Cựu Thủ tướng Hun Sen xác nhận đã có cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns vào ngày 2/6 vừa qua ở thủ đô Phnom Penh.
Ông Hun Sen viết trên Facebook ngày 12/6:
“Các cuộc họp quan trọng nhất là với Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper tại Phnom Penh vào năm 2011, Giám đốc CIA David Petraeus tại Phnom Penh vào năm 2012 và Giám đốc CIA Bill Burns tại thành phố Takhmao vào năm 2024.”
Ông Hun Sen còn cho biết, ngoài các cuộc gặp mặt trực tiếp, ông đã cử đại diện đến gặp lãnh đạo CIA tại thủ đô Washington DC trong quá khứ.
“Hợp tác chính của chúng tôi là chống chủ nghĩa khủng bố, không phải chống lại bất kỳ quốc gia nào. Campuchia cũng có hợp tác tình báo với các nước khác, đây cũng là quy trình bình thường của một quốc gia có chủ quyền.
Ông William Burns, một quan chức có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực ngoại giao, đã nhậm chức Giám đốc CIA vào năm 2021 dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông từng là thứ trưởng Ngoại giao Mỹ (2011-2014), chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, đại sứ Mỹ tại Jordan (1998-2001), trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề cận Đông (2001-2005), đại sứ Mỹ tại Nga (2005-2008).
‘Đừng giỡn mặt với Hun Sen’
Trước đó, trong một bài viết trên chuyên trang The Diplomat ngày 12/6, David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS), đã đặt câu hỏi liệu Giám đốc CIA William Burns có thật sự đến Campuchia hay không.
Bài viết của ông David Hutt đưa ra các lập luận dựa trên lộ trình của ông William Burns, bao gồm ở châu Âu vài ngày hồi cuối tháng 5, sau đó đi Doha vào ngày 4/6.
Không có thông tin chính thức nào cho thấy người đứng đầu CIA đã đến Đối thoại Shangri-La ở Singapore trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến 2/6.
Từ đó, cây bút này cho rằng ông Hun Sen có thể đã “cố tình” công bố cuộc gặp với lãnh đạo CIA để khẳng định Campuchia không bị Bắc Kinh thao túng.
Ông Hun Sen đáp trả gay gắt trước thông tin từ cây bút David Hutt với tuyên bố: “Nếu không biết rõ Hun Sen thì đừng giỡn mặt với Hun Sen.”
“Từ những gì David Hutt viết, ông ta nghĩ tôi đã nêu sai thông tin. Tôi công khai tuyên bố rằng tôi đã làm việc với giới lãnh đạo CIA từ năm 1997.”
Ở phần kết bài viết trên Facebook, ông Hun Sen đã nhắn nhủ ông David Hutt những lời đầy ẩn ý: “Đừng thấy nước trong mà nghĩ không có cá. Khi Hun Sen không mở miệng thì đừng nghĩ Hun Sen không biết nói gì.”
Căn cứ Ream và cuộc chạy đua tình báo Mỹ-Trung ở Đông Nam Á
Cho đến nay chưa có thông tin chính thức về chuyến đi của ông William Burns đến Campuchia.
Trước đó, Campuchia là điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á sau Singapore của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong bối cảnh Phnom Penh đang là đồng minh thân thiết nhất của Bắc Kinh.
Chuyến đi của ông Austin đánh dấu lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến một quốc gia chỉ để gặp các nhà lãnh đạo liên quan đến những vấn đề quốc phòng, cho thấy tầm quan trọng của Campuchia trong chiến lược địa chính trị của Mỹ trong khu vực.
Nhà nghiên cứu David Hutt lập luận có khả năng nếu lãnh đạo CIA đến Campuchia đúng như lời ông Hun Sen nói thì quân cảng Ream có thể đã được thảo luận như trong chuyến đi của ông Austin vào ngày 4/6.
Không có thông tin cụ thể về việc ông Austin đã bàn thảo gì với giới lãnh đạo Campuchia liên quan đến căn cứ này. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc có thể đang nắm độc quyền tiếp cận Ream đã khiến quan chức Mỹ quan ngại trong những năm qua.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink vào ngày 7/3 đã bày tỏ quan ngại về quân cảng Ream.
“Hoa Kỳ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi xây dựng xung quanh căn cứ hải quân [Ream], cũng như vai trò của quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quá trình này và trong việc sử dụng cơ sở này trong tương lai,” vị cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói.
Nhà nghiên cứu David Hutt cũng nói đến cuộc chạy đua tình báo giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Ông cũng nhắc lại một thông tin được nhà báo Bertil Lintner ở Thái Lan viết trên trang Asia Times vào ngày 31/5 về một tòa nhà lãnh sự quán trị giá 300 triệu USD của Mỹ đang được xây dựng tại tỉnh Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, có thể phục vụ mục đích do thám.
Trong bài viết này, nhà báo Bertil Lintner đánh giá rằng “không phải là sự tình cờ” khi tỉnh Chiang Mai được chọn là một nơi do thám mang tính chiến lược của Mỹ.
Nhà báo Lintner lưu ý rằng tòa nhà ở đông bắc Thái Lan có những giàn ăng ten Wullenweber được coi là “Chuồng Voi” vì hình dạng của chúng giống chuồng để nhốt voi.
“Trang thiết bị này có thể thu sóng radio từ Lào, miền nam Trung Quốc và bắc Việt Nam trong khi giám sát những chuyển động quân sự Trung Quốc trong khu vực,” nhà báo này viết.
Căn cứ Ream cũng được một số quan sát nhận định sẽ có thể phục vụ mục đích do thám của Trung Quốc đối với Việt Nam và các nước trong khu vực nếu đây là một tiền đồn nước ngoài thật sự đầu tiên của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân Việt Nam hiện đang quản lý vùng biển Tây Nam và Vịnh Thái Lan, với trụ sở Bộ chỉ huy vùng đóng tại An Thới, đảo Phú Quốc.
Vì Ream cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng 30 km, nên nhà nghiên cứu David Hutt đề cập khả năng Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân Việt Nam có thể bị do thám.
Nhà nghiên cứu David Hutt nói: “Thật khó mà không nghĩ rằng Phnom Penh đang đầy rẫy những đặc vụ của Trung Quốc, cả ‘công khai’ lẫn ‘ngầm'”.
Về phần mình, ông Hun Sen đã yêu cầu Mỹ không đưa Campuchia vào trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị của Mỹ và khẳng định Campuchia đang thực thi chính sách ngoại giao dựa trên luật pháp trong cuộc gặp với ông Lloyd Austin hôm 4/6.
Campuchia liên tục bác bỏ khả năng cho quân đội nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ của mình, viện dẫn điều này đi ngược lại hiến pháp quốc gia.