13 tháng 6 2024
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2024 khép lại, ghi nhận những chiến thắng cho phe cánh hữu trong kết quả sơ bộ. Nhiều chuyên gia nhận định cuộc bầu cử này không chỉ tác động đến lục địa già mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác ngoài châu Âu, trong đó có ASEAN và Việt Nam.
Khoảng hơn 180 triệu cử tri thuộc 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đi bầu cử từ ngày 6 – 9/6.
Tại Pháp, Đảng Tập hợp Quốc gia – một đảng cực hữu, dân túy – giành chiến thắng với 32% số phiếu bầu, hơn gấp đôi so với Đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron.
Tại Đức, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) về nhì với 15,9% số phiếu bầu, xếp trên Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz. Đứng đầu là đại liên minh của hai đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) – Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU).
Mặc dù các đảng cực hữu và các đảng dân tộc chủ nghĩa có những thành công nhất định trong lần bầu cử này, nhưng phe trung hữu vẫn chiếm đa số ghế trong nghị viện.
Các đảng trung hữu dành được đa số ghế ở Đức, Hy Lạp, Ba Lan và Tây Ban Nha, đồng thời ghi nhận những bước tiến đáng kể tại Hungary của Thủ tướng Viktor Orbán – một lãnh đạo dân túy.
Các nhà quan sát chính trị nhận định việc chiếm nhiều ghế hơn tại Nghị viện châu Âu sẽ giúp phe cực hữu có tiếng nói lớn hơn trong tương lai.
Việc gia tăng ảnh hưởng của phe cánh hữu có thể cản trở tiến trình thông qua luật mới để giải quyết các vấn đề cấp bách như an ninh, biến đổi khí hậu, cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc và Mỹ.
Vấn đề nhập cư và cuộc chiến tại Ukraine cũng được cho là sẽ bị tác động.
Trước sự trỗi dậy của phe cực hữu, bà Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu, thành viên Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu – đã lên tiếng tìm kiếm các đồng minh trung dung.
Đảng EPP đứng đầu cuộc bầu cử khi chiếm 186/720 ghế.
Không chỉ tác động tại châu Âu
Nhiều chuyên gia cho biết cuộc bầu cử này không chỉ quan trọng ở châu Âu mà còn lan tỏa sức ảnh hưởng ra toàn cầu.
“Sự trỗi dậy của phe cực hữu ở Nghị viện châu Âu chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều rào cản thương mại hơn giữa EU và Trung Quốc,” Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế Joerg Kraemer của công ty tài chính ngân hàng của Đức Commerzbank trong một bản tin ngày 11/6.
Ông Kraemer nhấn mạnh rằng Trung Quốc có thể “trả đũa” lên các sản phẩm sữa, rượu vang và linh kiện máy bay từ châu Âu.
Nhà nghiên cứu David Hutt, Viện Trung Âu chuyên Nghiên cứu về châu Á (CEIAS), nhận xét trên trang DW vào hôm 12/6 rằng cuộc bầu cử này tác động đến các quốc gia Đông Nam Á trên nhiều khía cạnh như thương mại, phát triển bền vững, môi trường và nhập cư.
“Có vẻ như các chính phủ Đông Nam Á chưa nhận ra tầm quan trọng của cuộc bầu cử này đối với khu vực,” DW dẫn lời nhận xét của nhà nghiên cứu Bridget Welsh tại Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Nottingham, chi nhánh Malaysia.
Alfred Gerstl, chuyên gia về quan hệ quốc tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Đại học Vienna (Áo), nói với DW rằng các chính phủ Đông Nam Á dường như đoán cuộc bầu cử sẽ có kết quả thuận lợi cho các đảng cánh tả, định hướng thị trường tự do.
Nhưng kết quả rõ ràng không như họ mong đợi.
Các đảng cánh tả như Renew Europe hay liên minh của Đảng Xanh và Đảng Liên minh Tự do châu Âu (Greens/EFA) đã mất đi lần lượt 23 ghế và 18 ghế trong Nghị viện châu Âu so với năm 2019.
Ông Gerstl nhấn mạnh xu hướng chủ nghĩa dân tộc gia tăng có thể đồng nghĩa EU ít có xu hướng hỗ trợ hợp tác phát triển với Đông Nam Á.
Ông David Hutt cho biết trong quá khứ, EU đã áp dụng các biện pháp thuế bảo hộ đối với các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như tăng thuế đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar trong giai đoạn 2019 – 2021 để bảo vệ nông dân châu Âu.
Việt Nam có thể là ‘bên thua cuộc’?
Các nhà quan sát cho rằng Việt Nam rất coi trọng việc mở rộng quan hệ kinh tế với EU – một đối tác mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do vào năm 2019.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Martin Sebena – giảng viên ngành chính trị tại Đại học Hong Kong – nhận định rằng sự trỗi dậy của các đảng phái cực hữu, dân tộc chủ nghĩa, các lãnh đạo dân túy tại châu Âu có thể gây bất lợi cho Việt Nam.
“Việt Nam là một nước hưởng lợi lớn từ chiến lược giảm thiểu rủi ro của EU (chuyển đầu tư sang Việt Nam để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc). Tuy nhiên, các lãnh đạo dân túy không mặn mà với chiến lược này lắm vì họ cho rằng nó gây ra lạm phát,” ông Sebena nói.
Trong một bài viết trên BBC InDepth vào ngày 8/6, tác giả Katya Adler cho rằng sự trỗi dậy của phe cực hữu sẽ chống lại các chính sách chuyển đổi xanh của EU.
Bà Adler đưa dẫn chứng với việc các đảng phái cánh hữu tại Pháp, Hà Lan và Ba Lan gần đây đã gây áp lực, khiến EU đã thu hồi hoặc hủy bỏ một số quy định quan trọng về môi trường – một lĩnh vực mà Việt Nam đang được EU đầu tư mạnh mẽ.
Nikkei Asia trong một bài viết vào cuối tháng 5/2024 đánh giá Việt Nam đang muốn xây dựng hình ảnh một điểm đến đầu tư “xanh”, thân thiện với môi trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Nikkei cũng đánh giá mong muốn này và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của chính phủ Việt Nam là có thể “quá tham vọng”, “vội vàng”.
Vào cuối năm 2022, Việt Nam ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD với các nước thuộc EU và nhóm G7.
JETP có mục đích giúp Việt Nam sớm đạt đỉnh phát thải trong năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu. Thỏa thuận này đồng thời hỗ trợ Việt Nam sản xuất gần 50% sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thêm vào đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), cơ quan tài chính của EU, cũng cam kết tài trợ cho Việt Nam trong các hoạt động chuyển đổi xanh.
Không chỉ riêng châu Âu, Tiến sĩ Edmund Malesky chuyên về kinh tế chính trị tại Đại học Duke, Mỹ nói với BBC News Tiếng Việt rằng các công ty Mỹ trong lĩnh vực năng lượng sạch cũng bị hình ảnh điểm đến đầu tư “xanh” của Việt Nam hấp dẫn.
“Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng đang ở trạng thái ‘chờ đợi’ và tìm hiểu thêm về các hoạch định chính sách của Việt Nam liên quan đến kinh tế, năng lượng và môi trường,” Tiến sĩ Malesky lưu ý, đồng thời nhấn mạnh các nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng cách tiếp cận “chờ đợi và theo dõi” kể từ khi những biến động chính trị ở Việt Nam diễn ra trong những tháng gần đây.
Ông David Hutt nhận xét Đông Nam Á ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài trợ của EU cho các chính sách chuyển đổi xanh của mình.
Ủy ban châu Âu trong những năm gần đây đã theo đuổi Thỏa thuận Xanh (Green Deal) mạnh mẽ cũng như tăng cường hỗ trợ tài chính cho Philippines để đối phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, liên minh Greens/EFA đã mất ghế (theo kết quả sơ bộ) và đảng lãnh đạo EPP thì đang muốn hạn chế một số mục tiêu chuyển đổi xanh đầy tham vọng.
Nhà nghiên cứu David Hutt cho rằng điều này có thể dẫn đến những thay đổi tiềm tàng trong quan hệ EU – Đông Nam Á, đặc biệt là về hợp tác thương mại và môi trường.
Các nhà hoạt động môi trường tin rằng việc Nghị viện châu Âu chuyển hướng sang cánh hữu sẽ khiến các mục tiêu về chuyển đổi xanh bị trì hoãn vô thời hạn.