Việt Nam và Campuchia còn là ‘láng giềng đặc biệt’ sau 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Ông Hun Sen, ông Hun Manet và ông Phạm Minh Chiin1h
Chụp lại hình ảnh,Cho đến nay, Việt Nam luôn xác định quan hệ với hai quốc gia láng giềng Lào và Campuchia là “quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt”

Ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau 57 năm tình hình địa chính trị giữa hai quốc gia láng giềng đã có nhiều thay đổi.

Ngày 20/6, cựu Thủ tướng Hun Sen đăng trên trang Facebook lá thư cảm ơn của ông Tô Lâm vì đã chúc mừng ông nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam.

Lá thư ngày 5/6 có nội dung ông Tô Lâm khẳng định về việc tiếp tục “làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia, vì sự phát triển của mỗi nước cũng như vì lợi ích chung của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”

Dù lá thư được ông Tô Lâm gửi từ ngày 5/6, nhưng ông Hun Sen đã chọn đăng vào thời điểm bốn ngày trước dịp kỷ niệm 57 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cho đến nay, ông Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet luôn nhấn mạnh đến việc “coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước”.

Về phần mình, lãnh đạo Việt Nam luôn lặp lại xuyên suốt tuyên bố “Campuchia là nước láng giềng có vị trí địa – chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Mối quan hệ với Campuchia là ưu tiên đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.

Cho đến nay, Việt Nam luôn xác định quan hệ với hai quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia là “quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt”.

Lá thư cảm ơn của ông Tô Lâm
Chụp lại hình ảnh,Ngày 20/6, cựu Thủ tướng Hun Sen, chủ tịch Thượng viện Campuchia đăng trên trang Facebook lá thư cảm ơn của ông Tô Lâm vì đã chúc mừng ông nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam

Trong dịp này báo chí thân chính phủ của Việt Nam và Campuchia cũng có nhiều bài viết đánh giá cao quan hệ hai nước.

Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 24/6, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Nguyễn Huy Tăng nói rằng, “Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, nhân dân hai nước cùng uống chung dòng nước sông Mekong, có quan hệ gắn bó truyền thống, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng nhau đấu tranh chống kẻ thù chung, cùng nhau giành thắng lợi và cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước”.

Trong một bài viết trên Khmer Times hôm 24/6, Tiến sĩ Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế trực thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) nhấn mạnh đến quan hệ hữu nghị truyền thống, niềm tin lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Ông nhấn mạnh đến việc giải quyết vấn đề biên giới bằng “thương lượng hòa bình và tránh sử dụng vũ lực để giải quyết”.

Ông nhắc lại mối quan hệ lịch sử Việt Nam và Campuchia không chỉ có 57 năm mà còn xuất phát từ thế kỷ thứ 15 và cả thể chế chính trị khác nhau giữa hai quốc gia láng giềng.

“Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ hai nước đã gắn kết sâu sắc, đặc biệt giữa những năm 1960 và 1970. Từ những năm đầu 1980 cho đến 1990, mối quan hệ hai nước trở nên sâu sắc hơn và gắn kết hơn khi đều là anh em đồng chí của hai nhà nước xã hội chủ nghĩa.”

“Kể từ đầu những năm 1990, mối quan hệ Campuchia và Việt Nam đã chuyển sang một bước ngoặt chính trị mới, Việt Nam vẫn giữ chế độ cộng sản trong khi Campuchia theo chế độ dân chủ tự do, đa đảng và Campuchia có vương quốc, vua theo hiến pháp. Mặc dù hai nước áp dụng các chế độ chính trị khác nhau, mối quan hệ song phương vẫn vững mạnh và được tăng cường,” Tiến sĩ Kin Phea viết trên Khmer Times.

Quân lính Việt Nam gác ở biên giới giữa Thái Lan và Campuchia
Chụp lại hình ảnh,Quân đội Việt Nam tại một chốt chặn cách biên giới Thái Lan-Campuchia chỉ vài mét sau cuộc tấn công vào một căn cứ của tàn quân của Khmer Đỏ. Ảnh chụp vào ngày 19/1/1985

Vướng mắc trong quan hệ song phương

Ông Hun Sen và ông Hun Manet
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Campuchia Hun Manet lần đầu thăm chính thức Việt Nam vào hai ngày 11 và 12/12/2023. Theo Khmer Times, ông Hun Manet đã “giải thích rõ ràng về chi tiết dự án” Phù Nam Techo với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm

Cho đến nay, quan hệ Việt Nam và Campuchia vẫn tồn tại một số vấn đề vướng mắc chính như cắm mốc cho đường biên giới dài khoảng 1.258km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và 9 tỉnh của Campuchia gồm Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmun, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takeo và Kampot.

Tính đến tháng 11/2023, hai nước đã hoàn thành phân giới khoảng 1.045 km.

Bên cạnh đó, vấn đề người Việt Nam sống không quốc tịch cùng tâm lý dân tộc cực đoan ở Campuchia trong những năm qua cũng là một số vấn đề còn âm ỉ giữa hai nước.

Vẫn còn tâm lý cho rằng Kampuchea Krom (Kampuchea Hạ), từng thuộc Vương quốc Kampuchea đã bị thực dân Pháp cắt khỏi quốc gia này và cho sáp nhập vào Việt Nam, chứng minh chủ quyền của người Khmer trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

Hay những tuyên bố rằng hòn đảo Phú Quốc, mà người Khmer gọi là Koh Tral, là “thuộc về Campuchia”, rằng Việt Nam đã xâm lược Campuchia vào năm 1978 thay vì giải phóng quốc gia này khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ.

Những tâm lý như vậy vẫn còn hằn sâu trong một bộ phận người dân xứ sở chùa tháp.

Bản đồ Phù Nam Techo

Ngoài ra gần đây có thể kể đến siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia đã làm bùng lên căng thẳng giữa hai quốc gia.

Campuchia đã tuyên bố sẽ khởi công dự án này vào ngày 5/8 tới đây, trùng ngày sinh lần thứ 72 của ông Hun Sen bất chấp Việt Nam đã có bốn lần chính thức lên tiếng về dự án và đề nghị Phnom Penh cung cấp thêm thông tin để thẩm định dự án đầy đủ liên quan đến các tác động môi trường.

Theo tài liệu về hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong” được tổ chức vào ngày 7/6 mới đây tại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh mà BBC News Tiếng Việt có thể tiếp cận được thì vấn đề kênh đào Phù Nam Techo đã không được đề cập đến.

Cho đến nay, Việt Nam chỉ có một lần duy nhất tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia về dự án này tại thành phố Cần Thơ vào ngày 23/4.

Dự án kênh đào Phù Nam Techo cũng cho thấy hai luồng ý kiến chính hiện nay, một bên thẳng thắn đề cập quan ngại và yêu cầu có thông tin và điều tra độc lập liên quan tác động môi trường, trong khi đó một bên liên tục nhấn mạnh về “nghĩa tình trong quan hệ Việt-Campuchia”.

Trong một bài viết với bản tiếng Việt được đăng trên chuyên trang Nghiên cứu quốc tế hôm 27/5, bản tiếng Anh được đăng trên Fulcrum thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak sau đó vào ngày 5/6, Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn, cựu Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, viết rằng:

“Trong bối cảnh còn có những khác biệt trong việc đánh giá tác động của dự án kênh đào Phù Nam, tôi hy vọng hai nước sẽ tiếp tục làm việc với nhau trên tinh thần minh bạch, tôn trọng lợi ích chính đáng lẫn nhau, cùng với sự thấu hiểu, nhằm vun đắp ‘tình làng nghĩa xóm’, duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài của quan hệ song phương, không để con kênh chia đôi bờ trong quan hệ hai nước.”

Bài viết này thiên về các thông điệp chính trị, những lời kêu gọi cảm tính mà thiếu các đánh giá lý tính cần có nơi một bài viết của chuyên gia.

Trong khi đó, khả năng Trung Quốc có thể nắm quyền tiếp cận độc quyền căn cứ quân sự Ream nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng 30 km cũng là một vấn đề gây quan ngại trong khu vực lẫn các siêu cường như Mỹ, mặc dù Việt Nam không chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Tập trận Rồng Vàng
Chụp lại hình ảnh,Trung Quốc và Campuchia đã tổ chức cuộc tập trận chung Rồng Vàng từ ngày 16-30/05/2024 với sự tham gia của hơn 2.000 quân nhân, 69 xe tăng, 14 tàu chiến và 2 trực thăng

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc vào thứ Hai 24/6 bình luận với BBC News Tiếng Việt:

“Nhân 57 năm ngày thiết lập ngoại giao Việt Nam – Campuchia tôi chỉ nói rằng không ai là anh cũng không ai là em trong tình hữu nghị giữa ba nước Đông Dương. Ngày nào nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia còn uống chung dòng nước sông Mekong thì chính phủ và nhân dân Campuchia đừng quên quá khứ. Thủy chung giữa Việt Nam – Campuchia và giữa ba nước Đông Dương sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa cả ba nước Đông Dương tồn tại và phát triển giữa sự cạnh tranh chiến lược của các siêu cường hiện nay.

“Lịch sử là cô giáo của cuộc sống, thân phận của phái đoàn Khmer Issarak tại hội nghị Geneve 1954, thân phận của nhân dân Campuchia dưới chế độ diệt chủng của Pol Pot như thế nào thì chính phủ và nhân dân Cambodia hiểu rõ. Đừng vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tính vị kỷ của mình mà phá vỡ tình đoàn kết và hữu nghị giữa ba nước Đông Dương.”

“Như nhà thơ Liên Xô Rasul Gamzatov nói, ‘Nếu anh bắn vào quá khứ bằng phát súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác'”, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra việc Campuchia được cho là ngày càng ngả dần vào Trung Quốc vì những lợi ích kinh tế, quân sự…, trở thành đồng minh ‘sắt son’ nhất của Bắc Kinh tại Đông Nam Á được nhận định là một trong những khó khăn về chiến lược địa chính trị cho Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu độc lập Campuchia, Rim Sokvy đánh giá với BBC News Tiếng Việt về triển vọng quan hệ giữa hai nước vào hôm 24/6:

“Tôi nghĩ Việt Nam và Campuchia sẽ có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp bất chấp các vấn đề liên quan đến dự án kênh đào Phù Nam Techo và căn cứ quân sự Ream. Tôi nghĩ cả hai nước có đa lĩnh vực cần hợp tác như phân định biên giới, thương mại, hợp tác chống tội phạm mạng và lừa đảo trực tuyến.”

Những cột mốt chính trong quan hệ Việt Nam – Campuchia

Ông Hun Sen và ông Nguyễn Tấn Dũng
Chụp lại hình ảnh,Cựu Thủ tướng Hun Sen và ông Nguyễn Tấn Dũng khi đương chức thủ tướng Việt Nam trong buổi lễ ký kết Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia vào ngày 28/8/2000 về phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Campuchia

Ngày 24/6/1967: Việt Nam và Campuchia thiết lập Quan hệ Ngoại giao.

Từ năm 1979 – 1989: Việt Nam đưa quân vào Campuchia vào năm 1978, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào ngày 7/1/1989, sau đó đóng quân cho đến tháng 9/1989.

Ngày 18/2/1979: Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký kết Hiệp định Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác.

Năm 1982: Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước vùng Nước lịch sử.

Năm 1983: Hai nước ký Hiệp ước về Nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới quốc gia Việt Nam-Campuchia và Hiệp định về Quy chế Biên giới.

Năm 1985: Hai bên ký Hiệp ước Hoạch định Biên giới Quốc gia Việt Nam – Campuchia.

Tháng 10/1991: Việt Nam tham gia ký Hiệp định Paris về Campuchia.

Năm 1998: Việt Nam và Campuchia ký Hiệp định Thương mại song phương.

Tháng 6/1999: Việt Nam và Campuchia ra Tuyên bố chung xây dựng quan hệ hai nước theo phương châm “Hợp tác láng giềng tốt đẹp đoàn kết hữu nghị ổn định truyền thống lâu dài”.

Tháng 11/2000: Việt Nam và Campuchia ra tuyên bố chung xác định các nguyên tắc ưu tiên trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Tháng 3/2005: Việt Nam và Campuchia ra Tuyên bố chung nâng quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống , hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Tháng 10/2005: Hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định Biên giới Quốc gia Việt Nam – Campuchia năm 1985.

Năm 2017: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia, năm 2017 được gọi là năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia.

Tháng 10/2019: Hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, ghi nhận 84% công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam – Campuchia.

Ngày 20/6/2022: Lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” đã diễn ra tại tại khu vực biên giới giữa hai huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia với sự tham dự của ông Hun Sen khi đương chức thủ tướng Campuchia và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Cuối năm 2023: Lãnh đạo Việt Nam và Campuchia đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD.

Bài Liên Quan

Leave a Comment