G7 muốn bảo đảm nguồn tài chính kháng chiến năm 2025 cho Ukraina phòng khi Trump đắc cử

Ukraina có thể được nhận 50 tỉ đô la để bảo đảm nguồn lực chống cuộc xâm lược Nga trong năm 2025. Sau đồng thuận về nguyên tắc, tại thượng đỉnh ở Borgo Egnzia, Ý, từ ngày 13-15/06/2024, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới – G7 – phải đề cập đến câu hỏi hóc búa : Làm thế nào huy động tiền lãi từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở phương Tây để bổ sung nguồn tài trợ cho Kiev ?

Đăng ngày: 13/06/2024

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (T), tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/05/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (T), tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/05/2023 AFP – SUSAN WALSH

Thu Hằng

Ukraina dốc hết hầu bao cho cuộc chiến chống quân Nga xâm lược và sẽ không thể tiếp tục kháng cự một mình. Chính quyền Kiev cần thêm 40 tỉ đô la hàng năm để bảo đảm hoạt động của các dịch vụ công, cơ quan Nhà nước. Nhờ hỗ trợ của các nước đồng minh và một khoản vay từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ukraina có thể cầm cự đến cuối năm 2024.

Tìm nguồn tài trợ năm 2025 cho Kiev : Nhiệm vụ cấp bách

Tuy nhiên, viễn cảnh cho năm 2025 đầy bất trắc. Nguy cơ tỉ phú Donald Trump trở lại Nhà Trắng càng hối thúc các đồng minh Ukraina phải khẩn trương tìm ra nguồn tài chính cho năm tới với ba đề xuất về giải pháp. Tuy nhiên, giải pháp đầu tiên liên quan đến tịch thu toàn bộ tài sản Nga bị phong tỏa đã bị « Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg và phần nào là Ý » phản đối. Kinh tế gia Agathe Demarais thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu (European Council on Foreign Relations, ECFR) được nhận báo La Croix trích dẫn, cho rằng biện pháp này sẽ « gửi một tín hiệu tới thế giới rằng người ta có thể tịch thu tài sản của họ, liệu những nước đang trỗi dậy, như Ả Rập Xê Út chẳng hạn, còn tiếp tục mua lại nợ của chúng ta không ? »

Biện pháp thứ hai đã được Liên Hiệp Châu Âu thông qua vào tháng 05 liên quan đến việc sử dụng lợi nhuận hàng năm từ 2,5 đến 3 tỉ euro để hỗ trợ cho Ukraina. Tuy nhiên, khoản tiền này như « muối bỏ bể » so với nhu cầu của Ukraina cần thêm ít nhất 40 tỉ euro hàng năm. Chính vì vậy, các nước G7 cần thảo luận về giải pháp thứ ba được Mỹ đề xuất là thay vì viện trợ « nhỏ giọt » thì dùng lợi nhuận từ tài sản của Nga để hoàn trả vốn và lãi hàng năm của khoản vay 50 tỉ đô la cung cấp cho Kiev năm 2025.

Tuy nhiên, đề xuất này đặt ra rất nhiều vấn đề và sẽ được thảo luận tại G7 ở Ý : Quốc gia nào hay định chế nào đứng ra cấp một khoản vay lớn đến như vậy và số tiền có thể sẽ được giải ngân cho Ukraina ra sao ? Cơ quan nào sẽ đứng ra sử dụng tiền lãi từ tài sản của Nga để trả nợ hàng năm ?

Hoa Kỳ được cho là sẽ đứng ra cấp khoản vay 50 tỉ euro cho Kiev và sẽ được bảo đảm trả nợ từ khoản tiền lãi từ khối tài sản của Nga bị phong tỏa ở Liên Hiệp Châu Âu. Trang Zonebourse ngày 06/06 cho rằng lựa chọn này có lợi thế là « nhanh chóng » vì không phải chờ Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn trong khi Nghị Viện mới được bầu hôm 09/06 chỉ bắt đầu được thành lập vào tháng 07 và cũng không tạo ra khoảng nợ chung mới cho các nước trong khối.

Châu Âu lo Mỹ giảm bớt can thiệp vào chiến sự ở Ukraina

Theo kinh tế gia Agathe Demarais, « nhìn vào những tín hiệu từ phía châu Âu, có lẽ các bên đang tiến gần một thỏa thuận theo hướng này và có lẽ sẽ được thông báo nhân dịp hội nghị G7 ». Một nguồn tin trong chính phủ Pháp, được AFP trích dẫn, nhắc đến « một thỏa thuận. Như vẫn diễn ra trong G7, các nguyên thủ quyết định và các chuyên gia sẽ tiến hành công việc để thỏa thuận thành hình ». Phía Mỹ tỏ ra thận trọng hơn. Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nhắc đến « một bộ khung » và một lộ trình, còn chi tiết sẽ được đúc kết sau này.

Tuy nhiên, đề xuất của Mỹ cũng khiến các đồng minh châu Âu quan ngại vì sẽ phải điều chỉnh quy định. Nhưng quan ngại lớn hơn cả, về lâu dài, vẫn là câu hỏi : Chuyển cùng một lúc cả một khoản tiền lớn như vậy cho Kiev có nguy cơ khiến Mỹ bớt can thiệp hơn trong tương lai hay không, khi Washington cho rằng vấn đề tài trợ đã được giải quyết, ít nhất là cho năm 2025 ?

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, khách mời của G7, cho biết kỳ vọng rằng « những quyết định quan trọng » sẽ được đưa ra tại thượng đỉnh, « một phần lớn sẽ được dành cho Ukraina, cho quốc phòng và khả năng phục hồi kinh tế của đất nước ». Nhưng ông Zelensky luôn lưu ý với các nước phương Tây, đặc biệt là các nước láng giềng châu Âu rằng quân và dân Ukraina cũng đang chiến đấu cho an toàn và hòa bình của những nước này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment