Hungary mở điều tra nhắm vào một tổ chức chống tham nhũng

Trong một thông cáo đăng tải ngày 01/07/2024, tổ chức phi chính phủ Transparency International, hoạt động ở Hungary, lên án cuộc điều tra « vô căn cứ » của thủ tướng Viktor Orban nhắm vào tổ chức này. Với các hoạt động chuyên chống tham nhũng, tổ chức phi chính phủ này bị cáo buộc là « tác nhân nước ngoài ».

Đăng ngày: 02/07/2024

Ảnh minh họa: Thủ tướng Hungary Viktor Orban, tại trụ sở Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 27/06/2024.
Ảnh minh họa: Thủ tướng Hungary Viktor Orban, tại trụ sở Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 27/06/2024. AP – Geert Vanden Wijngaert

Chi Phương

Giám đốc của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế – Transparency International, ông François Valérian cho biết Hungary « là quốc gia tham nhũng nhất tại Liên Hiệp Châu Âu trong hai năm liên tiếp », theo những dữ liệu mà tổ chức này thu được. Tổ chức phi chính phủ, chuyên chống tham nhũng, khẳng định rằng, Văn phòng bảo vệ chủ quyền – SPO, do chính quyền của thủ tướng Viktor Orban lập ra, mở cuộc điều tra nhắm vào tổ chức này là hành động trả đũa. SP0 cáo buộc tổ chức này sử dụng nguồn tại trợ từ nước ngoài để tác động đến cử tri. Thông báo mở điều tra chính thức đã được đưa ra từ ngày 25/06 và tổ chức Minh Bạch Quốc Tế phải trả lời 62 câu hỏi của văn phòng này trong thời hạn 30 ngày.

Luật sư của Transparency International , ông Miklos Ligeti, trả lời RFI Pháp Ngữ, khẳng định rằng « cuộc điều tra này không phải ngẫu nhiên, mà là một trong những chiến lược của chính phủ Hungary, nhằm gây khó dễ cho các tổ chức phi chính phủ, đe dọa trừng phạt hoặc khiến họ hiểu được rằng họ có nguy cơ nằm trong tầm ngắm, chỉ đơn giản là vì đã chỉ trích chính phủ về các kế hoạch chống tham nhũng và Nhà nước pháp quyền …Chúng tôi cho rằng cơ quan này không tuân thủ Hiến Pháp, vi phạm quyền được tự bảo vệ trong tư pháp và quyền được tự do phát ngôn. Do vậy, chúng tôi đã đệ đơn kiện lên Tòa Bảo Hiến để yêu cầu sửa đổi luật điều chỉnh hoạt động của cơ quan này. »

Văn phòng bảo vệ chủ quyền được lập ra theo một luật được thông qua vào cuối năm 2023, cho phép thu thập thông tin về bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào được hưởng lợi từ nguồn tài trợ nước ngoài và gây ảnh hưởng đến cuộc tranh luận công khai.

Các tổ chức bị điều tra và bị gắn mác « tác nhân nước ngoài » không có cách nào để tự vệ một cách hợp pháp trước các quyết định của văn phòng này.

Trong bối cảnh Hungary đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu từ đầu tháng Bảy, tổ chức Transparency International kêu gọi các nước trong khối này « cảnh giác », ngăn chặn các hành động trái với luật pháp, lợi dụng chức chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu để tạo tác động có lợi cho chính quyền của thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Ngoài Transparency International, cơ quan truyền thông độc lập Atlatszo ở Hungary cũng đang bị điều tra.

Bài Liên Quan

Leave a Comment