10 tháng 5 2024
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm Liên minh châu Âu (EU) khó chịu khi hoãn cuộc họp vào tuần tới với quan chức hàng đầu của tổ chức này, trước thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể có đến thăm Hà Nội, theo Reuters.
Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập trong quan hệ với các cường quốc thế giới.
Hà Nội tránh lên án việcNga xâm lược Ukraine, và các nước phương Tây cho rằng đây là một quan điểm quá gần gũi với Điện Kremlin.
Việt Nam cho đến nay luôn khẳng định “là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga”, luôn nhắc lại sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay.
Hành động ‘đáng thất vọng’
Ông David O’Sullivan, đặc phái viên chuyên về các lệnh trừng phạt của EU, sẽ đến thăm Đông Nam Á vào giữa tháng 5 và dự kiến gặp mặt các quan chức Việt Nam vào các ngày 13-14/5. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao nói với Reuters rằng Hà Nội đã yêu cầu hoãn cuộc gặp “vì các nhà lãnh đạo quá bận để gặp ông”.
Ba nhà ngoại giao khác cũng xác nhận với Reuters rằng chuyến thăm Việt Nam của ông O’Sullivan đã bị hoãn, một người trong đó cho biết Việt Nam đề nghị lấy tháng 7 làm thời điểm thay thế.
Các nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng sự trì hoãn này có thể liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm có thể sắp diễn ra của Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội. Bất kỳ cuộc gặp gỡ nào của Việt Nam với đặc phái viên EU đều có thể “phá hỏng” chuyến công du của nhà lãnh đạo Nga.
Truyền thông trong nước vào đầu tháng 3/2024 đưa tin ông Putin đã nhận lời mời sang thăm Việt Nam từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng chưa có thời gian cụ thể.
Reuters thông tin rằng phái đoàn ngoại giao EU tại Hà Nội đã tuyên bố việc hoãn cuộc gặp là “đáng thất vọng” và họ đang thảo luận với chính quyền Việt Nam về thời điểm mới.
EU là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và công việc của ông O’Sullivan liên quan đến việc ngăn các quốc gia không giúp Nga hoặc các quốc gia khác mà EU áp lệnh trừng phạt.
Theo Reuters, hiện không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam đề nghị giúp đỡ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nhận định với Reuters rằng khó phát hiện bất kỳ giao dịch thương mại nào giữa Việt Nam và Nga vi phạm lệnh trừng phạt của EU, đặc biệt nếu liên quan đến chip hoặc các linh kiện nhỏ khác.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Nga tại Hà Nội không phản hồi yêu cầu bình luận.
Việt Nam là điểm đến an toàn của Tổng thống Putin?
Vị tổng thống Nga từng công du Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017.
Việt Nam nằm trong số ít quốc gia bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc… có lãnh đạo “nhiệt liệt chúc mừng” ông Putin tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ 5 tổng thống Nga trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là “giả hiệu”.
Ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC) phát lệnh truy nã vào tháng 3/2023 vì liên quan đến các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.
Từ thời điểm đó, ông Putin đã công du đến các nước không phải là thành viên của ICC.
Việt Nam hiện không phải là thành viên của ICC, nên ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến đây.
“Khả năng Việt Nam bắt giữ ông Putin theo lệnh của ICC thì cũng giống như trẻ em đắp người tuyết ở Sài Gòn. Việt Nam là một trong những nơi an toàn nhất để Putin công du nước ngoài,” Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt.
Bên cạnh việc Nga là nhà cung cấp vũ khí truyền thống, mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Moscow được coi là sự kế thừa về tình cảm từ thời Liên Xô.
Nhiều lãnh đạo cấp cao, quan chức các cấp, trí thức, doanh nhân Việt Nam từng học tập tại Liên Xô và nước Nga thường giữ tình cảm đặc biệt với Nga và cả ông Putin.
Nội bộ xáo trộn
Hiện cũng đang có những xáo trộn chưa từng thấy ở dàn lãnh đạo Việt Nam.
Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, Việt Nam lần lượt miễn nhiệm một chủ tịch nước và một chủ tịch Quốc hội.
Hiện hai chiếc ghế này vẫn chưa chính thức có người ngồi vào.
Hàng loạt quan chức cấp cao khác cũng bị kỷ luật đảng hoặc bị khởi tố hình sự trong giai đoạn này.
Những xáo trộn ấy khiến Việt Nam dần mất đi hình ảnh một đất nước “ổn định chính trị” mà giới lãnh đạo luôn quảng bá.
Trong những ngày sắp tới, giới lãnh đạo Việt Nam hẳn sẽ bận rộn cho việc sắp xếp nhân sự cấp cao.
Theo thông báo chính thức, Quốc hội Việt Nam khóa 15 sẽ có đợt họp thường kỳ lần thứ 7 từ ngày 20/5 tới ngày 28/6 (có một khoảng nghỉ bên giữa). Cùng với nhiều nghị trình lập pháp, cuộc họp này được cho là sẽ thông qua các quyết định quan trọng về nhân sự.