Khai khoáng biển sâu kích thích mâu thuẫn địa chính trị

Phần lớn hoạt động khai khoáng biển sâu diễn ra ở Vùng đứt gãy Clipperton, Bắc Thái Bình Dương
Chụp lại hình ảnh,Phần lớn hoạt động khai khoáng biển sâu diễn ra ở Vùng đứt gãy Clipperton, Bắc Thái Bình Dương

  • Tác giả,Navin Singh Khadka
  • Vai trò,Phóng viên Môi trường, BBC World Service
  • 4 tháng 4 2024

Ngoài các tranh chấp đất liền và biển đảo, đáy đại dương là một chiến trường địa chính trị mới được hình thành.

Khoáng sản biển sâu, nằm cách mặt nước biển hàng ngàn mét, có thể được sử dụng để sản xuất các trang thiết bị và vũ khí quân sự.

Bên cạnh đó, nhiều loại khoáng sản đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng cấp bách trên toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu.

Dù hiện chưa có loại khoáng sản nào được khai thác từ đáy đại dương, các công ty tư nhân và cơ quan chính phủ, bao gồm các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, đang chạy đua giành quyền khai thác.

Mỹ hiện đang tăng cường chuẩn bị cho hoạt động khai khoáng biển sâu trong khu vực biển nội địa.

Mỹ chưa phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và vì thế không hoạt động ở các vùng biển quốc tế – những vùng biển không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào.

Các quốc gia đang thăm dò nhiều khu vực biển khác nhau, bao gồm Vùng đứt gãy Clipperton (Clarion Clipperton Zone) ở Bắc Thái Bình Dương, Sống núi giữa Đại Tây Dương (Mid-Alantic Ridge) ở Bắc Đại Tây Dương, cũng như Ấn Độ Dương và vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, sau khi được Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA), một cơ quan liên kết với Liên Hợp Quốc, cấp phép.

Trong số 31 hợp đồng thăm dò được ISA cấp, có 17 hợp đồng cho phép hoạt động ở Vùng đứt gãy Clipperton giữa Hawaii và Mexico.

Ở đây hiện đang diễn ra những hoạt động tìm kiếm các khối đa kim – những mẫu đá nằm dưới đáy đại dương, có hình dạng như củ khoai tây chứa nhiều mangan, coban, niken và đồng.

Những kim loại này, cùng các loại khác như lithium và graphite, được sử dụng trong sản xuất xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời, tua bin gió và pin lưu trữ năng lượng.

Trung Quốc trong cuộc đua khai khoáng biển sâu

Trung Quốc đang tập trung khai thác nhiều loại khoáng sản bên ngoài lãnh thổ, gây ra lo ngại xung đột địa chính trị cho nhiều quốc gia.

Giờ đây, việc thăm dò biển sâu cũng đã lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh.

Tính về số lượng giấy phép từ ISA, Trung Quốc là quốc gia có nhiều nhất với năm giấy phép.

Ấn Độ hiện có hai giấy phép và vừa nộp đơn xin thêm hai giấy phép khác.

Nga hiện có bốn giấy phép của riêng mình và một giấy phép chung được chia sẻ với một số quốc gia khác.

Ấn Độ đang phát triển thiết bị thám hiểm biển sâu có tên Matsya 6000
Chụp lại hình ảnh,Ấn Độ đang phát triển thiết bị thám hiểm biển sâu có tên Matsya 6000

“Những căng thẳng gia tăng về địa chính trị kết hợp với quá trình chuyển đổi năng lượng đang đẩy nhanh cuộc đua khai thác, xử lý và sử dụng các khoáng sản quan trọng,” ông Nathan Picarsic – đồng sáng lập Horizon Advisory, một công ty cung cấp thông tin tình báo về chuỗi cung ứng và địa chính trị có trụ sở tại Mỹ – cho biết.

Mối lo ngại địa chính trị lớn nhất là về thị phần của Trung Quốc trong việc chế biến các khoáng sản này trước khi chúng được đưa vào chuỗi cung ứng.

Sau nhiều thập kỷ mài giũa chuyên môn và công nghệ trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, Trung Quốc hiện đang kiểm soát 100% nguồn cung than chì và dysprosium (dysprosi) tinh chế, 70% nguồn cung coban và gần 60% tổng lượng lithium và mangan được chế biến, theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã áp đặt một số lệnh cấm xuất khẩu công nghệ chế biến và một vài kim loại đất hiếm.

Trung Quốc cho biết động thái này là để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia.

Quy định mới nhất được ban hành vào tháng 12/2023, cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm – loại nam châm được sử dụng trong xe điện, tua bin gió và các thiết bị điện tử.

“Chúng ta đang đối đầu với một nhà cung cấp quyền lực, sẵn sàng biến sức mạnh thị trường thành vũ khí vì lợi ích chính trị,” Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói tại hội nghị thượng đỉnh về khoáng sản thiết yếu và năng lượng sạch được tổ chức hồi tháng 8/2023.

Hai tháng trước đó, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã chỉ đạo Lầu Năm Góc đánh giá khả năng khai thác và chế biến khoáng sản biển sâu của quốc gia.

“Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều động thái quyết liệt và táo bạo để biến việc khai thác và chế biển các khối đa kim dưới đáy biển thành kế hoạch chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia,” ủy ban này cho biết.

“Để đối chọi lại sự kiểm soát ngày càng lớn của Trung Quốc lên chuỗi cung ứng toàn cầu, Mỹ cần có cho riêng mình những nguồn cung tiên tiến về khoáng sản và vật liệu mang tính thiết yếu và chiến lược, bao gồm cả khối đa kim, để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn từ thế lực thù địch ngoại bang,” ủy ban nói thêm.

Mỹ, Úc, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển và Ủy ban châu Âu đã khởi động Đối tác Khoáng sản An ninh thời điểm năm 2022.

Ý và Ấn Độ hiện cũng đã tham gia.

Tại sao khoáng sản biển sâu lại được săn đón?

Mối quan tâm dành cho khai khoáng biển sâu tăng vọt sau những dự báo về nhu cầu lớn nhằm chuyển đổi sang năng lượng sạch trên khắp thế giới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xe điện cần gấp sáu lần lượng khoáng sản so với các loại xe trước đó.

Tương tự, công nghệ điện gió ngoài khơi đòi hỏi gấp 12 lần lượng kim loại và khoáng sản so với lượng khí tự nhiên cần thiết để sản xuất mỗi megawatt điện.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, mức khai thác các khoảng sản này cần tăng gấp năm lần vào năm 2050, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới.

Theo đó, ước tính cần tới hơn ba tỷ tấn khoáng sản và kim loại cho điện gió, mặt trời, địa nhiệt và lưu trữ năng lượng.

Các bên ủng hộ khai khoáng biển sâu cho rằng nguồn cung từ hoạt động khai thác truyền thống có thể không đủ, xuất phát từ sự suy giảm chất lượng khoáng sản đất liền do nạn khai thác quá mức.

Cũng có những mâu thuẫn và vấn đề liên quan tới môi trường xung quanh những hoạt động khai thác này.

Hiện tại, một ít quốc gia đang thống trị hoạt động sản xuất những khoáng sản đất liền quan trọng.

Trong khi Úc là nhà sản xuất lithium chính, Chile là nhà cung cấp đồng hàng đầu thế giới.

Trung Quốc chủ yếu sản xuất than chì và đất hiếm, những tài nguyên được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh và máy tính.

Cộng hòa Congo, Indonesia và Nam Phi là những tên tuổi lớn trong thị trường coban, niken, platin và iridi.

Các khối đa kim được Ấn Độ thu thập năm 2022 trong một cuộc khai khoáng thử nghiệm
Chụp lại hình ảnh,Các khối đa kim được Ấn Độ thu thập năm 2022 trong một cuộc khai khoáng thử nghiệm

Vì sao việc khai thác vẫn đang bị trì hoãn?

Hoạt động khai khoáng biển sâu vẫn chưa bắt đầu do ISA vẫn đang trong quá trình xây dựng quy định.

Các nhà khoa học và nhà vận động bảo vệ biển đã lên tiếng cảnh báo về những tác động sinh thái mà hoạt động khai khoáng biển sâu có thể gây ra.

“Khi ISA có quy định hoàn chỉnh, có thể là vào năm tới, chúng ta vẫn có những lỗ hổng kiến thức rất lớn về sự đa dạng sinh học ở biển sâu, cũng như những tác động từ hoạt động khai khoáng tới khả năng hồi phục. Và cả những tác động tới vùng nước phía trên, đến các ngư trường quan trọng hoặc các hoạt động đại dương như chu trình carbon,” bà Lisa Levin, Giáo sư Danh dự về sinh vật học đại dương và sinh thái biển tại Đại học California, chia sẻ.

Một nhóm gồm khoảng 20 quốc gia – bao gồm Brazil, Canada, Costa Rica, Phần Lan, Thụy Sĩ và Vanuatu – đã yêu cầu tạm dừng hoạt động khai khoáng biển sâu cho đến khi có thêm nghiên cứu về tác động tiềm ẩn của hoạt động này tới hệ sinh thái biển.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, Quốc hội Na Uy đã phê duyệt việc thăm dò vùng biển của quốc gia này trong khu vực Vùng Bắc Cực.

Nhu cầu cho những loại khoáng sản quan trọng được sử dụng trong công nghệ năng lượng sạch được dự báo sẽ tăng gấp năm lần vào năm 2050.
Chụp lại hình ảnh,Nhu cầu khoáng sản quan trọng được sử dụng trong công nghệ năng lượng sạch được dự báo sẽ tăng gấp năm lần vào năm 2050

Nhu cầu cho những loại khoáng sản quan trọng được sử dụng trong công nghệ năng lượng sạch được dự báo sẽ tăng gấp năm lần vào năm 2050.

Nhiều quốc gia đang đánh giá rằng đáy đại dương có tiềm năng khổng lồ.

Ban thư ký ISA cho biết 169 quốc gia thành viên của ISA “ngày càng nhận thức được tiềm năng của đáy đại đương đối với công nghệ xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu”.

“Tình hình địa chính trị phức tạp đang thúc đẩy mạnh mẽ sự quan tâm đến khoáng sản biển sâu, khi mà ba quốc gia đông dân nhất thế giới đều tập trung vào tiềm năng của nguồn tài nguyên này,” ông Gerard Baron, từ The Metals Company, một công ty Canada đang thăm dò ở Vùng Clarion-Clipperton, cho biết.

Giới hoạt động đổ lỗi cho các công ty khai khoáng biển sâu về sự leo thang căng thẳng địa chính trị.

“Họ đang kích thích căng thẳng địa chính trị, tạo ra bầu không khí bất an và gieo rắc nỗi sợ hãi bằng cách phóng đại những hạn chế của chuỗi cung ứng nhằm vận động chính phủ các nước cho phép hoạt động khai khoáng biển sâu,” bà Louisa Casson, một nhà vận động chiến dịch ‘Ngừng Khai thác Biển sâu’ của Greenpeace, lên tiếng.

Đáp lại những cảnh báo “lỗ hổng kiến thức” về tác động của hoạt động khai khoáng tới hệ sinh thái biển, ISA cho biết họ đã hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học ở biển sâu trong vài thập kỷ qua và hiện đang hợp tác với các chuyên gia quốc tế để thiết lập các giá trị ngưỡng môi trường.

“Hiện tại, cộng đồng quốc tế không đồng thuận về sự tồn tại của lỗ hổng kiến thức,” họ nói.

Bài Liên Quan

Leave a Comment