Ukraina đang chật vật đối phó với các cuộc tấn công của Nga trên tuyến phòng thủ miền Đông, cũng như bảo vệ các thành phố hậu phương, trong bối cảnh nguồn nhân lực và và vũ khí ngày càng cạn kiệt. Những ngày qua, nhiều chuyên gia cũng như giới chức quân sự ở phương Tây liên tiếp lên tiếng cảnh báo khả năng Kiev bị thua trong cuộc chiến này.
Đăng ngày: 30/04/2024
Cuộc chiến tranh tại Ukraina đã được hơn hai năm, tình hình với Kiev ngày càng trở nên ảm đạm hơn khi những ngày qua liên tiếp nhận những tin xấu từ mặt trận.
Từ sau thất bại của chiến dịch phản công 2023 của lực lượng Kiev, Nga đã kiểm soát được 18% lãnh thổ Ukraina ở miền đông và miền nam, đồng thời chiếm ưu thế rõ rệt trên chiến trường về hỏa lực ,cũng như quân số.
Hồi tháng 2, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội tiến sâu hơn vào Ukraina sau khi chiếm được thành phố Avdiivka, một vị chí chiến lược ở miền đông Ukraina.
Bộ Quốc Phòng Nga hôm qua, 29/04, thông báo quân đội đã chiếm thêm một địa điểm mới, làng Semenivka, trong vùng Donetsk và một số vị trí thuận lợi trong vùng Kharkiv, cũng như đẩy lùi một số cuộc tấn công của Ukraina.
Trước đó một hôm, tổng tư lệnh quân đội Ukraina Oleksandr Syrsky đã thừa nhận tình hình trên mặt trận đang trở nên « xấu đi ». Tình hình dường như khẩn cấp hơn: trong cuộc gặp tổng thư ký khối NATO tại Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi các đồng minh phương Tây cấp tốc chuyển giao cho Ukraina vũ khí để « làm thất bại » cuộc tấn công mới mùa hè mà Nga đang chuẩn bị trên quy mô lớn.
Viện trợ phương Tây có xoay chuyển được tình thế cho Ukraina ?
Ukraina hiện đang chứng kiến sự hỗ trợ quan trọng từ các đồng minh suy giảm. Trong khi đó, quân đội của nước này đang gặp phải tình trạng thiếu nhân lực và đạn dược. Vấn đề cốt tử cho Ukraina là viện trợ từ phương Tây. Kiev trước đây đã từng thừa nhận họ không thể cầm cự nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ, của Châu Âu.
Sau khi Quốc Hội Mỹ thông qua được gói viện trợ 60 tỷ đô la, nhiều chuyên gia quân sự ở phương Tây vẫn nghi ngại viện trợ quân sự ồ ạt khó có thể làm xoay chuyển cục diện chiến trường. Hơn nữa, những vũ khí đạn được mà các đồng minh cam kết viện trợ cho Kiev đều cần có thời gian để được chuyển tới mặt trận cho quân đội Ukraina. Chưa kể những biến động chính trị nội bộ của các đồng minh có thể làm chậm hoặc suy giảm sự hỗ trợ mang tính sống còn đối với Kiev.
Trong lúc này, Kiev và các đồng minh phương Tây đang chạy đua thời gian để có thêm vũ khí đạn dược, trong lúc quân Nga lợi dụng những lỗ hổng trong phòng ngự và những khó khăn của Ukraina để lấn dần đất, củng cố các điểm chiến lược đã chiếm được.
Phương Tây vẫn tiếp tục khẳng định hậu thuẫn Ukraina đến chiến thắng cuối cùng. Nhưng nước Nga có quân đội và dân số lớn gấp nhiều lần Ukraina. Hai năm chiến tranh vừa qua đã chứng tỏ Nga có khả năng tái vũ trang nhanh hơn phương Tây. Lãnh đạo Kremlin luôn khẳng định đây là cuộc chiến giữa Nga và phương Tây. Các đồng minh của Ukraina suy yếu vì phải dồn lực hậu thuẫn cho Kiev và đây cũng đã là một thắng lợi của Matxcơva.
Trên chiến trường, Nga đã đạt được một phần mục tiêu là chiếm được nhiều vùng đất của Ukraina và coi đó là phần lãnh thổ của Nga, không còn giống như cuộc nội chiến với những thành phần ly khai ở miền Đông từ sau năm 2014.
Đầu tháng này, Nga tuyên bố đã chiến được thêm hơn 400 km2 lãnh thổ ở Ukraina kể từ ngày 1 tháng 1 năm nay. Liệu có thể coi cuộc chiến tranh Ukraina đang tiến tới một bước ngoặt ? Lãnh đạo tình báo Mỹ CIA William J. Burns hôm 18/04 vừa qua đã nhận định tại diễn đàn ở George W.Bush Center, tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ: « Có nguy cơ từ nay đến cuối năm 2024, Ukraina có thể thua trên chiến trường, hay ít ra Putin có được ưu thế để áp đặt một giải pháp chính trị » cho cuộc xung đột.