Tại sao Ukraina không thể được đồng minh hợp lực bảo vệ tức thì như với Israel ?

Ukraina cảm thấy “tủi thân” trước tinh thần đoàn kết của phương Tây giúp Israel đáp trả vụ oanh kích chưa từng có của Iran. 99% trên tổng số hơn 300 tên lửa và drone của Iran nhắm đến Nhà nước Do Thái đã bị bắn hạ hoặc bị rơi trước khi bay đến lãnh thổ. Thành công này là nhờ hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) nổi tiếng của Israel và nhất là sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, Mỹ, Anh, Pháp và một số nước Ả Rập.

Đăng ngày: 19/04/2024

Le système anti-missile israélien est déployé après l'attaque de drones et de missiles iraniens vers l'Etat hébreu, le 14 avril 2024.
Hệ thống phòng không Israel được triển khai sau vụ tấn công bằng drone và tên lửa của Iran nhắm vào Nhà nước Do Thái, ngày 14/04/2024. © Amir Cohen / Reuters

Thu Hằng

Khi được cảnh báo về cuộc tấn công trả đũa của Iran, quân đội Mỹ huy động nhiều chiến đấu cơ và tầu khu trục chống tên lửa đạn đạo trong khu vực để hỗ trợ hệ thống phòng thủ của Israel. Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ “đã giúp Israel phá hủy hầu hết drone và tên lửa nhắm đến”. Chính phủ Anh “điều thêm nhiều chiến đấu cơ của Không Quân Hoàng Gia và máy bay tiếp liệu đến khu vực”, xuất kích từ các căn cứ ở đảo Chypre, theo trang The Guardian, để thay vị trí Không Quân Mỹ chống các tên lửa, drone của Iran được phóng từ khu vực Irak và đông bắc Syria.

Pháp đã hỗ trợ triệt phá nhiều drone hoặc tên lửa của Iran bay trên không phận Jordanie và Irak, nơi Pháp có lực lượng quân sự. Jordanie, nước láng giềng của Israel, cũng bắn chặn “nhiều vật thể bay” thâm nhập không phận. Ngoài ra, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất dường như đã mật báo cho Hoa Kỳ về kế hoạch tấn công của Iran nhắm vào Israel, chia sẻ thông tin theo dõi radar và mở không phận cho chiến đấu cơ Mỹ hoạt động.

Chứng kiến sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng minh phương Tây với Israel, tổng thống Zelensky thấy “chạnh lòng” trong bài phát biểu ngày 15/04 như bị đối xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh” vào lúc Ukraina vẫn “ra rả” kêu gọi đồng minh phương Tây cung cấp hệ thống phòng không :

“Cả thế giới chứng kiến hành động phối hợp trên bầu trời Israel và ở các nước lân cận. Sự kiện này cho thấy đoàn kết phòng thủ chống chủ nghĩa khủng bố có thể có hiệu quả khi dựa vào quyết tâm chính trị đủ lớn. Israel, Anh, Pháp, Jordanie đã cùng nhau hành động đạt hiệu quả tối đa. Cùng nhau, họ đã ngăn kẻ gieo rắc khiếp sợ chiến thắng và phối hợp với những nước khác để tránh căng thẳng leo thang.

Israel không phải là thành viên NATO, không cần phải có bất kỳ hành động nào kích hoạt điều 5 (của NATO) và không bên nào bị kéo vào chiến tranh. Đơn giản là họ chỉ tham gia bảo vệ sinh mạng. Drone Shahed bay trên bầu trời Ukraina giống y chang drone bay trên bầu trời Trung Cận Đông. Nếu không bị bắn chặn, tên lửa đạn đạo gây ra thiệt hại như nhau ở khắp nơi. Không phận châu Âu lẽ ra đã được hưởng cấp độ phòng thủ như vậy từ lâu nếu Ukraina nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ những đối tác của mình để bắn chặn drone và tên lửa”.

Để bảo vệ Ukraina, cần nhiều phương tiện hơn

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự Pháp có chung một nhận định là về mặt kỹ thuật, không thể triển khai hệ thống được sử dụng bảo vệ Israel vào trường hợp Ukraina. Để bảo vệ lãnh thổ Ukraina, cần rất nhiều phương tiện hơn, theo giải thích trên đài RFI ngày 16/04 của tướng Vincent Desportes, cựu giám đốc Trường Chiến tranh, giáo sư liên kết trường Khoa học Chính trị (Sciences Po) và HEC Paris, chủ tịch Stratforce Conseil :

“Chỉ cần nhìn vào những con số đã thấy là không thể làm được. Israel có diện tích khoảng 22.000 km², diện tích Ukraina là 600.000 km², lớn hơn gấp 30 lần. Israel có từ 8-9 triệu dân. Trước chiến tranh, Ukraina có khoảng 44 triệu dân. Israel đã triển khai 10 hệ thống vũ khí mà nước này đồng tài trợ với Hoa Kỳ để thấy rằng hệ thống đó tốn kém đến mức nào. Nếu người ta muốn Ukraina có lưới phòng thủ tương tự Israel thì phải cần đến 300 hệ thống như vậy. Nhưng vấn đề là chúng không tồn tại. Cho nên không thể làm được !

Do đó, Ukraina có những vùng được bảo vệ tốt, gần như bất khả xâm phạm, ví dụ một số thành phố như Kiev. Nhưng cũng có nhiều nơi không thể được bảo vệ. Vấn đề đối với Ukraina hiện giờ là họ phải chọn giữa bảo vệ tiền tuyến – vô cùng quan trọng để quân Nga không tràn vào mà như chúng ta biết là đang trong giai đoạn nguy kịch – và bảo vệ những thành phố đó. Và vì vậy không thể làm được tương tự. Đúng là các nước đồng minh đã giúp Israel nhưng hiện giờ, không có chuyện các nước NATO can thiệp vào không phận hoặc khu vực lân cận không phận Israel”.

Ukraina không có bề dày quan hệ lịch sử với Mỹ như Israel

Ngoài ra, sự ủng hộ từ lâu của cộng đồng quốc tế dành cho Israel trong mối quan hệ đối tác lịch sử cũng giải thích cho sự giúp đỡ khẩn trương của các nước đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trong khi đó, trước khi Nga phát động cuộc xâm lược, Ukraina và các nước phương Tây giữ mối quan hệ xa cách do Matxcơva gây sức ép. Ông Pascal Boniface, nhà sáng lập kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp – IRIS, nhận định “Ukraina không có tầm quan trọng như Israel có thể mang lại cho Mỹ”. Còn tướng Vincent Desportes giải thích với đài RFI :

“Việc thể hiện là người bảo vệ Israel đã có sẵn trong gien của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua. Với Ukraina thì không như vậy, nếu không Ukraina đã gia nhập NATO từ lâu. Israel và Mỹ có những lợi ích chiến lược chung ở Israel, mà tôi cho là không có, hoặc có ít hơn rất nhiều ở Ukraina. Chính vì thế, Hoa Kỳ không dấn thân vì Ukraina như họ hết mình với Israel kể từ đầu cuộc chiến sau vụ thảm sát ngày 07/10/2023. Hoàn toàn hiểu được việc Ukraina vô cùng buồn về tình hình hiện nay. Nhưng thực tế là vậy, chiến lược được hình thành từ những liên minh đã tồn tại với các nước, được tiến hành với vũ khí đã có. Còn hiện giờ đối với Ukraina thì không thể”.

Israel có hệ thống phòng thủ mạnh – Ukraina không có chiến đấu cơ

Đúng là đồng minh đã giúp Israel bắn hạ nhiều tên lửa và drone, nhưng chính hệ thống Vòm Sắt của Israel đã chứng tỏ hiệu quả. Cố vấn quân sự của đài truyền hình TF1/LCI Michel Goya lưu ý “sự hỗ trợ của nước ngoài cho Israel đã có từ lâu, qua việc giao hệ thống Patriot, hỗ trợ tài chính để triển khai hệ thống Vòm Sắt. Tương tự, hệ thống phòng không cũng đã được thiết lập từ lâu”.

Vẫn theo chuyên gia quân sự Pháp, “Israel và đồng minh phương Tây đã sử dụng chiến đấu cơ bắn hạ tên lửa đạn đạo và drone để bảo vệ bầu trời. Ukraina không có máy bay”. Ukraina phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quân sự từ các nước đồng minh trong khi hàng ngày vẫn phải đối phó các trận oanh kích của Nga, chiếm ưu thế về số lượng.

Tổng thống Zelensky không ngừng kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp hệ vũ khí, đặc biệt là hệ thống phòng không, chiến đấu cơ F-16 vì theo ông, Ukraina đang bảo vệ không phận cho châu Âu. Vậy các nước châu Âu không còn cách nào khác là quyết tâm hơn, bớt “lời đao to búa lớn”, theo phát biểu của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, mà đi vào hành động ? Tướng Vincent Desportes nhận định với RFI :

“Họ cần cố gắng hơn, cần làm nhiều hơn và dĩ nhiên là ngay lập tức. Người ta cũng thấy hiện giờ các nước châu Âu phải tìm ra được thỏa hiệp, có thể cung cấp cho Ukraina vũ khí nào và giữ lại vũ khí nào để bảo vệ đất nước. Ví dụ Pháp phải bảo vệ các cơ sở hạt nhân. Cho nên không thể hình dung ra rằng các nước châu Âu sẽ đưa hết vũ khí phòng không cho Ukraina”.

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba nhắc lại “tất cả những gì mà chúng tôi đề nghị với các đối tác, cho dù các vị không thể hành động như các vị làm ở Israel, thì hãy cho chúng tôi những gì chúng tôi cần và chúng tôi sẽ làm phần việc còn lại”. Lời đề nghị đã được đáp ứng phần nào. Sau cuộc họp thượng đỉnh ngày 17/04, Liên Hiệp Châu Âu cam kết “giao thêm hệ thống phòng không và đạn dược” cho Ukraina. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khuyến khích các nước trong liên minh lấy vũ khí trong kho giao cho Kiev dù việc này có thể khiến khối lượng dự trữ rơi xuống ngưỡng khuyến cáo của NATO. Nhưng điểm quan trọng nhất vẫn là khi nào lời hứa sẽ thành hiện thực vì Ukraina không có thời gian.

Bài Liên Quan

Leave a Comment