Mỹ lo ngại về kế hoạch của Trung Quốc triển khai khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi tại các khu vực ngày càng được quân sự hóa ở vùng Biển Đông tranh chấp. Kế hoạch gây tranh cãi của Trung Quốc nhằm triển khai các lò phản ứng hạt nhân nổi ở Biển Đông có thể làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực, đồng thời gây ra những căng thẳng mới với Mỹ, cũng như các đối tác và đồng minh của Washington trong vùng.
Đăng ngày: 06/05/2024
Trang mạng Asia Times hôm nay 06/05/2024 cho biết đầu tháng 5, nhật báo Mỹ Washington Post loan tin Trung Quốc có kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi có khả năng cung cấp năng lượng cho các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở Biển Đông. Theo Washington Post, Trung Quốc đang đẩy mạnh kế hoạch này cho dù cộng đồng quốc tế hiện chưa thống nhất ý kiến về các tiêu chuẩn an toàn của những lò phản ứng hạt nhân nổi.
Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ đã cảnh báo là việc Trung Quốc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể tác động tiêu cực đến khu vực, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch này sẽ củng cố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển đang có tranh chấp gay gắt.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng lo ngại việc Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể gây phương hại cho an ninh quốc gia của Mỹ và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng an ninh khu vực. Các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ giúp củng cố việc chiếm đóng các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa trong những năm gần đây.
Giới chuyên gia và hoạt động môi trường hiện lo ngại về những hạn chế của các nhà máy điện hạt nhân nổi so với các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, nhất là nếu xảy ra tai nạn thì chất phóng xạ sẽ ngấm thẳng vào đại dương.
Hiện tại, Nga là quốc gia duy nhất có nhà máy điện hạt nhân nổi. Nhà máy Akademik Lomonosov đi vào hoạt động từ tháng 12/2019 và di chuyển nhờ hai lò phản ứng KLT-40S trên tàu phá băng hạt nhân của Nga và hai tua-bin chạy bằng hơi nước.