Ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội

2024.05.02

Ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội

Ông Vương Đình Huệ tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/10/2023

 AFP

Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp bất thường ngày 02/5 đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Vương Đình Huệ.

Việc miễn nhiệm được tiến hành sau khi ông Vương Đình Huệ bị Ban chấp hành trung ương Đảng cho thôi các chức vụ trong đảng và bộ máy nhà nước trong cuộc họp bất thường ngày 26/4.

Ông Huệ, 67 tuổi, là uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13 và Chủ tịch Quốc hội từ năm 2021.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Huệ đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông, báo cáo nhận định. Nhận thức rõ vi phạm của mình, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.

Tuy nhiên, báo chí Nhà nước không nói rõ ông phạm những khuyết điểm gì.

Truyền thông Nhà nước đưa tin ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội, được giao điều hành hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho đến khi bầu được chủ tịch mới, khả năng vào kỳ họp quốc hội tới, bắt đầu từ ngày 20/5.

Bình luận về việc Quốc hội bãi nhiệm ông Huệ, một nhà quan sát thời cuộc ở Hà Nội, người không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong chiều 02/5:

“Theo quy định của Hiến pháp thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho cử tri cả nước để quyết định những quyết sách quan trọng của quốc gia trong khi chủ tịch Quốc hội do các đại biểu quốc hội bầu ra, cũng là thay mặt cử tri cả nước để thể hiện ý nguyện của cử tri.

Nhưng thực tế thì Đảng thích thay ai thì thay. Sau khi Trung ương Đảng quyết rồi thì đại biểu quốc hội biểu quyết theo ý chí của đảng. Dân chẳng có quyền gì và chẳng có ai đại diện cho nguyện vọng của dân.”

Ông Huệ là cán bộ cao cấp thứ ba trong hàng ngũ tứ trụ bị buộc phải thôi mọi chức vụ trong Đảng và chính quyền chỉ trong vòng vài năm trở lại đây.

Năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị buộc phải về hưu vì trách nhiệm chính trị trong vụ đại án Việt Á. Một năm sau, người kế nhiệm ông – ông Võ Xuân Thưởng – cũng bị buộc rời khỏi chính trường vì có liên quan đến vụ án Công ty Phúc Sơn.

Cũng trong năm 2022, hai Phó thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng bị buộc về hưu vì “trách nhiệm chính trị” trong hai vụ đại án là giải cứu công dân Việt Nam trong thời đại dịch COVID-19 và vụ các bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

Bài Liên Quan

Leave a Comment