Tại Trung Quốc, trong hai tuần qua, một bản nhạc chế nói về nỗi vất vả, mệt mỏi khi phải làm việc quá tải đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội. « Bài ca của người lao động » đặc biệt tố cáo nhịp độ làm việc « 11.11.6 », thời gian làm việc từ 11 giờ sáng đến 11 giờ đêm, 6 ngày mỗi tuần, gây mệt mỏi và làm mất đi ý nghĩa của công việc.
Đăng ngày: 08/06/2024
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :
« Vũ điệu tuổi trẻ », một bài dân ca có từ năm 1939 tại Tân Cương, miền tây Trung Quốc, hiện giờ vang lên sôi nổi, tưng bừng tại các văn phòng ở Trung Quốc, hoặc ít nhất là trên những chiếc điện thoại thông minh của những người làm công ăn lương mệt mỏi. Video nói về những người công nhân, nhưng lại với hình ảnh của những tấm thảm trải sàn màu xám của các văn phòng được thiết kế theo kiểu không gian mở, cuộc sống hàng ngày nhàm chán bị đóng khung với những hành trình di chuyển dài trên các phương tiện giao thông công cộng và những người quản lý kém năng lực.
Xuất hiện lần đầu tiên cách nay gần 2 tuần, « bài ca công nhân » giờ đây được thể hiện tùy theo các lĩnh vực hoạt động. Một trong các phiên bản được chia sẻ nhiều nhất trên mạng Douyin – mạng video Tik Tok phiên bản Trung Quốc – đã được 570.000 người nhấn nút « thích » và 1,16 triệu lượt chia sẻ.
Thường có những kiểu ghi hình giống nhau, áo T-shirt được thay thế bằng PowerPoint, bảng Excel thay cho đồng hồ và điện thoại di động được dùng ở cả metro và ở nhà … cho thấy những khó khăn khi các sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đi tìm việc và áp lực khởi động lại nền kinh tế thời hậu Covid. Thế hệ thanh niên bất mãn hiện giờ bày tỏ nỗi thất vọng về một « thế giới hậu » Covid rất giống với thế giới tiền Covid.
Trong báo cáo tài chính năm 2023, Pinduoduo, một tập đoàn chuyên về bán hàng trực tuyến, chỉ ra rằng mỗi nhân viên của tập đoàn đã có thể mang lại 12,22 triệu Nhân dân tệ – hơn 1,5 triệu euro – cho công ty, nhưng điều này có được là nhờ nhịp đô làm việc « 11, 11, 6 », tức là từ 11 giờ sáng đến 11 giờ đêm, và 6 ngày mỗi tuần ».