Ông Uông Văn Bân, tân Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia nói về “niềm vinh dự” khi đi qua Đại lộ Mao Trạch Đông và Đại lộ Tập Cận Bình tại thủ đô Phnom Penh, trước khi đến tòa nhà đại sứ quán, trong thông điệp đầu tiên khi nhậm chức.
Phát biểu trước các phóng viên tại sân bay Quốc tế Phnom Penh vào tối ngày thứ Sáu 5/7, ông Uông Văn Bân, người kế nhiệm ông Vương Văn Thiên, đề cập đến cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước để “không ngừng làm cho cộng đồng chung một vận mệnh trở nên hiệu quả hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai quốc gia trong kỷ nguyên này”, báo Khmer Times tường thuật hôm thứ Hai 8/7.
Nhắc lại mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, ông Uông cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường sử dụng các câu tục ngữ của Campuchia để nói về quan hệ song phương.
Ông cũng nhắc đến cố Quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia từng xem quan hệ giữa hai nước như “hoa bất tử”, và quan hệ hữu nghị “sắt son” giữa hai nước là một mô hình cho quan hệ quốc tế.
Trong dòng thông điệp trên Facebook vào ngày Chủ nhật 7/7, ông Vương nói “rất vinh dự khi được đi qua Đại lộ Tập Cận Bình, Đại lộ Hun Sen, Đại lộ Sihanouk, Đại lộ Mao Trạch Đông trên đường đến Đại sứ quán Trung Quốc ở Campuchia”.
Trước đó, vào hôm 28/5, Campuchia đã đổi tên đường Vành đai 3 ở thủ đô Phnom Penh thành đại lộ Tập Cận Bình, với độ dài 48 km, nhằm vinh danh vị chủ tịch Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã ngày 30/5, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã nhấn mạnh Đại lộ Tập Cận Bình và Đại lộ Mao Trạch Đông ở thủ đô Phnom Penh đã cho thấy “di sản lịch sử” trong quan hệ song phương.
Về phần mình, đại sứ Trung Quốc tại Campuchia vào thời điểm đó, ông Vương Văn Thiên nói rằng, vào năm 1965, cố Quốc vương Norodom Sihanouk đã đặt tên “Đại lộ Mao Trạch Đông” ở thủ đô Phnom Penh và gần 60 năm sau, Thủ tướng Hun Manet đã đặt tên đại lộ khác là “Đại lộ Tập Cận Bình”, cho thấy cột mốc mới trong quan hệ giữa hai nước.
- Căn cứ quân sự Ream của Campuchia quan trọng thế nào nếu Việt Nam rơi vào xung đột quân sự? (bài 3)5 tháng 7 năm 2024
- Căn cứ quân sự Ream của Campuchia quan trọng thế nào nếu Việt Nam rơi vào xung đột quân sự? (bài 3)5 tháng 7 năm 2024
- Căn cứ Ream của Campuchia thay đổi như thế nào từ năm 2019 đến nay? (bài 1)3 tháng 7 năm 2024
Nhà ngoại giao ‘dày dặn kinh nghiệm’
Vào ngày 4/6, cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc đã xác nhận thông tin ông Uông Văn Bân sẽ thay thế người tiền nhiệm Vương Văn Thiên làm đại sứ Trung Quốc tại Campuchia.
Ông Uông Văn Bân, 53 tuổi, được biết đến là nhà ngoại giao “chiến lang” với các tuyên bố đáp trả gay gắt nhằm vào phương Tây và Nhật Bản khi giữ chức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ tháng 7/2020 đến tháng 5/2024.
Người phát ngôn bộ ngoại giao là một chức vụ quan trọng, hai cựu ngoại trưởng Tần Cương và Lý Triệu Tinh từng trải qua vị trí này trước khi thăng tiến lên cấp bậc cao hơn.
Hồi cuối tháng Năm, một cựu phát ngôn viên khác là bà Hoa Xuân Oánh đã được bổ nhiệm làm thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Uông từng giữ chức đại sứ Trung Quốc tại Tunisia trước khi trở thành người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Cho đến nay, Campuchia là đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Hai nước hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, từ chính sách ngoại giao đến an ninh khu vực.
Cho đến nay, Campuchia và Lào là hai nước “nhiệt thành” nhất trong khu vực đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, được ông Tập Cận Bình đề ra từ năm 2013 đến nay, với hàng loạt hạ tầng như cảng biển và đường cao tốc được xây dựng hoặc lên kế hoạch.
Với làn sóng nhà phát triển bất động sản, Campuchia đã kỳ vọng Sihanoukville sẽ trở thành một Macau bên bờ Vịnh Thái Lan.
Hồi tháng Tư, Nikkei Asia có bài viết về thành phố ven biển Sihanoukville này với nhan đề “Người Trung Quốc tháo chạy khỏi Campuchia, bỏ lại thành phố đang phát triển với 500 tòa nhà ma”.
Hồi tháng Một, Thủ tướng Hun Manet đã công bố chính sách miễn giảm thuế để thu hút nhà đầu tư vào cứu các tòa nhà ma này.
Ông mong có đa dạng nhà đầu tư hơn, để tránh phụ thuộc vào mối Trung Quốc.
Khoảng 2/3 tổng vốn đầu tư ở Campuchia hiện nay đến từ Trung Quốc, theo Nikkei Asia.
Vào tháng Năm, trả lời trang Nikkei Asia, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nhấn mạnh Campuchia sẽ phải đa dạng hóa các khoản đầu tư vào quốc gia này để tránh “phụ thuộc chỉ vào Trung Quốc” và Nhật Bản là nước đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này.
Đại dự án Phù Nam Techo, dự kiến được Campuchia khởi công vào ngày 5/8 tới đây, cũng sẽ có sự tham gia của đối tác Trung Quốc theo cơ chế đối tác công-tư (PPP), không phải vay tiền từ Trung Quốc.
Trước đó, ông Hun Sen bác bỏ thông tin cho rằng kênh Phù Nam Techo thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Khmer Times ngày 6/6 dẫn lời chuyên gia Yang Peou, Tổng thư ký Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) thể hiện kỳ vọng ông Uông Văn Bân sẽ thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào các dự án xây dựng “đang bị trì trệ” tại thành phố biển Sihanoukville và giải quyết vấn đề tội phạm lừa đảo trên mạng ở Campuchia.
Liên quan đến khía cạnh an ninh, quân sự, Campuchia và Trung Quốc đã kết thúc cuộc tập trận quân sự chung Rồng Vàng vào ngày 30/5.
Trong khi đó, mối quan hệ quốc phòng ngày càng gắn kết giữa Campuchia và Trung Quốc đang đặt ra những báo động cho Việt Nam, đặc biệt liên quan đến căn cứ quân sự Ream, nằm ngay cửa ngõ Vịnh Thái Lan.
Việc hai tàu hải quân Trung Quốc hiện diện tại Ream trong một thời gian dài càng làm xuất hiện những quan ngại về một hợp tác quân sự bí mật giữa Bắc Kinh và Phnom Penh.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có hai tàu Trung Quốc đã “thường trú” tại căn cứ Ream hơn 4 tháng (12/2023 – 4/2024).
Những hình ảnh của BlackSky, một công ty theo dõi và phân tích hình ảnh vệ tinh theo thời gian thực, cung cấp độc quyền cho BBC News Tiếng Việt thậm chí còn cho thấy hai tàu chiến này vẫn hiện diện tại Ream vào những tháng sau đó từ tháng 5 đến tháng 6/2024.