Hôm qua, 02/05/2024, tuần báo Anh The Economist đăng tải các nhận định và dự báo của nhân vật số hai ngành tình báo quân sự Ukraina về tương lai của cuộc chiến chống xâm lược Nga tại Ukraina. Đặc biệt, quan điểm của vị tướng này là ‘‘để kết thúc chiến tranh phải đàm phán với Nga’’. Một số người cho đây là một thông điệp báo trước khả năng Ukraina phải chấp nhận đầu hàng Nga, nhưng cũng không ít người phản bác cách hiểu này. Vậy thực hư ra sao?
Đăng ngày: 03/05/2024
Trả lời phỏng vấn tuần báo Anh, chỉ huy phó cục Tình báo Quân sự Ukraina, tướng Vadym Skibitsky, đã vạch ra những thách thức khắc nghiệt mà quân dân Ukraina đang phải đối mặt, trước mắt và trong trung hạn. Hai tháng trước mắt là thời điểm mà Ukraina sẽ phải kháng cự lại các áp lực ghê gớm của Nga với vũ khí và quân số vượt trội. Chiến sự sẽ diễn ra ác liệt chừng nào mà Nga chưa thiếu hụt vũ khí.
Đàm phán: ‘‘Sớm nhất vào nửa cuối năm 2025’’
Tướng tình báo Ukraina dự báo đàm phán ‘‘chỉ có thể bắt đầu sớm nhất là vào nửa sau năm 2025’’, trong bối cảnh năng lực sản xuất vũ khí của Nga có thể ‘‘sẽ bị chững lại vào đầu năm 2026, do thiếu hụt phương tiện và kỹ sư’’.
Tướng Ukraina nhấn mạnh là ‘‘thắng lợi trên chiến trường là không đủ’’ và ngay cả khi quân đội Ukraina có thể ‘‘đẩy toàn bộ quân xâm lược Nga ra khỏi biên giới’’, thì một chiến thắng quyết định như vậy ‘‘cũng sẽ không kết thúc chiến tranh’’. Đối với tướng Vadym Skibitsky, mọi cuộc chiến đều chỉ có thể kết thúc bằng các hòa ước, và hiện tại cả hai bên đều đang cố giành “nhiều lợi thế nhất’’ trước khi các đàm phán có thể diễn ra.
Thoạt nhìn, quan điểm của tướng tình báo Ukraina hoàn toàn trái ngược với lập trường của tổng thống Ukraina. Ông Volodymyr Zelensky bác bỏ việc thương lượng với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh, đặc biệt với một sắc lệnh đưa ra năm 2022. Hồi đầu chiến tranh, Ukraina từng có một số vòng đàm phán với Nga tại Belarus và tiếp theo đó là tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả đều không dẫn đến kết quả. Đối với chính quyền Kiev, các đề xuất đàm phán mà điện Kremlin đưa ra đều chỉ là thủ đoạn nhằm đánh lạc hướng khỏi mục tiêu chính của chế độ Putin: thủ tiêu chính quyền dân cử Ukraina, biến Ukraina thành một nước chư hầu. Với Ukraina, đàm phán trong bối cảnh như vậy là rơi vào bẫy của Nga.
Chỉ có thể ‘‘đàm phán’’ sau khi quốc tế thống nhất quan điểm
Tuy có vẻ trái ngược với quan điểm của tổng thống, nhưng tuyên bố có thể đàm phán với Nga của chỉ huy tình báo Ukraina, được đưa ra vào thời điểm hiện tại, lại hoàn toàn thống nhất với chính sách mới của chính quyền Kiev. Cũng trong tuần này, trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Policy, ngoại trưởng Dmitro Kouleba đưa ra tuyên bố theo cùng hướng: Matxcơva ‘‘có thể tham gia vào các đàm phán’’ kết thúc chiến tranh tại Ukraina, sau hội nghị quốc tế về hòa bình cho Ukraina giữa tháng 6/2024 tại Thụy Sĩ.
Phát biểu của tướng tình báo Ukraina được đăng tải đúng ngày mà Thụy Sĩ thông báo thời điểm hội nghị vì hòa bình cho Ukraina, với sự tham dự của khoảng 160 phái đoàn quốc tế, trong đó có các nước G7, G20, BRICS, cũng như các định chế quốc tế lớn, Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE, và Hội Đồng Toàn Châu Âu, cùng đại điện của hai tổ chức tôn giáo lớn, Giáo hội Công giáo và Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo Constantinople.
Tại hội nghị này, các bên tham dự sẽ ‘‘thống nhất về các nguyên tắc’’ giúp chấm dứt chiến tranh. Đối với tổng thống Ukraina, hội nghị Thụy Sĩ chính là ‘‘cơ hội thực sự đầu tiên để xác lập một nền hòa bình công bằng’’. Nguyên thủ quốc gia Ukraina cũng nhấn mạnh là để đạt được mục tiêu này, ‘‘nỗ lực trên chiến trường’’ cùng ‘‘các nỗ lực về ngoại giao và tình báo’’, đều cần được đẩy mạnh. Đặt trong bối cảnh nói trên, phát biểu ‘‘để chấm dứt chiến tranh phải đàm phán với Nga’’ của người chỉ huy tình báo Ukraina rõ ràng là triển khai chính sách của tổng thống.
‘‘Bên nào hết vũ khí trước sẽ thua’’
Trong phần cuối bài phỏng vấn, tướng Skibitsky đã tập trung nói về tầm quan trọng số một của cuộc đọ sức trên chiến trường, khi cả hai bên đều không chấp nhận nhân nhượng. Ông nhấn mạnh là ‘‘có nhiều khả năng bên thua sẽ là bên hết vũ khí trước’’. Thông điệp quan trọng nhất của bài phỏng vấn như vậy không phải là hướng đến Nga, mà là hướng đến các đồng minh phương Tây, trước hết là các đối tác châu Âu.
Tướng Ukraina muốn cảnh tỉnh châu Âu, và nhấn mạnh đến trách nhiệm của châu Âu. Nếu sản xuất không đủ vũ khí để hỗ trợ Ukraina, nạn nhân lúc đó sẽ không chỉ là Ukraina, mà chính là Liên Hiệp Châu Âu, là NATO. Tướng tình báo Ukraina đặc biệt nhắc nhở các đối tác: Người Ukraina đã ‘‘hy sinh’’, ‘‘trả giá’’ rất lớn khi loại khỏi vòng chiến đấu ‘‘nhiều lực lượng không quân và thủy quân lục chiến đáng sợ của nước Nga’’, vốn là mối đe dọa rất lớn với an ninh châu Âu. Liệu châu Âu có các hành động tương xứng để đền đáp?