Đòi lại báu vật bị Vương quốc Anh đánh cắp

Ông Tristram Hunt (phải), giám đốc Bảo tàng Victoria and Albert (V&A) bắt tay với Vua Otumfuo Osei Tutu II, người cai trị Vương quốc Ashanti
Chụp lại hình ảnh,Ông Tristram Hunt (phải), Giám đốc Bảo tàng Victoria và Albert (V&A), bắt tay với Vua Otumfuo Osei Tutu II

  • Tác giả,Barnaby Phillips
  • Vai trò,Từ Ghana
  • 12 tháng 5 2024

Sau khi được trả lại những hiện vật do người Anh cướp bóc trong thời kỳ thuộc địa, Ghana đã trưng bày những món đồ này cho công chúng xem. Vậy tại sao Nigeria lại mất quá nhiều thời gian để làm điều tương tự?

Một đoàn xe chạy dọc con đường tấp nập từ thủ đô Accra của Ghana đến trung tâm thành phố Kumasi vào ngày 12/4, chở theo một loại hàng hóa đặc biệt mang giá trị cao.

Một chiếc mô tô cảnh sát đi trước dọn đường với đèn xanh nhấp nháy và còi hụ inh ỏi. Chiếc xe tải đằng sau chở những thùng chứa 32 món đồ bằng vàng và bạc, bao gồm những chiếc vòng cổ đẹp mắt, tinh xảo, một chiếc tẩu cùng một thanh kiếm thường được dùng trong các nghi lễ.

Hầu hết những món đồ này đã bị lính Anh lấy mất khi họ xâm lược vùng đất Asante vào các năm 1874 và 1896, đồng thời cướp bóc cung điện của nhà vua (Asantehene). Các hiện vật đã nằm ở Anh kể từ thời điểm đó.

Đoàn xe chạy nhanh hướng về Kumasi và đến Cung điện Manhyia, nơi ở của vị vua hiện nay, Otumfuo Osei Tutu II.

Vị vua mở các thùng đồ trong bầu không khí xúc động.

Người dân Asante đã đòi trả lại số vàng bị cướp từ nhiều thập kỷ qua.

“Chúng ta làm được rồi,” Vua Osei Tutu II nói.

Các hiện vật tại Bảo tàng Cung điện Manhyia (Ghana)
Chụp lại hình ảnh,Công chúng có thể xem các hiện vật tại Bảo tàng Cung điện Manhyia

Ngày 1/5, khi các món đồ bằng vàng được trưng bày ở Bảo tàng Cung điện Manhyia, nhà vua nói:

“Những món đồ này đã bị đánh cắp, bị cướp… và không phải tất cả đều đã được trả lại. Nhưng những thứ chúng ta có ở đây vẫn thể hiện hồn cốt của Asante.”

Ivor Agyeman-Duah, một tác giả sách từng làm trong ngành ngoại giao, là giám đốc của bảo tàng. Ông cũng có mặt trong đoàn xe, hồi hộp mong rằng sẽ không có sự cố nào xảy ra.

Ông Agyeman-Duah là người đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán về việc trả lại số vàng của người Asante, vốn được trưng bày tại hai bảo tàng hàng đầu của Vương quốc Anh: Bảo tàng Anh và Bảo tàng Victoria và Albert.

Ông là một người điềm đạm và có sức thuyết phục, nhưng các cuộc đàm phán lại rất phức tạp.

Luật pháp Anh ngăn cấm hai bảo tàng này trả lại vĩnh viễn các hiện vật, vì vậy chúng được đưa đến Ghana theo dạng cho mượn dài hạn.

Đối với nhiều người, đó là một điều khó chấp nhận.

Nii Kwate Owoo, một nhà làm phim nổi tiếng người Ghana, đã có mặt tại buổi lễ ở Kumasi vào ngày 1/5. Ông nổi danh vào những năm 1970 với bộ phim tài liệu “You Hide Me”, chỉ trích việc Bảo tàng Anh nắm giữ các báu vật của châu Phi.

“Một tên cướp vũ trang xông vào nhà bạn, tàn sát gia đình bạn rồi lấy đi những món đồ giá trị, sau đó quay lại và bảo: ‘Được rồi, các người ầm ĩ quá đấy, tôi sẽ cho các người mượn những món đồ này’,” ông Owoo miêu tả các điều khoản từ phía Anh.

Ông Agyeman-Duah cũng đồng cảm vì ông cố của mình đã bị người Anh lưu đày trong cuộc chiến ranh Anglo-Asante. Nhưng ông Agyeman-Duah tin rằng nhà vua đã có quyết định đúng đắn.

Ông lập luận: “Chúng ta đã nói về vấn đề này trong 50 năm mà không có kết quả… Nếu không thể tìm ra giải pháp dung hòa, chúng ta sẽ tiếp tục bế tắc.”

Có những nét tương đồng rõ rệt trong việc cướp bóc của người Anh tại Kumasi với một vụ cướp khét tiếng tại khu vực thuộc địa cũ của họ ở Tây Phi. Đó là vụ cướp bóc cung điện nhà vua, tức Oba, vào năm 1897 ở thành phố Benin mà nay thuộc bang Edo, miền nam Nigeria.

Người Anh đã cướp đi hàng ngàn tác phẩm đúc bằng đồng thau và chạm khắc bằng ngà voi ở Benin. Những món đồ này là tâm điểm của cuộc tranh luận xung quanh các hiện vật bị cướp bóc trong các bảo tàng phương Tây.

Nigeria đã đạt được một số thành công trong chiến dịch giành lại các món đồ bằng đồng.

Năm 2022, chính phủ Đức tuyên bố chuyển giao quyền sở hữu khoảng 1.000 hiện vật bằng đồng Benin.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã bay tới thủ đô Abuja của Nigeria và bàn giao 22 hiện vật tinh xảo nhất cho chính phủ nước này.

Bà cho rằng điều này lẽ ra phải được thực hiện từ lâu.

Một trong những hiện vật bằng đồng mà Đức trả lại cho Nigeria. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được trưng bày.
Chụp lại hình ảnh,Một trong những hiện vật bằng đồng mà Đức trả lại cho Nigeria. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được trưng bày.

Gần một năm rưỡi sau, không có hiện vật nào mà bà Baerbock trao trả được trưng bày.

Những hiện vật từ Đức cùng một số khác từ các bảo tàng Anh, Mỹ đang được cất giữ an toàn. Hai trong số đó nằm ở cung điện nhà vua tại thành phố Benin.

Một quan chức chính phủ hứa sẽ “sớm” trưng bày, nhưng không nêu rõ thời gian cụ thể.

Ủy ban Bảo tàng và Di tích Quốc gia Nigeria (NCMM) và cung điện nhà vua có những bất đồng về quyền sở hữu các hiện vật này.

Bảo tàng Hoàng gia Benin, một chủ đề đã được thảo luận nhiều, vẫn chưa hoàn thiện.

NCMM đang tập trung nguồn lực hạn hẹp của mình vào việc xây dựng một cơ sở lưu trữ mới “bất khả xâm phạm” ở thành phố Benin nhằm xoa dịu các lo ngại rằng các hiện vật không được bảo vệ an toàn như ở phương Tây.

Bảo tàng Nghệ thuật Tây Phi (MOWAA) tại thành phố Benin, với sự hỗ trợ của ông Godwin Obaseki – Thống đốc bang Edo, sẽ khai trương vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, MOWAA đã rút khỏi các cuộc thảo luận công khai về các hiện vật này sau những tranh chấp với nhà vua.

Một số bảo tàng ở Anh và Mỹ, vốn đang chuẩn bị chuyển giao quyền sở hữu các món đồ đồng Benin, cảm thấy bối rối trước sự chia rẽ nội bộ của Nigeria.

Nhóm Đối thoại Benin, nơi tập hợp các bảo tàng Nigeria và phương Tây để thảo luận về những món đồ đồng, đã dự kiến họp trong tháng 5/2024. Nhưng cuộc họp đã bị dời sang năm 2025.

Cuộc bầu cử ở Nigeria năm 2023 và sau đó là việc bổ nhiệm các bộ trưởng và lãnh đạo mới của NCMM đã gây ra sự trì hoãn này.

Thảm đỏ được trải ra ở Bảo tàng Cung điện Manhyia để chào đón sự trở về của các hiện vật quý giá
Chụp lại hình ảnh,Thảm đỏ được trải ở Bảo tàng Cung điện Manhyia để chào đón sự trở về của các hiện vật quý giá

Tình hình chính trị ở Ghana bình yên hơn, ít nhất là cho đến lúc này.

Chính phủ Ghana đã nhận thông báo về các thỏa thuận giữa Bảo tàng Cung điện Manhyia và các bảo tàng phương Tây và quyết định không can thiệp.

Theo các bên liên quan, điều này đồng nghĩa với việc ít có tình trạng quan liêu hơn và các quyết định được đưa ra nhanh hơn.

Vào tháng 2/2024, Bảo tàng Fowler của Đại học California đã trả lại vĩnh viễn bảy món đồ bằng vàng bị cướp của Asante – hiện cũng đang được trưng bày tại Manhyia.

Ông Agyeman-Duah đang bận rộn đàm phán để đưa thêm nhiều hiện vật trở về – ông đang thảo luận với Bảo tàng Wellcome Collection ở Anh và công ty AngloGold Ashanti ở Nam Phi về các đồ vật bằng vàng mà họ sở hữu.

Người dân Ghana đã có thể hưởng lợi từ những hiện vật này.

Ông Agyeman-Duah kêu gọi mọi người hãy bỏ qua những điều khoản cho mượn từ phía Anh để tận hưởng thực tế rằng các hiện vật giá trị này đã về nhà.

“Hãy để con cháu chúng ta chiêm ngưỡng những tạo tác của tổ tiên từ 150 năm trước và nói: ‘Tổ tiên, tiền nhân của các con đã có thể tạo ra những tuyệt tác này’. Điều đó sẽ gợi cảm hứng cho chúng làm điều tương tự,” ông nói.

Bảo tàng V&A cho Ghana mượn những hiện vật này trong 3 năm, đi kèm với khả năng gia hạn thêm 3 năm nữa.

Nếu sau đó, các bảo tàng yêu cầu chuyển các hiện vật về London, ông Agyeman-Duah sẽ làm gì?

“Chúng tôi đã ký thỏa thuận và chúng tôi sẽ giữ lời,” ông khẳng định.

Bài Liên Quan

Leave a Comment