Ngày 04/06/2024 vừa qua, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden quyết định đình chỉ việc cho phép di dân vượt biên qua biên giới với Mêhicô vào Mỹ, để đệ đơn xin tị nạn. Thông báo gây chấn động bởi đây là lần đầu tiên một tổng thống đảng Dân Chủ đưa ra quyết định này.
Đăng ngày: 06/06/2024
Theo giới quan sát, ít tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, ông Joe Biden đã buộc phải đưa ra quyết định khác thường nói trên nhằm tranh thủ ủng hộ của bộ phận cử tri độc lập và thành phần ‘‘ôn hòa’’ trong đảng Cộng Hòa, đang thất vọng với chính sách nhập cư của chính quyền Biden.
Theo sắc lệnh mới của chính phủ Mỹ, biên giới với Mêhicô phải tạm thời bị đóng cửa do số lượng người nhập cư lậu tăng vọt. Biên giới dự kiến sẽ tiếp tục bị đóng đối với những người nhập cư không có giấy từ hợp lệ chừng nào mà số lượng các vụ bắt giữ người nhập cư lậu hàng ngày chưa xuống dưới mức 1.500 người liên tục trong vòng một tuần liền. Đây là điều khó xảy ra, bởi kể từ tháng 7/2020, tức thời cao điểm của đại dịch Covid-19, chưa bao giờ con số này xuống dưới 1.500. Việc đóng cửa biên giới Mỹ – Mêhicô đối với dân không giấy tờ vượt biên xin tị nạn như vậy dự kiến sẽ còn kéo dài. Thời gian vừa qua có lúc số lượng người nhập cư lậu bị bắt lên đến 4.300 vào tháng 4/2024, trước khi giảm xuống mức hơn 2.500 như hiện nay.
Liên Hiệp Quốc lên án vi phạm Quy chế với người tị nạn 1967
Sắc lệnh đình chỉ tiếp nhận di dân xin tị nạn được coi là một đảo lộn chính trị lớn trong chính sách của chính quyền Biden. Phủ cao ủy phụ trách người Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ngay lập tức bày tỏ quan ngại về việc Hoa Kỳ, một bên tham gia Nghị định thư 1967 về Quy chế với người tị nạn, không tôn trọng cam kết, cụ thể là không được phép gửi trả một người về một vùng lãnh thổ mà tính mạng của người đó bị đe dọa. Phủ cao ủy phụ trách người Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: ‘‘biết rõ về những khó khăn mà Hoa Kỳ gặp phải, nhưng yêu cầu chính quyền Mỹ tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế, và xét lại chính sách siết chặt nói trên’’.
Nạn nhập cư bất hợp pháp là một chủ đề hàng đầu trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2024. Làn sóng di dân từ Mêhicô với khoảng 2,8 triệu người hàng năm, vốn là một vấn đề lớn của Hoa Kỳ nhiều năm gần đây, tuy nhiên đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa vốn có các chính sách rất khác nhau về chủ đề này. Tiếp nhận người nhập cư không có giấy tờ, và xem xét yêu cầu tị nạn của họ vốn là chính sách truyền thống của đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, chính sách truyền thống của đảng Dân Chủ đang vấp phải giới hạn trên thực tế.
Khả năng tiếp nhận người tị nạn giới hạn: Phe Dân Chủ bị phân hóa
Nhiều thành phố và bang do đảng Dân Chủ cầm quyền tại miền đông thoạt tiên đã tình nguyện đón nhận làn sóng hàng chục ngàn người xin tị nạn, được đưa thẳng từ biên giới phía nam. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận di dân tại các thành phố lớn, như New York hay Chicago, đã đạt giới hạn, theo chuyên gia về Mỹ Ludivine Gilli, Đài quan sát về Bắc Mỹ của Fondation Jean Jaurès, Pháp.
Bản thân trong nội bộ phe Dân Chủ, đã có những chia rẽ lớn về vấn đề này. Chỉ có khoảng 30% cử tri có thiện cảm với đảng Dân Chủ ủng hộ chính sách nhập cư của chính quyền Biden, ngược lại có đến 30% lên án. Theo chuyên gia Lauric Henneton, Đại học Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines (UVSQ), Pháp, thì cử tri truyền thống của đảng Dân Chủ Mỹ đang nghiêng về hữu và có xu hướng ủng hộ một số biện pháp chống di dân của Trump. Đây là điều buộc tổng thống Biden ‘‘phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với dư luận chung’’.
”Duy trì khủng hoảng nhập cư”: Chiến thuật của Trump
Đối thủ của tổng thống Biden, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, cựu tổng thống Donald Trump, đã và đang tiếp tục khai thác triệt để lá bài này, coi đây là điểm quyết đấu chống Biden. Theo giới quan sát, trong nhiều tháng trời, chính quyền Biden đã tìm cách đạt được một thỏa hiệp với phe Cộng Hòa tại Hạ Viện và Thượng Viện trong vấn đề siết chặt kiểm soát biên giới, với các biện pháp như gia tăng khả năng lưu giữ dân nhập cư trước khi trục xuất, nhưng do áp lực của cựu tổng thống Donald Trump, đại đa số dân biểu đảng Cộng Hòa đã từ chối hợp tác với chính quyền Biden.
Theo chuyên gia Ludivine Gilli, ‘‘việc từ chối mọi thỏa hiệp với đảng Dân Chủ’’ về vấn đề nhập cư, tránh tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, là ‘‘chiến thuật’’ của ông Trump, nhằm luôn duy trì thường trực vấn đề nhập cư như là một cuộc khủng hoảng lớn của nước Mỹ, làm rạn nứt phe Dân Chủ. Chiến thuật này rõ ràng đã gặt hái thành công. Việc Biden buộc phải đưa ra chính sách bị coi là chống người tị nạn, điều chưa từng với một nguyên thủ đảng Dân Chủ, đang gây phản đối mạnh mẽ trong nội bộ đảng này.
Chiến lược hợp tác với các nước Mỹ Latinh để giải quyết vấn đề từ gốc
Trong tình thế hiện nay, chính quyền Biden khó có cách này khác hơn là vừa điều chỉnh sách nhập cư đang gây mất lòng dân nghiêm trọng, vừa cố gắng làm rõ những khác biệt giữa chính sách của chính quyền đương nhiệm và chính sách của đối thủ Donald Trump. Tổng thống Biden một mặt nhấn mạnh, việc đình chỉ tiếp nhận dân vượt biên từ Mêhicô xin tị nạn tại Hoa Kỳ là một hành động bất đắc dĩ ‘‘do sự bất hợp tác của các dân biểu đảng Cộng Hòa’’, mặt khác nếu đắc cử, sẽ không có chuyện ông ”điều động quân đội tiến hành bắt bớ hàng triệu di dân không giấy tờ hợp lệ trên khắp đất nước, và trục xuất họ”, như cam kết của ứng cử viên Donald Trump, hay ‘‘tách trẻ em nhập cư không giấy tờ ra khỏi cha mẹ và cấm di dân vào Mỹ vì lý do đức tin tôn giáo’’, điều mà cựu tổng thống Mỹ đã làm.
Một điểm khác được giới quan sát chú ý, đó là tổng thống Biden đưa ra quyết định nói trên ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mêhicô. Hợp tác với chính quyền Mêhicô và các nước châu Mỹ Latinh khác nhằm tìm cách cách giải quyết các vấn đề gốc của nạn di dân, như nghèo đói, bạo lực, hệ quả của biến đổi khí hậu… tiếp tục là chính sách của chính quyền đảng Dân Chủ Mỹ.