RFA
2024.06.25
Ba nhà hoạt động (từ trái sang): Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng, và Ngô Thị Tố Nhiên
17 tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do cho ba nhà hoạt động môi trường Việt Nam
Một nhóm gồm 17 tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) cùng kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho ba nhà hoạt động môi trường và khí hậu Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng, và Ngô Thị Tố Nhiên.
Sự kiện này đánh dấu ba năm ngày luật gia Đặng Đình Bách bị bắt giữ (24/6/2021-24/6/2024) và đang phải thụ án 5 năm tù ở trại giam Thanh Chương, Nghệ An về tội danh trốn thuế.
Thư chung của các tổ chức viết chính quyền độc đảng ở Việt Nam đưa ra các cam kết công khai về mức phát thải ròng bằng 0 và tham gia cùng các đối tác toàn cầu để giảm thiểu biến đổi khí hậu, tuy nhiên lại bắt giữ các nhà lãnh đạo khí hậu nổi tiếng nhất của đất nước.
Các tổ chức trong đó có Uỷ ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR), Liên minh những người bảo vệ khí hậu Việt Nam (Vietman Climate Defenders Coalition), Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers), Dự án 88 (Project 88)… đồng thời kêu gọi người dân gửi thư cho ông Bách để bày tỏ tình đoàn kết.
Bà Penelope Faulkner, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR) nói rằng đường lối chính trị của Hà Nội luôn có hai mặt rất khác nhau. Một chính sách quốc tế đầy những lời cam kết và hứa hẹn, và một chính sách quốc nội với những cuộc đàn áp, bắt bớ tùy tiện.
Bà nói trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Trong vấn đề bảo vệ môi trường cũng vậy. Để thu hút viện trợ quốc tế, Việt Nam đã cam kết chuyển đổi năng lượng sạch, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng lại thẳng tay đàn áp các nhà họat động khí hậu và bóp nghẹt tiếng nói của xã hội dân sự trong nước.
Việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam không tiến triển khi các nhà bảo vệ môi trường đang ở tù.”
Bà Maureen Harris, cố vấn cấp cao của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế có cùng nhận định và cho biết thêm rằng, khi Việt Nam đang phải vật lộn với những đợt nắng nóng kỷ lục và những cú sốc khác do biến đổi khí hậu gây ra, nhu cầu chuyển đổi năng lượng sạch và công bằng ngày càng cấp thiết đối với quốc gia này.
Theo bà, nỗ lực của chính phủ trong việc bịt miệng xã hội dân sự là mâu thuẫn trực tiếp với trụ cột “công bằng” của Đối tác Chuyển đổi Công bằng (JETP) của Việt Nam.
“Để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng đáp ứng được các mục tiêu của mình, những bên liên quan đến JETP phải bảo đảm trả tự do ngay lập tức cho ông Bách, bà Hồng và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự khác bị cầm tù oan ở Việt Nam, cùng với việc bảo vệ những người bảo vệ môi trường khỏi bị trả thù cũng như bảo đảm việc những người bảo vệ môi trường và xã hội dân sự tham gia một cách tự do và an toàn vào quá trình chuyển đổi năng lượng.”
Trong thư ngỏ, 17 tổ chức kêu gọi “các quốc gia thuộc nhóm G7 và các nhà tài trợ đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam kêu gọi trả tự do cho ông Bách và yêu cầu xã hội dân sự tham gia vào giải pháp khí hậu quan trọng này.”
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về lời kêu gọi của 17 tổ chức quốc tế nói trên, tuy nhiên chưa nhận được ngay phản hồi.
Ông Đặng Đình Bách- giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) hoạt động với mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam, bị bắt ngày 24/6/2021 với cáo buộc “trốn thuế” trong các dự án có sự tài trợ của nước ngoài.
Hiện ông Bách đang bị đối xử một cách hà khắc ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Bà Hoàng Thị Minh Hồng- sáng lập viên và giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), một tổ chức phi lợi nhuận, truyền cảm hứng cho cộng đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bà bị bắt vào cuối tháng 5/2023 với cáo buộc “trốn thuế” và bốn tháng sau, bà bị kết án ba năm tù giam cùng hình phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Giữa tháng 9 năm ngoái, bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc Điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam, một tổ chức nghiên cứu năng lượng độc lập, bị bắt với cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 342 của Bộ luật Hình sự. Bà đang bị tạm giam để điều tra.
Trong một số buổi họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng việc bắt giữ và xét xử các nhà hoạt động môi trường nói trên đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, trong khi nhiều tổ chức quốc tế cho rằng các cáo buộc “trốn thuế” hay “chiếm đoạt tài liệu” là nguỵ tạo và việc xét xử họ đều không tuân theo tiêu chuẩn quốc tế về phiên toà công bằng.