Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt vào ngày 21/6, trong một buổi lễ tại Hà Nội.
Buổi lễ ra mắt sách của vị tổng bí thư có sự tham dự của các ủy viên Bộ Chính trị, gồm Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng.
Bên cạnh đó là hàng loạt quan chức trung ương khác.
Các bản tin truyền hình không cho thấy tác giả cuốn sách là ông Nguyễn Phú Trọng có mặt trong buổi lễ.
Cuốn sách này được báo chí thông tin là đã triển khai từ tháng 3/2023 và hoàn thành, ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2024.
Như vậy, cuốn sách dày 900 trang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được hoàn thành trong khoảng 15 tháng, giữa những đồn đoán về sức khỏe của ông cũng như những biến động chính trị dữ dội ở dàn lãnh đạo.
Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng?
Vị tổng bí thư ba nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần ra sách, đa phần là tập hợp các bài phát biểu, nói chuyện, trả lời phỏng vấn,… với nhan đề sách thường là các câu khẩu hiệu cho thấy chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuốn sách lần này gồm ba phần.
Phần 1 xoay quanh vấn đề “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc”.
Phần 2 tập trung vào việc phát triển toàn diện, đồng bộ để “văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững”.
Phần cuối là áp dụng những lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống.
Theo báo điện tử Chính phủ, sách tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư… của ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó bài viết sớm nhất là năm 1968.
Cuốn sách cũng có hơn 90 bức ảnh của ông Trọng trong các hoạt động văn hóa, hội nghị văn hóa; các chuyến đi thăm, làm việc với các địa phương; các cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa; các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức trên khắp Việt Nam.
Chỉ tính trong năm 2023, ông Trọng đã ra mắt ít nhất 5 cuốn sách, với nhan đề mỗi cuốn sách là một khẩu hiệu, như lời hiệu triệu toàn đảng, toàn quân và toàn dân:
- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh (ra mắt ngày 2/2/2023)
- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh (ra mắt ngày 2/2/2023)
- Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ra mắt ngày 20/10/2023)
- Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc (ra mắt ngày 18/11/2023)
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” (ra mắt ngày 21/11/2023)
Những cuốn sách do vị giáo sư chuyên ngành xây dựng đảng làm tác giả thường trở thành tài liệu “chỉ đạo đường lối” để các cơ quan, ban ngành, địa phương quán triệt, thực hiện.
Ví dụ, câu nói nổi tiếng của ông Trọng về phòng chống tham nhũng: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” hay “Chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đều trở thành khẩu hiệu lớn, được nhiều quan chức khác lặp lại trong các phát biểu.
Đơn cử, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhan đề Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh ra mắt vào tháng 7/2023 được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhận xét là “kim chỉ nam cho việc phòng, chống tham nhũng”.
Từ trước đến nay, Việt Nam chỉ có “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, chưa có vị lãnh đạo nào khác được vinh danh, tôn sùng như một vị minh quân như ông Hồ Chí Minh. Gần đây, vấn đề “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” đã xuất hiện và được bàn luận.
Không chỉ dừng ở trong đảng, mà trên phạm vi toàn quốc, đã có những chiến dịch truyền thông, tuyên truyền nhằm khơi gợi cảm xúc, niềm tin tương tự đối với ông Trọng trong quảng đại quần chúng.
Trước quốc dân đồng bào, không ít chính trị gia cấp cao ca ngợi ông Trọng như một vị minh quân. Không ít bài thơ, bài hát về ông đã được phổ biến.
Vào tháng 3/2021, giữa nghị trường Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói ông cảm động vô cùng với tổng bí thư, chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc.
Vị tổng bí thư còn được gọi với những cái tên khác đầy sự ca tụng như “người đốt lò vĩ đại” hay “sĩ phu Bắc Hà”.
Về mặt quyền lực, ông Trọng là người giữ chức tổng bí thư lâu nhất kể từ năm 1976, thời điểm tên đảng được đổi thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sau hơn 10 năm làm tổng bí thư (từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào năm 2012) đã xây dựng và truyền bá Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, gọi ngắn gọn là Tư tưởng Tập Cận Bình.
Vào đầu năm 2023, Nhà xuất bản Nhân dân đã cho phát hành trên toàn Trung Quốc hai cuốn trong bộ tuyển tập của Tập Cận Bình, với mục đích nêu rõ là nhằm giúp toàn đảng và toàn quốc có điều kiện để học tập và triển khai Tư tưởng Tập Cận Bình, theo Tân Hoa Xã.
Đảng Cộng sản Việt Nam dù chưa chính thức công bố khái niệm “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”, nhưng cách tuyên truyền cho các cuốn sách, các ý kiến chỉ đạo cùng công tác xây dựng hình ảnh cho ông Trọng có nhiều điểm tương đồng với “nước bạn, đảng bạn”.
Các bài viết, bài phỏng vấn… của báo chí nhà nước tại Việt Nam cũng đã không ít lần đề cập đến khái niệm “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”, chẳng hạn: “Tư tưởng ngoại giao cây tre của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, “Tư tưởng ‘lấy dân làm gốc’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Các cuộc thi tìm hiểu sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù có quy mô nhỏ hơn, nhưng gợi liên tưởng đến cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chiến dịch tuyên truyền
Sau mỗi lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra sách, tổ chức đảng các cấp đều triển khai học tập quán triệt, phát động các cuộc thi tìm hiểu.
Vào tháng 5/2023, báo Hà Tĩnh cho biết cuộc thi tìm hiểu cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thu hút gần 5.000 người là cán bộ, đảng viên và người dân huyện Kỳ Anh tham gia.
Ngày 28/2/2024, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, tuyên truyền trực tiếp kết hợp với trực tuyến nội dung hai cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc và Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 3/4, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức vòng chung kết hội thi thuyết trình sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Có hàng chục, hàng trăm sự kiện tương tự đã diễn ra xung quanh các cuốn sách của ông Trọng.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc lần này cũng không là ngoại lệ.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa – người vừa được bầu vào Bộ Chính trị hồi giữa tháng 5 – đã đề nghị cơ quan tuyên giáo các cấp và các cơ quan báo chí, xuất bản “tập trung tuyên truyền, giới thiệu về nội dung cuốn sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp”.
Việc tuyên truyền nội dung cuốn sách, theo ông Nghĩa, phải được tổ chức có chiều sâu và hiệu quả, góp phần tiếp tục tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Để rộng đường hơn cho việc tuyên truyền, cuốn sách sẽ được dịch ra nhiều ngoại ngữ, phát hành rộng rãi đến các cơ quan đối ngoại trong và ngoài nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh “cần tuyên truyền sâu rộng nội dung cuốn sách trong đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước và cụ thể hóa trong tổ chức triển khai nhiệm vụ”.
Cùng lúc, hệ thống giáo dục toàn quốc phải “tập trung nghiên cứu, xây dựng thành tài liệu học tập, nghiên cứu về văn hóa trên cơ sở nội dung cuốn sách”.
Không chỉ vạch ra đường hướng tuyên truyền cho cuốn sách ở buổi lễ ra mắt, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa còn viết một bài dài hơn 4.500 từ để ca ngợi nội dung cuốn sách.
“Những bài viết, bài nói, bài phát biểu, thư… của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách cho thấy sự am hiểu sâu sắc, toàn diện về bản chất và đặc trưng văn hóa Việt Nam của người đứng đầu Đảng ta,” bài viết của ông Nguyễn Trọng Nghĩa có đoạn.
Việc một cuốn sách được phát hành và nhận được ý kiến khen che là điều bình thường. Trong trường hợp sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi lần có ý kiến phê phán, chỉ trích thì Đảng Cộng sản Việt Nam thường triển khai các chiến dịch “phản bác”, với sự tham gia của nhiều cây viết là giáo sư, tiến sĩ từ các tổ chức lý luận của Đảng, của quân đội, công an.
Bài viết của TS Phan Văn Lương -Tổng cục Chính trị, và TS Vũ Xuân Trường – Trường Sĩ quan Chính trị – có nhan đề Phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị cuốn sách của Tổng Bí thư đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 29/3 mở đầu như sau:
“Ngay khi cuốn sách ‘Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt bạn đọc, thông qua mạng Internet, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, blog, Telegram, Twitter…, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của cuốn sách nhằm phủ nhận những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.”
Các tác giả bài viết cho rằng “nhận diện và đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái này góp phần khẳng định ý nghĩa và giá trị cuốn sách của Tổng Bí thư là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay”.
Ngân sách từ đâu?
Dù nói nhiều về nội dung, tư tưởng cuốn sách cũng như nhấn mạnh tầm vóc của ông Nguyễn Phú Trọng nhưng thông tin về ngân sách cho những hoạt động tổ chức học tập, thi tìm hiểu, viết bài quảng cáo, xuất bản sách không thấy được nhắc đến.
Một nhà quan sát từ Hà Nội nói với BBC rằng, ngân sách in ấn, tuyên truyền những cuốn sách này là từ ngân sách của Ban Tuyên giáo Trung ương – tức là từ ngân sách của Đảng. Ngân sách này bao gồm ngân sách nhà nước do Quốc hội phê duyệt và phân bổ cho Đảng Cộng sản hằng năm.
Bên cạnh đó là đảng phí từ hơn 5,3 triệu đảng viên và một số nguồn thu khác.
“Thông tin chi tiết về ngân sách Đảng thường không được công bố công khai. Chưa kể, có thể có sự khác biệt giữa quy định chính thức và thực tế triển khai nhưng ngân sách này có mục dành cho các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, bên cạnh việc vận hành các cơ quan đảng các cấp, việc chi trả lương và phụ cấp cho cán bộ, công chức trong đảng,…” người này nói.
Về Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2003, Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 68-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Quyết định nêu rõ: Đây là đơn vị sự nghiệp Trung ương của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Bí thư, có chức năng là cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước, hoạt động theo Luật Xuất bản.
Sách của các quan chức lãnh đạo khác
Bên cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều lãnh đạo khác cũng là tác giả của các cuốn sách được báo chí, truyền thông trong nước ca ngợi.
Chủ tịch nước Tô Lâm đã biên soạn và xuất bản một loạt sách trong thời gian ông đảm đương các cương vị trước đây, bao gồm:
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2015)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2017)
- Quần chúng nhân dân – nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân (2017)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân (2017)
- Công an nhân dân Việt Nam với tác phẩm tư cách người công an cách mệnh của Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (2017)
Những cuốn sách của vị đại tướng nay là chủ tịch nước được mô tả là “càng đọc cuốn sách, người đọc càng bị cuốn hút bởi lối viết chân thực, đề cập đến một mảng tri thức lớn mang tầm lý luận sâu sắc”. Dù ở quy mô nhỏ hơn – chỉ trong ngành công an – nhưng sách của ông Tô Lâm khi ra mắt cũng được tuyên truyền rầm rộ.
Ông Nguyễn Xuân Phúc – cựu Chủ tịch nước, cựu Ủy viên Bộ Chính trị – từng cho ra mắt bộ sách hai tập Khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường.
Bộ sách của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tập hợp những bài viết, bài phát biểu, thư, trả lời phòng vấn báo chí… của ông từ thời ông làm lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho tới khi ông giữ các chức vụ ở trung ương như phó thủ tướng, thủ tướng và chủ tịch nước.
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ca ngợi cuốn sách của ông Phúc là “tài liệu quý, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn, quán triệt sâu sắc hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục truyền thống, tinh thần trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Bộ sách xuất bản vào tháng 10/2022 thì tới đầu năm 2023, ông Nguyễn Xuân Phúc mất chức khi phải “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” và xin thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước.
Sách của các lãnh tụ cộng sản
Các lãnh tụ cộng sản thường xuất bản rất nhiều sách, với đa phần là các tuyển tập tổng hợp thư từ, diễn văn, bài báo, văn kiện đảng.
Nổi tiếng nhất trong số này là người sáng lập nhà nước Xô Viết Vladimir Lenin.
Bộ sách V.I. Lenin toàn tập (Lenin Collected Works) có 54 cuốn, mỗi cuốn khoảng 650 trang. Với khối lượng đồ sộ như vậy, sách không dành cho đại chúng nhưng lại là tài liệu quan trọng của các nhà nước cộng sản. Sách cũng có giá trị đối với các nhà nghiên cứu, qua đó có thể tìm hiểu một hệ tư tưởng, một chặng đường phát triển của quốc gia và hệ tư tưởng đó, cũng như nghiên cứu Lenin với tư cách là một lãnh tụ cộng sản lẫn tư cách một con người.
Việt Nam từ lâu đã xuất bản bộ sách này bằng tiếng Việt.
Lãnh tụ cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông là một cây viết rất năng suất. Bộ Mao Trạch Đông tuyển tập có năm cuốn, đã được in hàng triệu bản, ngoài ra còn có hàng chục cuốn “phái sinh” khác, như Mao Chủ tịch ngữ lục là tập hợp các câu nói của ông.
Lãnh tụ khai sinh Bắc Hàn là Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) không hề kém cạnh, với rất nhiều tập sách đã được ấn hành (có thông tin cho biết là tới 100 tập). Lãnh tụ hiện tại là Kim Jong-un cũng noi gương ông và cha mình, đã cho xuất bản nhiều cuốn sách, nổi bật có Hướng tới chiến thắng cuối cùng và Xây dựng quốc gia giàu mạnh.
Việt Nam có Hồ Chí Minh toàn tập, mà theo thông tin của Bảo tàng Hồ Chí Minh là bao gồm 15 tập, tập hợp khoảng 3.300 tác phẩm, bài nói, bài viết, điện, thư… từ năm 1912 đến năm 1969 của cố lãnh tụ Việt Nam.
Báo Nhân Dân cho biết đây là “một bộ sách kinh điển, phản ánh thiên tài trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Bộ sách này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam cho dịch ra tiếng nước ngoài, chẳng hạn phiên bản tiếng Lào đã được công bố vào năm 2021.