Sau khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn đã được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Chiều 2/5, ngay sau kỳ họp bất thường miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo về việc phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Việt Nam.
Theo đó, ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội – sẽ điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa 15 theo quy định.
Việc phân công ông Mẫn diễn ra ngay sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Vương Đình Huệ.
Bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 26/4, sau khi Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội trong một sự kiện được cho là chấn động chính trường Việt Nam, GS Carl Thayer (Úc) nhận định rằng ông Trần Thanh Mẫn sẽ lên làm chủ tịch Quốc hội thay ông Huệ.
Dựa trên Quy định 214-QĐ/TW 2020 về khung tiêu chuẩn cho các chức danh thì một trong những điều kiện để trở thành chủ tịch Quốc hội là phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Ông Mẫn tham gia Bộ Chính trị chưa đủ một nhiệm kỳ, nên chưa đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể áp dụng trường hợp ngoại lệ nếu họ muốn chọn người chưa hội đủ tất cả các tiêu chuẩn theo quy định trên. Trong bối cảnh “thiếu người” như hiện nay, việc áp dụng ngoại lệ là có thể xảy ra.
Giáo sư Thayer chia sẻ: “Ban đầu tôi nghĩ Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Thanh Mẫn sẽ lên [làm chủ tịch Quốc hội]. Tuy nhiên, nguồn tin của tôi, tất nhiên chỉ là tin đồn, nói với tôi rằng bà Trương Thị Mai sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu Quốc hội. Và điều đó an toàn vì bà ấy từng cho biết mình muốn nghỉ hưu (vào năm 2026).”
GS Carl Thayer nói rằng nếu bà Trương Thị Mai làm chủ tịch Quốc hội thì có khả năng ông Mẫn sẽ làm chủ tịch nước. Đây được coi là những giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.
Do trong kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội không tiến hành bầu ra người thay thế ông Vương Đình Huệ và ông Võ Văn Thưởng – người mất chức Chủ tịch nước chỉ trước ông Huệ hơn một tháng – có khả năng quốc hội sẽ bầu hai vị trí này trong kỳ họp thường kỳ sắp tới,khai mạc vào ngày 20/5, bế mạc ngày 28/6.
Ông Trần Thanh Mẫn là ai?
Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.
Ông là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 10; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và là đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14, 15.
Ông Trần Thanh Mẫn từng có thời gian dài làm công tác Đoàn Thanh niên tại các tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ.
Từ tháng 7/1994, ông Trần Thanh Mẫn làm chánh văn phòng UBND tỉnh, sau đó làm phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ.
Từ năm 2008-2011, ông làm phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Cần Thơ.
Từ năm 2011-2015, ông Trần Thanh Mẫn làm bí thư Thành ủy Cần Thơ, trước khi giữ cương vị phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông được bầu làm phó chủ tịch thường trực Quốc hội vào ngày 1/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14.
Tháng 7/2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15, ông tiếp tục được bầu giữ chức phó chủ tịch Quốc hội và tiếp tục đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch thường trực Quốc hội khóa 15.
Tháng 1/2021, tại Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Mẫn được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng khóa 13, ông được bầu vào Bộ Chính trị.