơn vị pháo binh ngày 18/03/2024. Ảnh do KCNA cung cấp. via REUTERS – KCNA

Thanh Hà

Trong hai ngày 18-19/03/2024 lãnh tụ Bắc Triều Tiên thị sát và chỉ huy các cuộc tập trận với bài tập bắn thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển Nhật Bản, sử dụng hệ thống phóng pháo đa nòng cỡ lớn. Vụ việc diễn ra vào lúc Hàn Quốc và Hoa Kỳ vừa kết thúc đợt tập trận thường niên Freedom Shield kéo dài trong 11 ngày và ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken đang có mặt tại thủ đô Seoul khai mạc Hội Nghị Cấp Cao về Dân Chủ. Đó chỉ là một hiệp mới trong chuỗi rất dài những đợt thử tên lửa đủ loại, những lần thử nghiệm bom nguyên tử và những màn hù dọa « nghiền nát » nước láng giềng sát cạnh là Hàn Quốc mỗi lần Seoul mở cuộc tập trận chung với đồng minh Hoa Kỳ.  

Một công đôi việc

Theo lời một chuyên gia hàng đầu của Nhật về Bắc Triều Tiên, giáo sư Atsuhiro Osozaki đại học Keio -Tokyo, được báo La Croix ngày 19/03/2024 trích dẫn, chủ đích của ông Kim Jong Un là « cải thiện kỹ thuật chế tạo tên lửa và không ngừng nâng cấp sức mạnh quân sự (…) nhằm tăng cường khả năng răn đe ». Qua đó, lãnh tụ Bắc Triều Tiên vừa củng cố uy tín của ông với công luận trong nước, vừa sử dụng tiềm năng quân sự đó như một « chiêu bài ngoại giao » để có thể mặc cả với quốc tế mà đứng đầu là Hoa Kỳ, đặc biệt là trong giả thuyết Donald Trump quay lại Nhà Trắng.  

Cho đến nay chế độ Bình Nhưỡng luôn được hai nước láng giềng sát cạnh là Nga và Trung Quốc yểm trợ, cả hai cùng là những đối thủ của Hoa Kỳ : đó lại càng là động lực để ông Kim kỳ vọng hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ là một ưu tiên trong chính quyền sắp tới ở Washington nếu như Donald Trump trở lại cầm quyền. Khác hẳn với các cuộc gặp hồi 2018/2019 với nguyên thủ Mỹ, lần này Kim Jong Un muốn phía Mỹ phải chấp nhật một thực tế : Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và do vậy sẽ không có chuyện Washington đòi Bình Nhưỡng « phi hạt nhân hóa toàn diện ». 

Trong bài tham luận trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRISBarthélémy Courmont, giám đốc nghiên cứu phụ trách Chương Trình Châu Á -Thái Bình Dương đặt quan hệ liên Triều trong toàn cảnh địa chính trị hiện nay.

Trước hết nhà nghiên cứu này nhắc lại trên các hồ sơ nóng của thế giới hiện tại, là xung đột Gaza và Ukraina thì lập trường của Bình Nhưỡng và Seoul là hai thái cực « hoàn toàn trái ngược nhau ». Vào lúc Hàn Quốc đã đứng hẳn về phía phương Tây, mạnh mẽ lên án loạt tấn công phong trào Hồi Giáo Hamas tiến hành trên lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023, thì Bắc Triều Tiên từ 1988 đã công nhận chủ quyền của Palestine trên « toàn bộ lãnh thổ Israel, ngoại trừ khu vực Golan thuộc về Syria ». Nói cách khác, Bình Nhưỡng không công nhận « Nhà nước Do Thái »

Chiến tranh Ukraina « dội » đến bán đảo Triều Tiên

Liên quan đến cuộc chiến Ukraina, tình hình còn « căng thẳng hơn và dưới nhiều khía cạnh khác nhau, hiềm khích giữa hai nước hằn sâu thêm vì cuộc xung đột này ».

« Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á hiếm hoi trừng phạt Nga và lên án Matxcơva xâm lược Ukraina. Tổng thống Yoon Seok Yeol thậm chí còn nêu lên khả năng yểm trợ Kiev về mặt quân sự trước khi bị Kremlin cảnh cáo ». Cùng lúc Hàn Quốc đã thắt chặt quan hệ hơn bao giờ hết với nhiều nước châu Âu sát cạnh Ukraina và là cũng là những quốc gia ngay từ những ngày đầu đã giúp đỡ Ukraina về mọi mặt như Ba Lan. Seoul trở thành một nguồn cung cấp vũ khí và trang thiết bị quan trọng của Vacxava. Ở phía bắc vĩ tuyến 38, Bình Nhưỡng không những tuyệt đối tránh lên án Nga « tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt » mà còn là một trong tiếng nói hiếm hoi tại các diễn đàn Liên Hiệp Quốc công khai ủng hộ Matxcơva xâm chiếm Ukraina.

Từ tháng 10/2023 các nguồn tin của Mỹ và Hàn Quốc khẳng định Bắc Triều Tiên cung cấp đạn dược, tiếp sức cho cỗ máy chiến tranh của Vladimir Putin tại Ukraina. Ngày 18/03/2024 Seoul tiết lộ Bình Nhưỡng đã gửi 7.000 contener vũ khí đạn pháo cho Matxcơva trong thời từ tháng 7/2023 đến nay.

Barthélémy Courmont, viện IRIS của Pháp nhắc lại, sau cuộc gặp Vladimir Putin – Kim Jong Un hồi tháng 9/2023 tại sân bay vũ trụ Vostochny, viễn đông Nga, Bắc Triều Tiên và Nga đã trở thành « những đồng minh chiến lược ». Trong mối đối tác đó Bình Nhưỡng dùng đạn dược để đánh đổi lấy các chương trình hợp tác chế tạo tên lửa, đổi lấy công nghệ chế tạo vệ tinh … Hơn thế nữa, chế độ Kim Jong Un trông đợi nhiều vào Matxcơva để hiện đại hóa kho vũ khí từ thời Liên Xô, để nâng cao khả năng chiến đấu của bên Không Quân và Hải Quân.

Nhìn dưới góc độ đó chiến tranh Ukraina rõ ràng « đang tác động trực tiếp đến tình hình bán đảo Triều Tiên » như chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont ghi nhận.

Yếu tố Mỹ trong bài toán Bắc Triều Tiên

Trở lại với yếu tố Hoa Kỳ : Seoul là đồng minh chủ chốt của Washington ở châu Á Thái Bình Dương và sự hiện diện của khoảng 27.000 lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc là lá bùa hộ mạng, bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc. 

Từ khi lên cầm quyền năm 2022 tổng thống Yoon Seok Yeol thắt chặt thêm quan hệ với Nhà Trắng, vượt lên trên những hiềm khích trong quá khứ chiến tranh để bình thường hóa bang giao với Tokyo, nhằm đối phó với hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Chính quyền Biden liên tục thúc hối Hàn Quốc sưởi ấm quan hệ với Nhật Bản và « thậm chí là thành lập một liên minh quân sự ba bên Mỹ Nhật Hàn vững chắc tựa như mô hình AUKUS trong khu vực nam Thái Bình Dương ». Mỹ -Hàn đồng thời liên tục mở rộng các chương trình tập trận chung mà điển hình là chiến dịch Freedom Shield vừa kết thúc hôm 15/03/2024. Đôi bên huy động nhiều phương tiện cho cuộc tập trận « quy mô nhất từ 5 năm nay ». Washington muốn chứng minh quyết tâm tăng cường hiện diện và tầm mức quan trọng về mặt chiến lược của khu vực ở Châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó khiến Bắc Triều Tiên và ông anh cả Trung Quốc bực mình.

Nhưng Bình Nhưỡng có phản ứng mạnh hơn cả. Sau khi điểm mặt Hàn Quốc là « kẻ thù chính », Kim Jong Un ra lệnh đóng cửa mọi kênh liên lạc Liên Triều, mọi chương trình hợp tác, phá hủy những biểu tượng hòa giải giữa hai nước Triều Tiên. Cuối 2023 lãnh tụ Bắc Triều Tiên ra lệnh « tăng tốc các khâu chuẩn bị để đối phó với chiến tranh » và dọa rằng xung đột quân sự « có thể diễn ra bất cứ lúc nào » nếu như Hàn Quốc lấn chiếm dù chỉ « một ly » lãnh thổ Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên theo ghi nhận của giám đốc nghiên cứu IRIS, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp, Bình Nhưỡng biết rõ là chỉ cần Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới là « những chương trình hợp tác chặt chẽ đó có thể bị xua tan » vì đến nay ứng cử viên của đảng Cộng Hòa « không mấy gắn bó với những đồng minh chiến lược ». Đương nhiên là Seoul hoàn toàn ý thức được rằng, yếu tố Mỹ ở đây có thể là một nhược điểm của Hàn Quốc trong cuộc đọ sức với Bắc Triều Tiên. Barthélémy Courmont thuộc viện IRIS lưu ý : Trong cuộc đọ sức này, nếu như chiến lược của Bình Nhưỡng « rất rõ ràng » và Bắc Triều Tiên biết rõ sẽ phải làm những gì vì sự « tồn tại của chế độ »,thì trái lại phía Seoul còn đang đứng trước nhiều ẩn số. Ngoài những chuyển biến trên chính trường Mỹ, Hàn Quốc còn đang lo trước kịch bản thủ tướng Nhật Fumio Kishida rời khỏi chính trường và khả năng người kế nhiệm tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol sẽ có một đường lối khác trong cách tiếp cận vấn đề Bắc Triều Tiên.

Bài Liên Quan

Leave a Comment