Ủy ban Hạ viện thành lập nhóm công tác để chống lại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng

Nhóm công tác này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng luật và nâng cao nhận thức để chống lại sự thống trị của ĐCSTQ đối với các khoáng sản quan trọng.

Ủy ban Hạ viện thành lập nhóm công tác để chống lại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng

Một máy xúc chuyển đất chứa khoáng sản đất hiếm tại một cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 05/09/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Aaron Pan

Thứ năm, 20/6/2024

Hôm 18/06, Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết họ đã thành lập một nhóm công tác lưỡng đảng nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.

Nhóm Công tác về Chính sách Khoáng sản Quan trọng sẽ chịu trách nhiệm xây dựng luật và nâng cao nhận thức thông qua các sự kiện của ủy ban nhằm chống lại sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các khoáng sản quan trọng.

“Khoáng sản quan trọng là nền tảng của mọi thứ, từ hàng tiêu dùng cơ bản đến công nghệ quân sự tiên tiến. Việc Mỹ phụ thuộc vào sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng sẽ nhanh chóng trở thành một điểm dễ bị tổn thương hiện hữu trong trường hợp xảy ra xung đột,” Dân biểu John Moolenaar (Cộng Hòa-Michigan), Chủ tịch ủy ban, cho biết trong một tuyên bố.

“ĐCSTQ đã vũ khí hóa sự độc quyền của họ đối với một số khoáng sản bằng cách áp đặt các hạn chế xuất cảng đối với các nguyên tố đất hiếm như gallium, germanium, và than chì, cũng như thiết bị chế biến khoáng sản.”

Ông Moolenaar và Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), thành viên Đảng Dân Chủ cấp cao của ủy ban, đã thông báo về việc thành lập nhóm công tác này. Ông Moolenaar cho biết ông thành lập nhóm này để “giúp Quốc hội tuyên bố độc lập khỏi các chuỗi cung ứng do ĐCSTQ kiểm soát.”

Nhóm này sẽ bắt đầu bằng cách dựa trên báo cáo tháng 12/2023 của ủy ban có tiêu đề “Thiết lập lại, Ngăn chặn, Xây dựng: Một Chiến lược để Giành chiến thắng trong Cuộc cạnh tranh Kinh tế của Mỹ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Báo cáo đã đưa ra gần 150 khuyến nghị với Quốc hội, vạch ra một chiến lược nhằm “cơ bản là thiết lập lại sự cạnh tranh kinh tế và công nghệ của Hoa Kỳ” với chế độ cộng sản Trung Quốc.

“Những khuyến nghị này sẽ thiết lập lại các điều khoản về mối quan hệ của chúng ta với [Trung Quốc], ngăn chặn dòng vốn và công nghệ của Mỹ trợ giúp những tiến bộ quân sự và hành vi vi phạm nhân quyền của nước này, và xây dựng khả năng phục hồi kinh tế tập thể phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng ta trong khi bảo đảm sự lãnh đạo của Mỹ trong nhiều thập niên tới,” ủy ban này cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó.

Nhóm này sẽ tập trung vào việc tăng cường tính minh bạch về sự phụ thuộc của quốc gia này vào chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng và “phát triển một gói gồm các khoản đầu tư được đề xướng, cải cách quy định, và ưu đãi thuế để giảm sự phụ thuộc đó,” theo một tuyên bố hôm 18/06.

“Thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các nguyên tố khoáng sản và đất hiếm quan trọng là giai đoạn tiếp theo trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc,” Dân biểu Rob Wittman (Cộng Hòa-Virginia) cho biết trong một tuyên bố. “Chúng ta phải bảo đảm quyền tiếp cập của người Mỹ đến những nguyên liệu không thể thiếu đối với công nghệ mà chúng ta dựa vào trong cuộc sống hàng ngày và cho nền quốc phòng của chúng ta này.”

Các Dân biểu Wittman và Kathy Castor (Dân Chủ-Floria) sẽ lãnh đạo nhóm công tác này, gồm các Dân biểu Blaine Luetkemeyer (Cộng Hòa-Missouri), Haley Stevens (Dân Chủ-Michigan), Carlos Gimenez (Cộng Hòa-Florida), Ritchie Torres (Dân Chủ-New York), và Ben Cline (Cộng Hòa-Virginia).

Hồi tháng Hai, Dân biểu Kevin Hern (Cộng Hòa-Oklahoma), Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng Hòa, đã giới thiệu Đạo luật Chống lại Trung Quốc Cộng sản, gọi đây là “luật lớn nhất và toàn diện nhất” từng được đề xướng tại Quốc hội để giải quyết mối đe dọa từ ĐCSTQ. Bên cạnh các lĩnh vực quan trọng khác nhau của an ninh quốc gia Hoa Kỳ, thì đạo luật này cũng nhằm mục đích cắt giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các khoáng sản quan trọng của Trung Quốc, kể cả một đề xướng phân loại uranium là khoáng sản quan trọng và cấm các công ty ngoại quốc khai thác chất này trên đất liên bang.

Vị thế thống trị của Trung Quốc đối với khoáng sản quan trọng

Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt những hạn chế xuất cảng đối với các khoáng sản quan trọng trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây. Hồi tháng 12/3023, Bắc Kinh đã yêu cầu các thương nhân báo cáo thông tin xuất cảng về đất hiếm theo thời gian thực nhằm kiểm soát chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng.

Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Theo dữ liệu do Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) tổng hợp, năm 2022, Trung Quốc chiếm 70% lượng khai thác đất hiếm trên toàn cầu, tăng từ mức 59% hồi năm 2021.

Dữ liệu của USGS cho thấy từ năm 2018 đến năm 2021, Trung Quốc chiếm 74% lượng đất hiếm được nhập cảng vào Hoa Kỳ, giảm từ mức 80% trong giai đoạn 2014-2017.

Tháng 07/2023, Bắc Kinh công bố kế hoạch hạn chế xuất cảng hai loại khoáng sản quý hiếm được dùng để sản xuất chất bán dẫn—gallium và germanium—để rõ ràng là trả đũa Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác vì những nỗ lực của họ nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận tới các vi mạch tiên tiến.

Theo Liên minh Nguyên liệu Thô Quan trọng, Trung Quốc chiếm 80% sản lượng gallium và 60% sản lượng germanium của thế giới.

Theo một báo cáo năm 2022 của OneCharge, nhà sản xuất pin lithium có trụ sở tại Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng thống trị chuỗi cung ứng pin lithium toàn cầu, kiểm soát 70% tổng công suất sản xuất toàn cầu.

Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li

Cẩm An biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment