Trước những tham vọng của Trung Quốc, Philippines và Nhật Bản chuẩn bị thảo luận ở cấp cao về chính sách quốc phòng và an ninh. Cuộc họp dự trù diễn ra tại thủ đô Manila vào ngày 08/07/2024 theo thông cáo vừa được bộ Ngoại Giao Philippines đưa ra vào hôm nay 28/06/2024.
Đăng ngày: 28/06/2024
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, Minoru Kihara và cùng ngoại trưởng Yoko Kamikawa sẽ đàm phán với các đồng cấp Philippines, Gilberto Teodoro và Eduardo Manalo vào tuần tới. Đôi bên tập trung vào những « vấn đề song phương, quốc phòng và an ninh liên quan đến khu vực ». Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, cuộc đối thoại này diễn ra sau một loạt các sự cố gần đây ở Biển Đông giữa hải cảnh Trung Quốc và tuần duyên Philippines ở Bãi Cỏ Mây khiến căng thẳng gia tăng cường độ. Bắc Kinh khẳng đỉnh chủ quyền với gần hết vùng biển này.
Tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông là cái gai trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong Thế Chiến Thứ Hai, Nhật Bản từng chiếm đóng Philippines. Giờ đây Tokyo tìm cách thuyết phục Manila về một thỏa thuận quân sự hai chiều, cho phép mỗi bên triển khai quân sang quốc gia bên kia.
Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, Itsunori Onodera hôm nay kỳ vọng hiệp ước quân sự với Philippines « nhanh chóng tiến triển » nhân cuộc họp vào đầu tháng 7 sắp tới. Tokyo « rất quan ngại » về thái độ của Bắc Kinh trong các cuộc đụng độ gần đây giữa tàu của Trung Quốc và Philippines ngoài khơi Bãi Cỏ Mây.
Nhật Bản nhìn nhận « nhu cầu đẩy mạnh hợp tác về an ninh và quốc phòng » với quốc gia Đông Nam Á này. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nhật đã tiếp xúc với cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Marcos Jr., với hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Philippines, để « thúc đẩy hiệp ước đối tác chiến lược về quốc phòng » với Manila.
Một thành viên trong phái đoàn Nhật Bản chuẩn bị đến Philippines khẳng định Tokyo « sẵn sàng cung cấp cho Manila những phương tiện cần thiết để tự vệ ». Đến nay, Nhật Bản đã trang bị cho tuần duyên Philippines tàu, thuyền và đã thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập trên biển, trên không với các đối tác như Mỹ, Úc và Philippines ở Biển Đông.