Những diễn biến đầu tuần thứ ba tháng 6/2024 tại quần đảo Trường Sa, Biển Đông, cho thấy Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật với các hành động bạo lực gia tăng thêm một nấc nhắm vào tàu thuyền Philippines tiếp tế cho đơn vị hải quân nước này đồn trú tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền. Mức độ hung hãn của Hải cảnh Trung Quốc khiến một số nhà quan sát lo ngại nguy cơ xung đột bùng phát, châm ngòi cho chiến tranh quy mô toàn cầu.
Đăng ngày: 20/06/2024
Báo Nhật Japan Times mô tả hành động khác thường cho thấy Trung Quốc dường như đã có một ‘‘chiến thuật mới’’. Tại khu vực xung quanh Bãi Cỏ Mây, từ nhiều năm nay tàu thuyền hai bên thường xuyên va chạm, với đỉnh điểm là việc Trung Quốc phun vùi rồng làm bị thương nhiều thủy thủ Philippines hồi tháng 3, tháng 4/2024 vừa qua. Tuy nhiên, hành xử của Trung Quốc hôm 17/06 vừa qua là rất khác trước.
Đưa người xông lên tàu Philippines
Hành động bạo lực của Hải cảnh Trung Quốc nhắm vào một chuyến đi luân chuyển và tiếp tế cho đơn vị đồn trú ở Bãi Cỏ Mây, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Truyền thông Philippines hôm 18/06 cho biết có nhiều người bị thương, trong đó có một thủy thủ bị đứt ngón tay. Nhưng điểm đặc biệt mới lần này là việc ‘‘lần đầu tiên’’ Trung Quốc cho người ập lên thuyền Philippines, lấy đi một số vũ khí.
Ngay sau vụ này, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Kurt Campbell đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Philippines về hành xử của Trung Quốc. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Matthew Miller, hai bên đã ghi nhận việc hành động của Hải cảnh Trung Quốc ‘‘thách thức hòa bình và ổn định của khu vực’’. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh đến việc “các tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng, đâm, ngăn chặn và kéo một số tàu Philippines bị hư hỏng một cách nguy hiểm và có chủ đích, gây nguy hiểm tính mạng của các quân nhân Philippines’’. Việc kéo tàu Philippines và nhân viên Trung Quốc xông lên tàu công vụ quốc gia láng giềng, dùng vũ lực tước đoạt tài sản, được coi là một chiến thuật mới của Bắc Kinh hoàn toàn khác trước, nhằm gia tăng áp lực lên Philippines.
Lần đầu tiên cho phép Hải cảnh ‘‘giam giữ hành chính’’
Chiến thuật mới gia tăng bạo lực chống tàu thuyền Philippines nói trên diễn ra ngay sau khi quyết định bắt giữ người nước ngoài bị tình nghi xâm nhập trái phép các vùng biển mà Trung Quốc coi là thuộc quyền chủ quyền chính thức có hiệu lực từ ngày 15/06, một tháng sau khi Hải cảnh Trung Quốc ban hành ”Quy định thủ tục thực thi hành chính của Cảnh sát biển’’, tối đa đến 60 ngày mà không cần qua xét xử.
Theo giới quan sát, đây là lần đầu tiên, Trung Quốc ban hành thủ tục cho phép lực lượng Hải cảnh ‘‘giam giữ hành chính’’. Sau cuộc cải cách năm 2018, Hải cảnh Trung Quốc trực thuộc lực lượng Cảnh sát vũ trang, và lực lượng này thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có thẩm quyền sử dụng vũ lực ở quy mô rất khác. Việc Hải cảnh Trung Quốc có thể dùng súng và các vũ khí sát thương khác trong các hoạt động bắt người có thể dẫn đến bạo lực gia tăng.
Trong một bài tổng hợp về vấn đề này trên trang mạng chuyên về thời sự chính trị châu Á Asialyst, nhà địa chính trị học Pháp Olivier Guillard chú ý đến không khí căng thẳng chưa từng có giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines nói đến việc chế độ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình là một mối ‘‘đe dọa sinh tồn’’ với Philippines.
Tối hậu thư ngày 08/06
Trong những tuần gần đây, gần như không có ngày nào là không có sự cố hay khẩu chiến giữa hai bên, nhưng sự kiện được chuyên gia Olivier Guillard đặc biệt chú ý là ngày 08/06. Vào ngày này, Bắc Kinh thông báo cho phép người Philippines tiếp tục chuyển đồ tiếp viện đến cho lực lượng đóng trên còn tàu mắc cạn BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây, cột mốc khẳng định chủ quyền của Philippines từ năm 1999, nếu chấp nhận thông báo trước với phía Trung Quốc. Chính quyền Phillippines ngay lập tức bác bỏ đòi hỏi ‘‘phi lý, kỳ quặc và không thể chấp nhận được’’.
Từ nhiều tháng nay, Bắc Kinh đã liên tục truyền đi thông điệp, trên nhiều kênh khác nhau, là giữa Trung Quốc và Philippines đã có một thỏa thuận không thành văn về việc phía Philippines có nghĩa vụ thông báo trước cho Trung Quốc về các cuộc di chuyển đến những địa điểm do Manila kiểm soát, như Bãi Cỏ Mây, mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Thỏa thuận ngầm được coi là đã được thông qua dưới thời tổng thống tiền nhiệm Duterte, và được các cấp chính quyền sau đó, từ bộ Quốc Phòng đến các lực lượng địa phương tiếp tục thực hiện.
Manila bác ‘‘thỏa thuận ngầm’’, Bắc Kinh bỏ chiến thuật ”vùng xám”
Đầu tháng 5/2024, căng thẳng xung quanh vấn đề được gọi là ‘‘thỏa thuận ngầm’’ dâng đến đỉnh điểm. Phía Trung Quốc lên án Philippines bội ước và dọa công bố các thông tin liên quan, Manila đáp trả với đe dọa truy tố, bỏ tù những người tung tin và cảnh báo có thể trục xuất nhân viên ngoại giao Trung Quốc. Việc có một ‘‘thỏa thuận ngầm’’ nói trên giữa chính quyền Philippines với Trung Quốc nhằm giảm nhẹ các căng thẳng ở Biển Đông thời tổng thống tiền nhiệm và tiếp tục được duy trì một cách không chính thức hay không? Đối với nhiều nhà quan sát câu hỏi vẫn để ngỏ. Cho đến cuối tháng 5 vừa qua, trong nội bộ Philippines vẫn tiếp tục có những áp lực để điều tra làm rõ vụ việc.
Trên thực tế, yêu sách của Trung Quốc ngày 08/06 nói trên, được đưa ra một tuần trước khi quyết định ‘‘giam giữ hành chính’’ người nước ngoài đến 60 ngày của Trung Quốc tại Biển Đông chính thức có hiệu lực, có thể coi như một tối hậu thư gửi đến chính quyền Manila. Với quyết định chưa từng có nói trên, rõ ràng tại khu vực xung quanh Bãi Cỏ Mây quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh đã chuyển từ chiến thuật ‘‘vùng xám’’ truyền thống lấn dần từng bước một sang chiến thuật đối đầu trực diện.
Tham vọng của Trung Quốc, ‘‘thùng thuốc súng’’ Biển Đông
Thái độ được coi là trở nên cứng rắn chưa từng có của Bắc Kinh với Philippines chắc chắn có phần xuất phát từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại vùng biển này, nhưng cũng không thể tách khỏi phản ứng kiên quyết không kém từ phía Manila. Đầu tháng 4/2024, Mỹ, Nhật, Úc và Phillippines đã mở cuộc tập trận chung đầu tiên tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng 4 nước cũng đã lần đầu tiên họp tại Hawaii, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, để khẳng định đoàn kết. Hoa Kỳ, quốc gia có Hiệp ước phòng thủ chung với Manila, liên tục khẳng định sẵn sàng bảo vệ Philippines, nếu tàu hay người Philippines bị Trung Quốc tấn công. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh Manila sẽ không nhân nhượng một ly chủ quyền, và việc Trung Quốc cố tình giết hại thủy thủ Philippines là hành động ‘‘tuyên chiến’’.
Nhà địa chính trị học Olivier Guillard dẫn lại nhận định của chuyên gia Bob Savic, Viện nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng Global Policy Institut ở Luân Đôn, ví khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông giờ đây như ‘‘thùng thuốc súng’’ bán đảo Balkan năm xưa, khi vụ sát hại một nhà quý tộc người Áo đã làm bùng lên Đệ Nhật Thế chiến. Tình hình cũng tương tự tại vùng biển nhiệt đới xứ Đông Nam Á, nơi cái chết của một thủy thủ có thể châm ngòi của một chiến toàn cầu.