Mặt trận « tác chiến điện tử », dù âm thầm nhưng từ vài tháng nay đã được đánh giá là mang tính quan trọng sống còn, đối với cả các lực lượng Nga và Ukraina. Phát tín hiệu ở cùng tần số với tín hiệu điều khiển của drone địch, gây nhiễu sóng, phá sóng, giả mạo tín hiệu radio để làm chệch hướng mục tiêu của drone … hiện là chiến thuật tác chiến điện tử thiết yếu của Kiev trong bối cảnh thiếu thốn nghiêm trọng hệ thống phòng không.
Đăng ngày: 07/06/2024
Trả lời AFP hôm 17/05, tổng thống Ukraina Zelensky cho biết Ukraina mới chỉ có 25% khả năng phòng không cần thiết để đẩy lui kẻ thù.Triên chiến trường Ukraina hiện nay, drone đã trở thành vũ khí lợi hại nhất. Một số drone tấn công được sử dụng để phá hủy các mục tiêu như các khẩu pháo, xe thiết giáp hoặc nhắm bắn vào các hệ thống địa đối không của đối phương. Còn các drone trinh sát thì theo dõi, phát hiện chuyển động của đối phương và làm nhiệm vụ dẫn đường chính xác cho pháo binh tấn công vào vị trí quân thù.
Trả lời phỏng vấn báo Anh The Times và được báo Pháp L’Express ngày 22/05/2024 trích dẫn, ông Oleksandre Pavliouk, chỉ huy lực lượng bộ binh của Ukraina, khẳng định là các drone giết hại nhiều binh sĩ của cả hai phía hơn là bất cứ loại vũ khí gì khác. Drone rẻ, hiệu quả và được đối phương sử dụng ồ ạt, nên biện pháp đối phó chính hiện nay của Ukraina là làm nhiễu tín hiệu radio giữa drone và phi công điều khiển từ xa.
Trên chiến trường Ukraina hiện nay, thiết bị làm nhiễu tín hiệu được ví như « một chiếc áo chống đạn », một thiết bị không thể thiếu ở mặt trận. Một sĩ quan quân đội cấp cao chuyên về tác chiến điện tử của Ukraina nhận định với L’Express rằng đây không chỉ là một « trận chiến khổng lồ », mà còn là một « cuộc chạy đua với thời gian » bởi vì « công nghệ đang phát triển quá nhanh ». Quan chức cấp cao này cho biết : « Cứ sau 3 tháng, chúng tôi lại phải suy nghĩ về các phương pháp mới » và ông khẳng định Ukraina hiện có thể gây nhiễu tín hiệu của 60-70% drone của Nga.
Khi Nga đẩy mạnh ưu thế chiến tranh điện tử
Tuy nhiên, ưu thế chưa nghiêng về phía Ukraina. Không phải vô cớ mà chiến tranh điện tử được Ukraina chú trọng đến như vậy. Le Monde ngày 23/05/2024 dẫn lời sĩ quan dự bị Serhiï Beskrestnik, cho biết các drone lái trinh sát Zala, Supercam và Orlan của Nga thời gian qua liên tục bay vòng quanh bầu trời, cả ngày lẫn đêm, quét camera xa đến 70 km vào sâu phía sau chiến tuyến của Ukraina. Sĩ quan Serhiï Beskrestnik nhấn mạnh là các drone trinh sát của Nga đang theo dõi tất cả các xe quân sự của Ukraina.
Nếu bị phát hiện, các xe này sẽ bị đối phương theo dõi đến tận đơn vị hoặc vị trí đậu xe, nơi họ sẽ bị oanh kích. Điều đáng lưu ý là thời gian từ lúc bị địch phát hiện đến khi bị tấn công thường rất ngắn, đôi khi chỉ chưa đầy 10 phút. Do đó, ông Beskrestnik khuyến cáo : « Ở gần mặt trận, các thiết bị quân sự phải được ngụy trang một cách có hệ thống dưới tán cây xanh hoặc dưới các tòa nhà. Phải tránh các trạm sạc nhiên liệu đông đúc, vốn luôn bị theo dõi. Tránh đỗ xe quá 10 phút ở khu vực trống trải, ngoài trời và phải luôn giữ khoảng cách trên 50 mét giữa các xe ».
Chuyên gia về truyền sóng radio có biệt danh là « Flash » trong những năm 2000 từng làm việc cho tập đoàn Pháp về hàng không và an ninh quốc phòng, Sagem (tiền thân của Safran). Trên mạng Telegram, Serhiï Beskrestnik thường xuyên cập nhật các lời khuyên như : làm thế nào tránh khỏi bị drone Nga theo dõi, định vị, để tránh nguy cơ hứng chịu các cuộc oanh kích của kẻ thù ? Làm thế nào để bảo vệ các liên lạc quan trọng của « phe ta » và giải mã thông tin liên lạc của « phe địch » ; làm nhiễu sóng « drone kẻ thù » mà không gây nhiễu sóng « drone đồng đội » ? Ngoài ra, ông tìm cách nâng cao nhận thức về sự phát triển rất nhanh chóng của chiến tranh điện tử, từ cấp chỉ huy đến binh lính ở chiến hào, từ dân thường ở gần mặt trận đến các nhà công nghiệp ở hậu phương.
Chiến tranh điện tử đã gây ra hàng loạt tổn thất đáng kể cho lực lượng Ukraina. Drone mang chất nổ Lancet của Nga, hoạt động cùng với drone trinh sát Zala, có thể tấn công vào các mục tiêu đang di chuyển, hôm 15/05 đã tấn công phá hủy xe chở bệ phóng tên lửa BM-21 khi xe đang chạy trên con đường phía bắc Kharkiv. Hồi đầu tháng 03/2024, hai bệ phóng của hệ thống phòng không Mỹ Patriot được triển khai ở Ukraina, đã bị các lực lượng Nga tấn công làm hư hại gần Pokrovsk, vùng Donbass. Khi đang được đặt bên lề một con đường, hệ thống phòng thủ Patriot đã bị drone trinh thám Supercam của Nga phát hiện. Sau đó, lực lượng Nga đã oanh kích vào vị trí đó bằng tên lửa đạn đạo Iskander. Tiếp theo đó, nhiều trực thăng đậu ở mặt đất và bệ phóng tên lửa Himars do Mỹ chế tạo cũng bị quân Nga oanh kích.
Cuộc chạy đua không hồi kết
Le Monde cho biết lực lượng phòng không Ukraina hiện vẫn chưa tìm ra giải pháp phòng vệ trước các cuộc tấn công kiểu này của đối phương, ngoài một số hệ thống phòng không Stormer HVM do Anh viện trợ. Các hệ thống phòng không lực lượng Ukraina đặt gần mặt trận thì đều do Liên Xô thiết kế. Chúng có thể dò tìm động cơ nhiệt của drone Orlan, nhưng lại không, hoặc khó phát hiện được động cơ điện của drone Zala và Supercam.
Giờ đây, binh sĩ Ukraina đang tìm mọi cách để trang bị thiết bị có tên gọi « Tsoukorok » (viên đường nhỏ), một chiếc hộp có kích thước bằng ba bao thuốc lá, có khả năng phân tích tần số radio và báo hiệu sự hiện diện của 3 drone trinh sát Nga trong vòng bán kính 20 km. Nhờ « Tsoukorok », binh sĩ Ukraina có thể biết kiểu drone của Nga đang hoạt động, chúng đang tiến đến gần hay di chuyển ra xa … Do số lượng thiết bị này còn ít, sĩ quan có biệt danh « Flash » đã viết và phân phát một cuốn sách hướng dẫn cách tự lắp ráp một thiết bị tương tự như vậy từ các linh kiện điện tử được bày bán tự do.
Ngược lại, để chống lại các cuộc tấn công tên lửa của Nga vào sâu khắp lãnh thổ, các kỹ sư phòng không Ukraina đã thiết kế một hệ thống có tên là « Pokrova », gồm một mạng lưới ăng-ten dày đặc có khả năng giả mạo tọa độ định vị vệ tinh dẫn đường tên lửa, hướng chúng đến những khu vực được định trước để lực lượng phòng không bắn hạ. Trong đêm 13/01, Nga đã oanh kích Ukraina với tổng cộng 40 tên lửa và drone. Tám tên lửa của Nga đã bị tiêu diệt, 20 tên lửa và drone khác đã bị điều hướng, không tiếp cận được mục tiêu do các hệ thống tác chiến điện tử của Ukraina. Dường như « Pokrova » của Ukraina đã vô hiệu hóa được hàng chục tên lửa của Nga. BBC ngày 25/01 trích dẫn tướng Ihor Romanenko, cựu phó tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraina về phòng không : « Đây là một cách tiếp cận mới về chất trong cuộc chiến chống lại kẻ thù, không dựa vào các hệ thống tên lửa phòng không đắt tiền mà sử dụng tác chiến điện tử » và chính điều này đã giúp Ukraina không chỉ vô hiệu hóa drone mà còn vô hiệu hóa được cả tên lửa của Nga.
Chuyên gia Yaroslav Kalinin, giám đốc một công ty chuyên phát triển và chế tạo các thiết bị trinh sát điện tử và thiết bị chống drone, nhấn mạnh là hệ thống tác chiến điện tử quốc gia không nhất thiết phải bao trùm toàn bộ lãnh thổ đất nước. Điều quan trọng là gây ảnh hưởng đến việc tên lửa Nga được tín hiệu vệ tinh dẫn đường. Mục đích là để hệ thống dẫn đường của tên lửa bị nhầm lẫn nhiều, dẫn đến chệch mục tiêu ở giai đoạn cuối của quỹ đạo bay.
Để đối phó với hệ thống chiến tranh điện tử « Pokrova » của Ukraina, quân Nga chuyển sang sử dụng các tên lửa hoạt động với các hệ thống dẫn đường tự động khác, không thể gây nhiễu, khiến việc phòng thủ của Ukraina thêm khó khăn. Gần đây, bom bay của Nga có thiết bị dẫn đường và có sức công phá lớn đã được trang bị thêm ăng-ten chống nhiễu có khả năng chặn, ban đầu là 4 và đến nay là 8 thiết bị gây nhiễu của Ukraina, bởi khi thiết bị dẫn đường bị nhiễu tín hiệu, bom bay của Nga không thể nhắm trúng mục tiêu đã định.
Một trở ngại khác cho quân đội Ukraina, theo ông Serhiï Beskrestnik, là « các nhà sản xuất Ukraina không quan tâm đến việc sản xuất các hệ thống giá rẻ có thể được sử dụng ở mặt trận, bởi vì lợi nhuận ít ». Thêm vào đó, theo xác nhận của các binh sĩ được triển khai trên mặt trận với báo Pháp Le Monde, do chi phí cao và dễ bị vô hiệu hóa, số lượng thiết bị gây nhiễu không đủ để bảo vệ binh sĩ ở chiến hào cũng như các phương tiện chiến đấu. Lực lượng Nga cũng thường xuyên thay đổi tần số, cản trở đối phương chặn sóng.
Ngoài ra, khi thiết bị gây nhiễu được kích hoạt, thì không chỉ drone phe địch mà cả drone phe ta đều bị ảnh hưởng. Sĩ quan « Flash » nhấn mạnh với Le Monde là nếu thiếu sự phối hợp trong việc quản lý các hệ thống tác chiến điện tử, thiết bị gây nhiễu được kích hoạt theo kiểu « mạnh ai nấy làm » thì có nguy cơ gây hại cho đồng đội.
Về sự trợ giúp của phương Tây trên phương diện chiến tranh điện tử, theo sĩ quan Serhiï Beskrestnik, phương Tây không biết chiến tranh điện tử ở chiến hào là gì nên chương trình của họ huấn luyện binh sĩ Ukraina là hoàn toàn lỗi thời, các thiết bị của phương Tây cũng quá đắt đỏ và không phù hợp với thực tiễn chiến tranh điện tử tại Ukraina.