RFA
2024.04.16
Một người dân ở Đồng Tháp giăng lưới mùa nước nổi (ảnh minh họa)
Ngày 23 tháng 4, 2024, tại Thành phố Cần Thơ, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp tham vấn quốc gia đối với Dự án Kênh đào Funan Techo của Cambodia, kết quả đạt được trong thủ tục tham vấn trước của Ủy hội Sông Mekong.
RFA phỏng vấn PGS. TS. Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Cần Thơ, về tác động có thể xảy ra của kênh đào Phù Nam (khi hoàn thành) đối với mùa nước nổi ở Đồng bằng Sông Cửu Long, cũng như khả năng thích ứng của vùng Đồng bằng này với những thay đổi sắp tới.
RFA. Xin ông cho biết nếu kênh đào Phù Nam được hoàn thành, nó có thể tác động thế nào đến mùa lũ ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn
Chúng ta biết là ở Đồng bằng Sông Cửu Long, lũ là một phần của hệ sinh thái. Đồng bằng Sông Cửu Long hình thành là nhờ lũ bồi đắp phù sa hằng năm.
Lũ cũng tạo ra nguồn lợi thủy sản và tạo ra các hệ sinh thái khác nhau. Nó cũng rửa các độc chất trong đồng ruộng.
Khi kênh đào Phù Nam hình thành, nó lấy đi một phần nước sông Hậu, và có thể cả một phần sông Tiền, và đưa ra vịnh Thái Lan. Quan trọng hơn, nó cắt ngang dòng lũ tràn đồng vào Đồng bằng Sông Cửu Long. Lũ ở đây là lũ tràn đồng, không phải lũ trên sông.
Khi con kênh Phù Nam hoàn thành, sẽ có hai bờ kênh dọc theo kênh. Và dọc theo hai bờ kênh sẽ hình thành như khu dân cư, nhà máy. Như vậy, con kênh và con đường hai bên bờ sẽ thành những cái đê cắt ngang cánh đồng lũ.
Điều đó sẽ thay đổi lũ ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Nó làm cho phù sa đến Đồng bằng Sông Cửu Long ít hơn, nguồn lợi thủy sản cũng ít hơn.
Một số loại hình hệ sinh thái cũng sẽ suy giảm. Ví dụ, ở biên giới Việt Nam và Campuchia có một đất ngập nước cho sếu đến. Ở phía Việt Nam cũng có một số khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước như vùng Trà Sư hay Tứ giác Long Xuyên. Những vùng này sẽ bị thay đổi.
Bây giờ sự việc chưa xảy ra nên tôi cũng chưa biết nó sẽ thay đổi ra sao, sự đa dạng sinh học sẽ bị ảnh hưởng thế nào. Nhưng chắc chắn sự thay đổi sẽ theo hướng tiêu cực, giảm sút. Bởi vì lượng cá ít đi thì chim cò cũng ít đi vì cá là nguồn thức ăn của chim cò.
Ngoài nguy cơ cản lũ trong mùa mưa lũ, vào mùa khô, con kênh Phù Nam cũng sẽ lấy bớt nước.
Con kênh chạy qua một vùng dân số khoảng 1,6 triệu người. Khi con kênh chạy qua vùng của họ thì chắc chắn họ sẽ lấy nước để phát triển kinh tế và sinh hoạt. Ngoài chuyện con kênh dẫn nước ra biển Tây (vịnh Thái Lan) thì con kênh còn lấy nước bên trong Campuchia cho kinh tế, sinh hoạt.
Như vậy, con kênh cũng lấy bớt nước của Đồng bằng Sông Cửu Long trong mùa khô.
Đó là cái tôi thấy như vậy nhưng về mặt định lượng thì hiện giờ cũng chưa thể trả lời là giảm sút cụ thể bao nhiêu.
RFA. Nếu lũ tràn đồng bị chặn, liệu Đồng bằng Sông Cửu Long có khả năng tự thích ứng hay không? Khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi để thích ứng là gì?
PGS. TS. Lê Anh Tuấn
Được, Đồng bằng có thể thích ứng được, nhưng mình phải có đầu tư. Đâu phải là mình cứ muốn là được. Mình phải giảm bớt diện tích canh tác lúa, chuyển sang cây trồng ít nước hơn. Ví dụ như trồng rau hay cây ăn trái thì không cần nhiều nước như cây lúa. Chắc chắn sẽ phải đi tới cách đó.
Thực tế một số nông dân họ thấy lũ thấp nên họ chuyển sang trồng cây ăn trái như vùng An Giang. Vấn đề khó khăn nhất là khi ra được những nông sản đó thì chế biến và bán đi đâu. Lúa là hạt khô, nếu chưa bán được thì có thể cất trong kho, còn trái cây, rau thì bị hư hại rất nhanh.
Trái cây tươi nếu chế biến thành các sản phẩm mứt, trái cây ép thì về kĩ thuật là làm được nhưng bán cho ai thì lại là vấn đề không đơn giản với người nông dân. Điều đó vượt tầm người nông dân. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các điều kiện khác nhau, những cách giúp người nông dân, những khuyến cáo chính sách cho chính quyền để hỗ trợ cho người nông dân.
RFA. Việt Nam có kế hoạch hoàn thành trước 2026 một mạng lưới tám tuyến đường cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Gần đây cũng có nhiều thông tin về sự ra đời của các giống cây trồng chịu mặn, chịu phèn cho Đồng bằng Sông Cửu Long. Vậy Việt Nam có đang thực thi một kế hoạch tổng thể nào cho Đồng bằng Sông Cửu Long không? Liệu có thể thực thi được không sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông để giúp ĐBSCL thích ứng với sự thay đổi?
PGS. TS. Lê Anh Tuấn
Đúng vậy. Có. Nhưng vấn đề là bây giờ mình phải chuyển đổi từ từ. Về việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông dân không thể làm nhanh như doanh nghiệp. Những chỗ nào nông dân có thể chuyển đổi thì mình hỗ trợ nông dân chuyển, còn chỗ nào về lâu về dài cần có hỗ trợ mới chuyển được thì mình cần nghiên cứu cụ thể xem nông dân cần hỗ trợ gì.
Ví dụ, người nông dân đang trồng lúa mà chuyển sang nuôi thủy sản như tôm, cá thì không dễ vì cần kiến thức mới. Kiến thức của họ hồi nào giờ là kiến thức về lúa, còn chuyển sang nuôi tôm thì cần kiến thức phức tạp hơn về xử lý nước, chống dịch bệnh.
Người nông dân thiếu tiền, thiếu kiến thức, thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Khi chuyển đổi, người nông dân phải đầu tư rất nhiều tiền nhưng nếu nhỡ thất bại thì trắng tay. Vì vậy, phần đông nông dân nghèo vẫn phải bám vào cây lúa.
Chúng tôi hiện nay khuyến khích người nông dân áp dụng phương thức canh tác mới, thuận theo tự nhiên mới. Tức là khi mùa mưa, có nước ngọt thì trồng lúa để có gạo ăn, còn khi mùa khô tới, nước mặn tràn vô đồng, bị ngập mặn thì chuyển sang nuôi tôm.
Gốc rạ trồng lúa vào mùa mưa để lại đồng sẽ bị phân hủy, trở thành thức ăn cho tôm ở mùa khô. Còn tôm lớn lên, phân tôm thải ra nằm trong đồng ruộng lại trở thành phân bón cho lúa ở mùa tiếp theo.
Bên cạnh kinh tế xen canh, Đồng bằng Sông Cửu Long đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu với mô hình “kinh tế tuần hoàn”. Kinh tế tuần hoàn liên quan tới chuỗi sản xuất. Trong quá trình sản xuất, nếu tạo ra phụ phẩm, phế phẩm thì mình tận dụng phụ phẩm, phế phẩm đó tạo ra hàng hóa mới.
Ví dụ khi trồng lúa, tạo ra rơm rạ thì sử dụng rơm rạ trồng nấm. Rơm rạ đó bị phân hủy thành phân bón để trồng trọt tiếp. Hoặc rơm rạ cho bò ăn, nuôi bò, hoặc nuôi trùng quế. Con trùng đó có thể thành thức ăn chăn nuôi. Các loại phân thải ra thì trả lại cho đồng ruộng để trồng cây. Chúng ta có thể sử dụng thêm các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho quá trình sản đó.
Bà con nông dân hiện bắt đầu áp dụng cái đó. Tất nhiên quy mô còn nhỏ nhưng mình sẽ làm, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra từ từ.
Chúng tôi cũng phải kết hợp giữa nông dân với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Chúng tôi kết nối với doanh nghiệp vào với nông dân, họ cam kết đầu tư chế biến nông sản và tìm ra thị trường tiêu thụ. Việc tìm thị trường tiêu thụ là là việc của nhà doanh nghiệp chứ không phải là việc của nhà nông hay nhà khoa học.
Hiện nay, Đồng bằng Sông Cửu Long đang cố gắng thực hiện mô hình bốn nhà, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước. Nhà nước ra chính sách, doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường, nhà khoa học hỗ trợ cho quy trình sản xuất giúp cho người nông dân, còn người nông dân thì sản xuất nông sản. Hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh những liên kết như vậy để giúp người dân thích ứng với sự thay đổi của Đồng bằng Sông Cửu Long.
RFA xin cảm ơn TS. Lê Anh Tuấn đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.