Sau hai ngày họp tại Turino, Ý, bộ trưởng Môi trường và Năng lượng của nhóm G7, hôm nay, 30/04/2024 đã đạt thỏa thuận là trước 2035 sẽ đóng cửa các nhà máy điện than, không có ‘‘phương tiện thu giữ khí thải’’. Theo nhiều nhà quan sát, đây được coi là ‘‘bước tiến quan trọng hướng đến chấm dứt việc sử dụng các năng lượng hóa thạch’’, theo thỏa thuận tại hội nghị COP28.
Đăng ngày: 30/04/2024
Theo AFP, thông báo của G7, tức nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới ( Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada) cam kết ‘‘xóa bỏ dần dần sản lượng điện từ than đá trong hệ thống năng lượng trong nửa đầu của thập niên 2030, hoặc theo một lộ trình giới hạn nhiệt độ không tăng quá 1,5°C, tương ứng với mục tiêu hướng đến trung hòa về khí thải’’.
Trước khi nhóm G7 đạt thỏa thuận hôm nay, cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực. Theo người phụ trách Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Simon Stiell,‘‘sẽ là cực kì phi lý’’ nếu G7 không đưa ra được các cam kết cao hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Simon Stiell nhấn mạnh ‘‘không có bất cứ lý do nào’’ có thể biện minh cho việc các nền kinh tế phát triển nhất hành tinh ‘‘không thể hợp tác với nhau để đạt được các tiến bộ táo bạo nhất’’ trong lĩnh vực khí hậu.
Hội nghị G7 tại Ý là ‘‘hội nghị chính trị lớn đầu tiên về khí hậu’’ kể từ COP28 tại Dubai, tháng 12/2023, nơi lần đầu tiên cộng đồng quốc tế đạt được đồng thuận toàn cầu về việc dần dần từ bỏ các năng lượng hóa thạch, thủ phạm chính của biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội nghị hôm nay, G7 cam kết giảm mạnh sản lượng nhựa toàn cầu, với hy vọng chặn đứng nạn ô nhiễm nhựa ghê gớm hiện nay, từ biển sâu, núi cao, cho đến trong cơ thể con người.