RFA
2024.04.16
Nhà hoạt động Bùi Văn Thuận trước khi bị bắt
Cán bộ quản giáo của Trại giam số 6 không đồng ý cho tù nhân lương tâm (TNLT) Bùi Văn Thuận nói tiếng Mường với gia đình mình khi thăm gặp dù thông tư của Bộ Công an cho phép.
Ông Thuận, 43 tuổi, người dân tộc Mường ở tỉnh Hoà Bình đang thi hành bản án tám năm tù giam tại trại giam ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Vợ ông, bà Trịnh Thị Nhung, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết trong cuộc thăm gặp với bố mẹ hồi tháng 08/2023 và với em trai vào tháng 02/2024, cán bộ trại giam không cho sử dụng tiếng Mường để giao tiếp với nhau mà buộc họ phải sử dụng tiếng Việt.
Bà nói với RFA qua điện thoại ngày 16/4:
“Bố mẹ anh ấy là người dân tộc sống ít tiếp xúc với người Kinh, gần cả cuộc đời chỉ ở trong xóm làng nên giao tiếp bằng tiếng Kinh rất khó khăn. Tuy nhiên, họ (trại giam- PV) vẫn bắt phải nói chuyện bằng tiếng Kinh (tiếng Việt-PV), không được nói bằng tiếng mẹ đẻ.”
Ông Thuận phản đối việc này nhưng cuối cùng người thân cũng phải giao tiếp tiếng Việt với ông dù rất khó khăn, thỉnh thoảng họ chêm tiếng Mường vào và bị cán bộ dọa lập biên bản.
Bà chất vấn:
“Nhà nước mình luôn tuyên truyền rằng 54 dân tộc đều bình đẳng với nhau đều có mọi quyền như nhau nhưng mà tại sao tiếng Mường lại không được phép sử dụng trong giao tiếp?!”
Người Mường là dân tộc thiểu số trong 54 dân tộc được công nhận chính thức ở Việt Nam. Trong khi đó, Khoản 3, Điều 5 của Thông tư số 07/2018 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 29/3/2018 quy định ngôn ngữ giao tiếp giữa tù nhân và người đến thăm là tiếng Việt.
Trường hợp là người dân tộc thiểu số và người nước ngoài không biết tiếng Việt thì được sử dụng ngôn ngữ khác.
Phóng viên không thể kết nối với số điện thoại được công bố trên Internet của Trại giam số 6 để kiểm chứng thông tin.
Bị phân biệt đối xử vì hoạt động trực tuyến của vợ
Trong cuộc thăm gặp với người thân ngày 13/4 vừa qua, ông Thuận cho biết bị chuyển từ Phân trại 2 sang Phân trại 1 và bị giam trong điều kiện hà khắc hơn. Bà Nhung nói:
“Anh Thuận cùng một người nữa bị chuyển qua Phân trại 1 và hiện anh ấy đang ở cùng phòng với hai người và cái phòng anh Thuận ở rất chật chội, nóng bức và không có cửa sổ và anh ấy không có nơi để đi lại, anh ấy phải ở trong phòng cả ngày.”
Việc buộc phải ở trong buồng giam chật chội trong khi các phòng khác có điều kiện tốt hơn, có cửa sổ thông thoáng, có nơi để đi lại tập thể dục khiến ông cảm thấy bản thân bị phân biệt đối xử và giống như bị “biệt giam.”
Ông Thuận không hiểu lý do vì sao lại bị chuyển đến một phòng giam “tệ hơn cả chuồng cọp và tệ hơn cả lúc bị tạm giam” dù không vi phạm nội quy. Tuy nhiên, ông thuật lại với vợ, trước khi bị chuyển phân trại, an ninh Thanh Hoá vào làm việc với ông về việc bà Nhung đăng tải bài viết trên mạng xã hội Facebook, với thái độ “không hài lòng.”
Như tin đã đưa, trong thời gian trước và sau tết Nguyên đán vừa qua, bà Nhung nhiều lần bị công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa mời lên đồn để tra khảo về việc bà ký tên trong thỉnh nguyện thư đòi tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người đang phải điều trị cùng lúc hai căn bệnh trầm cảm và ung thư cổ tử cung khi đang bị tạm giam.
Công an địa phương cũng ép buộc bà Nhung phải thừa nhận sử dụng một số danh khoản Facebook có tên bà và có hình ảnh đại diện là ảnh của gia đình.
Ngoài ra, tình trạng người lạ mặt đến gần nhà để quấy rầy hai mẹ con hoặc bám sát khi bà đi ra ngoài vẫn tiếp diễn dù đã nhiều lần trình báo công an địa phương.