May 30, 2024
Người Việt phải chấp nhận thực tế và tính lằng nhằng đó của lịch sử, thay vì làm mình làm mẩy, trách móc nọ kia. Người Việt phải tìm mọi cách để cũng khôn ngoan như họ.
Vừa mở mắt đã thấy đập vào thông tin Campuchia đặt tên Tập Cận Bình cho con đường vành đai 3 ở thủ đô, dài 53 km, từ vốn vay của Trung Quốc và do một công ty Trung Quốc thực hiện. Quen với truyền thống đặt tên đường, bỗng giật mình nghĩ “Xi xếnh xáng” sao lại ra đi đột ngột như vậy. Vô lý, vừa mới khỏe mạnh thế kia mà!
Nhưng hóa ra không phải. Hú hồn! Chúc mừng ngài Xi, mong ngài bách niên giai lão.
Campuchia có truyền thống đặt tên đường các nhân vật có ảnh hưởng lớn đến đất nước của họ. Năm 1965, một con đường tại Phnompenh đã mang tên “Mao xếnh xáng”. Hoàng thân Norodom Sihanouk từng coi Mao là người bạn lớn, được Mao cưu mang suốt thời tị nạn bằng một sự ưu ái có một không hai trên thế giới. Đến nỗi trong di chúc của hoàng thân, ông bày tỏ tình cảm tri ân bằng việc nói rõ Campuchia phải ủng hộ Trung Quốc trong mọi vấn đề.
Nhưng lịch sử hóa ra rất lằng nhằng.
Đồ đệ số một của Mao là Polpot, người muốn áp dụng triệt để tư tưởng Mao vào xây dựng xã hội Campuchia. Mao dùng nông thôn bao vây thành thị, biến trí thức các loại thành phân bón. Học trò Polpot thì đuổi thị dân về nông thôn, nông thôn hóa thành thị, đập chết trí thức, con cháu trí thức và bất kể ai từng làm việc cho chính quyền cũ.
Các loại kiều dân, đặc biệt Việt kiều, đều trở thành nạn nhân của những cuộc giết chóc kiểu Trung cổ. Bạn thân của Mao may không bị giết, nhưng bị giam lỏng suốt thời gian ông trở về từ Trung Quốc. Một số người thân của ông được đưa về âm phủ hầu ông thầy Mao.
Từ năm 1965, khi Mao được đặt tên đường bởi Sihanouk, cho đến khi học trò cưng của Mao tiến hành diệt chủng dân tộc Khơ-me, dài chẵn 10 năm. Sau khi bị Việt Nam lật đổ, hoàng thân Sihanouk được cứu sống, được Đặng Tiểu Bình đón sang Bắc Kinh làm thượng khách. Đặng báo thù cho Pol Pot bằng cách xua 60 vạn quân, hàng ngàn xe tăng, pháo tự hành, xe cơ giới ồ ạt vượt qua toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam. Cuộc chiến chính thức chỉ 17 ngày, từ 17 tháng 2 đến mùng 5 tháng 3 năm 1979, nhưng đầu rơi máu chảy của hai bên thì kéo dài cũng khoảng 10 năm.
Trong thời gian đó, dù được Việt Nam cứu sống, hoàng thân Sihanouk vẫn chọn đứng ra làm đại diện cho chiếc ghế của Khơ Me Đỏ ở Liên Hợp quốc, phản đối và không công nhận chính quyền của ông Hêng Xom Rin, lúc bấy giờ do ngài Hun Sen kính mến làm bộ trưởng ngoại giao.
Những ai sống giai đoạn đó, hẳn sẽ rất ấn tượng với ông bộ trưởng ngoại giao chính phủ cách mạng Campuchia. Ông khá thư sinh, hơi gầy, nhưng nói năng sắc sảo, tự tin, luôn xuất hiện trước các sự kiện liên quan đến đất nước ông bằng vẻ ưu tư, lo lắng bị bỏ rơi. Trong những lần như vậy ông không ngừng tố cáo Trung Quốc đứng sau chính quyền Pol Pot gây nên cái chết của gần ba triệu đồng bào ông.
Thế rồi con tạo xoay vần, Campuchia dần gắn bó trở lại với Trung Quốc, ngay từ khi họ Đặng chưa chết. Tiền nó có sức mạnh hơn mọi thứ. Campuchia đang phát triển bằng tiền vay từ Trung Quốc, hy vọng sẽ vượt xa Việt Nam. Trung Quốc thì tất nhiên không thể bỏ qua Campuchia, trong việc tạo gọng kìm với các đối thủ xung đột lợi ích ở biển Đông.
Xét cho cùng, đó đều là những lựa chọn khôn ngoan, thực dụng, thượng tôn lợi ích của giới lãnh đạo các nước đó.
Người Việt phải chấp nhận thực tế và tính lằng nhằng đó của lịch sử, thay vì làm mình làm mẩy, trách móc nọ kia. Người Việt phải tìm mọi cách để cũng khôn ngoan như họ.
Hy vọng lịch sử chỉ lặp lại trong việc đặt tên đường phố, với người dân Campuchia.
Tạ Duy Anh