Trong một bài phỏng vấn với Bloomberg mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định VinFast tiếp tục mở rộng tại châu Á ngay cả khi doanh thu ngành xe điện đang chững lại trên toàn cầu. Trong khi đó, các chuyên gia và nhà đầu tư lại không lạc quan như vậy.
Chia sẻ với Bloomberg, ông chủ VinFast cho biết ông không hề nản lòng trước sự chững lại của nhu cầu xe điện toàn cầu hay sự khởi đầu ảm đạm của VinFast khi thâm nhập vào thị trường Mỹ.
Bloomberg cho biết VinFast dự kiến mở nhà máy ở Ấn Độ vào nửa đầu năm 2025, sớm hơn sáu tháng so với kế hoạch ban đầu, cũng như bắt đầu xây dựng nhà máy tại Indonesia trong vòng hai tháng tới.
Các nhà máy này, theo ông Vượng, sẽ có công suất sản xuất 50.000 xe mỗi năm và có khả năng tăng lên 300.000 xe mỗi năm.
Trong ba tháng đầu năm nay, nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam chỉ bán được 9.689 chiếc. Bloomberg đánh giá tốc độ như vậy là “quá chậm” để VinFast đạt mục tiêu bán 100.000 chiếc ô tô điện mỗi năm.
VinFast bán được 34.855 xe vào năm 2023, nhưng Bloomberg nhấn mạnh rằng phần lớn trong số đó được bán cho các bên liên quan của công ty này.
“Tôi không lo lắng về doanh số bán xe điện. Sự phát triển của xe điện là tất yếu,” ông Vượng nói với Bloomberg.
Còn nhiều lý do khiến nhà đầu tư lo ngại
Trong ngày 11/6, trước một ngày so với thời điểm Bloomberg xuất bản bài phỏng vấn ông Phạm Nhật Vượng, trên trang web của Nasdaq xuất hiện một bài viết thể hiện sự hoài nghi của các nhà đầu tư đối với công ty xe điện Việt Nam này (bài gốc đăng trên website của công ty tài chính The Motley Fool).
Bài viết chỉ ra các dấu hiệu khiến các nhà đầu tư quan ngại về tình hình kinh doanh của nhà sản xuất ô tô điện.
Đầu tiên, VinFast bán đa số xe của mình cho các công ty con hoặc công ty liên kết. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho biết 70% lượng xe điện của VinFast được bán cho công ty liên kết Xanh SM (GSM) – một dịch vụ đặt xe điện tại Việt Nam.
Bài viết trên Nasdaq nhận định nếu chỉ tập trung bán xe cho các công ty liên kết, VinFast khó có thể cạnh tranh được trong thị trường người tiêu dùng phổ thông.
Một nguyên nhân khác có thể khiến các nhà đầu tư bi quan là việc xây dựng nhà máy của VinFast tại tiểu bang Bắc Carolina (Mỹ) đang chậm tiến độ.
Reuters vào cuối tháng 5/2024 cho biết công ty đang cân nhắc trì hoãn xây dựng nhà máy 4 tỷ USD với công suất sản xuất hàng năm theo kế hoạch là 150.000 xe ở Bắc Carolina vì gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng tại thị trường Mỹ.
Theo dự kiến, VinFast sẽ hoàn thiện nhà máy vào tháng 7/2024, nhưng công ty đã đẩy lùi thời điểm đưa nhà máy vào vận hành đến năm 2025.
Bên cạnh đó, các vụ kiện đối với VinFast tại Mỹ liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây cũng gây tác động đến tâm lý các nhà đầu tư.
Đối những vụ kiện này, VinFast tuyên bố rằngđó là một phần của “văn hóa kiện tụng”ở thị trường Mỹ.
Chưa rõ VinFast sẽ thắng hay thua nhưng các nhà đầu tư nghi ngại những vụ kiện sẽ làm ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong bài viết được đăng tải trên Nasdaq, tác giả cho rằng việc Cục An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTFA) tiến hành điều tra vụ tai nạn bốn người tử vong liên quan đến xe VF8 của hãng cũng khiến các nhà đầu tư vào cổ phiếu VFS lo lắng.
Nếu cuộc điều tra dẫn đến việc thu hồi xe VinFast tại Mỹ, hình ảnh của hãng sẽ bị ảnh hưởng, gây cản trở nghiêm trọng đến việc mở rộng ra thị trường quốc tế.
VinFast từng quyết định thu hồi toàn bộ lô xe điệnđầu tiên xuất khẩu sang Mỹ.
Những người trải nghiệm xe điện chuyên nghiệp đánh giá VinFast chưa thật sự có lợi thế về giá, đặc biệt trong bối cảnh các hãng xe điện giá rẻ Trung Quốc tham gia cuộc chơi và những ông lớn như Tesla cũng áp dụng chiến lược giảm giá mạnh mẽ.
Trả lời Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thừa nhận rằng các nhà đầu tư lo sợ “VinFast đầu tư nhiều quá thì sẽ mất cân đối”.
“Lãi suất thì đang rất là cao và việc cấp tín dụng từ các ngân hàng của Mỹ cũng không đạt như điều mà chúng tôi mong đợi,” ông chủ VinFast nói thêm.
Tính từ lúc kết thúc phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq cho đến hết ngày 12/6, cổ phiếu VinFast đã mất khoảng 90% giá trị.
Điều gì có thể giúp các nhà đầu tư lạc quan?
Cũng trong bài phỏng vấn với Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng cho hay công ty đang ghi nhận một số dấu hiệu tích cực, chẳng hạn như doanh số ở thị trường Mỹ đã tăng nhiều trong những tháng trở lại đây.
Bài viết trên Nasdaq cũng chỉ ra những lý do có thể giúp nhà đầu tư tự tin “đặt cược” vào hãng xe điện Việt Nam. Theo đó, bài viết cho biết VinFast vẫn bán được nhiều xe hơn một số hãng khác như Lucid hay Nikola của Mỹ.
Thêm vào đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của VinFast, theo bài viết, đang được cải thiện. Một số nhà đầu tư tin rằng công ty cuối cùng rồi sẽ vượt qua mọi khó khăn hiện nay.
So với mức đáy hồi cuối tháng 4/2024, giá cổ phiếu VinFast đã có những bước phục hồi đáng kể.
Vào ngày 11/6, trang Business Times của Singapore đánh giá VinFast vẫn đang thống trị thị trường Việt Nam và các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc gặp khó khăn để phá vỡ thế độc tôn này.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định chỉ mỗi thị trường nội địa là không đủ để hãng xe điện Việt Nam phát triển trong ngành này.
Phương tiện này chưa thật sử phổ biến tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng cho xe điện cũng chưa đưa được đầu tư nhiều. Nhiều người cho rằng các chính sách hỗ trợ cho ngành xe điện tại Việt Nam là kém hấp dẫn.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Vượng nói công ty đang đàm phán với các nhà đầu tư tài chính và sẽ xem xét một đối tác trong ngành có thể hỗ trợ VinFast phát triển.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, VinFast có khoản nợ ròng khoảng 2,9 tỷ USD. Tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt là 123,3 triệu USD.
Công ty ước tính chi tiêu vốn năm 2024 sẽ từ 1 – 1,5 tỷ USD thông qua các khoản nợ và vốn chủ sở hữu.