Hội nghị Trung ương Đảng 10: Bàn về nhân sự Đại hội 14, có gì chú ý?

"Tứ Trụ" Việt Nam hiện tại, từ trái qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Chụp lại hình ảnh,”Tứ Trụ” Việt Nam hiện tại, từ trái qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

9 tháng 7 2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị Trung ương 10 khóa 13 dự kiến diễn ra vào tháng 10 sẽ bàn phương hướng công tác nhân sự cho Đại hội 14.

Công tác nhân sự từ trước đến nay luôn được ông Trọng nhấn mạnh là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” và “liên quan đến vận mệnh của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước”.

Thế nhưng, Bộ Chính trị khóa 13 – nhóm những nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống Đảng Cộng sản – đến nay đã có tới bảy người “xin thôi” vì mắc điểm.

Điều này đã đặt ra những nghi vấn về công tác nhân sự do vị tổng bí thư dẫn dắt.

Giáo sư Carl Thayer bình luận với BBC vào ngày 6/7:

“Việc mất bảy ủy viên Bộ Chính trị là dấu hiệu cho thấy ưu tiên xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sụt giảm bởi chiến dịch chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong Đảng.

“Ba nhiệm kỳ tổng bí thư của ông, quá trình lựa chọn nhằm xác định và chọn lọc các lãnh đạo ‘hồng, chuyên và sạch’ đã thất bại.”

Tình trạng nhân sự cấp cao

Công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù là vấn đề liên quan đến lợi ích công, có tính chất quan trọng đối với vận mệnh đất nước, vẫn luôn được giữ bí mật. Điều này đã được luật hóa.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị khóa 13 đã chứng kiến biến động dữ dội về nhân sự khi có tới bảy nhân vật từng được chính Đảng Cộng sản chọn lọc kỹ và đánh giá là vừa có đức, vừa có tài nhưng đã phải rời sân khấu chính trị vì mắc khuyết điểm. Ba trong số đó nằm trong nhóm năm lãnh đạo cấp cao nhất.

Có thể nói, chưa từng có khóa nào mà các ủy viên Bộ Chính trị lại rời ghế liên quan đến các vấn đề kỷ luật khi chưa hoàn thành trọn nhiệm kỳ nhiều như khóa 13 này.

Đặc biệt trong năm 2024 thì tần suất mất chức rất dày đặc. Mở đầu là trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (tháng 1), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (vào tháng 3), tiếp đó là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 4), rồi Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (tháng 5) và mới đây nhất là Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (tháng 6).

Trước đó là hai trường hợp Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 đã "xin thôi" từ đầu khoá tới hiện tại
Chụp lại hình ảnh,Bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 đã “xin thôi” tính tới hiện tại (từ trái qua, hàng trên): Phạm Bình Minh, Trương Thị Mai, Trần Tuấn Anh; (hàng dưới): Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng

“Việt Nam đang đối mặt với một hoàn cảnh chưa từng có. Hiện chỉ còn hai ủy viên Bộ Chính trị có thể làm trọn một nhiệm kỳ 5 năm và đủ điều kiện về tuổi để tái ứng cử, tức dưới 65 tuổi (tuổi nghỉ hưu bắt buộc) khi Đại hội 14 diễn ra. Đó là Trần Thanh Mẫn và Trần Cẩm Tú,” Giáo sư Thayer đánh giá.

Số còn lại, 13 ủy viên trong Bộ Chính trị có thể được chia thành ba nhóm:

  • Nhóm đầu tiên gồm ba ủy viên đã phục vụ ít nhất trọn vẹn hai nhiệm kỳ: là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Tô Lâm. Cả ba đều sẽ quá 65 tuổi và cần được xếp vào trường hợp đặc biệt, tức được miễn trừ tuổi nghỉ hưu bắt buộc. Riêng ông Trọng đã “3 lần trường hợp đặc biệt” vì ông vốn đã quá tuổi từ Đại hội 11 vào năm 2011. Thêm nữa, việc ông làm thêm nhiệm kỳ thứ ba đã là trái với Điều lệ Đảng rồi.
  • Nhóm thứ hai gồm sáu thành viên sẽ làm trọn một nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2026 là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Tương tự nhóm 1, cả sáu người này sẽ quá 65 tuổi vào tháng 1 năm 2026 (thời điểm dự kiến diễn ra Đại hội 14).
  • Nhóm thứ ba gồm bốn gương mặt mới được bầu bổ sung vào giữa khóa là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Tất cả đều dưới 65 tuổi vào năm 2026. Lưu ý là những người này đến năm 2026 vẫn chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị.
Tình hình tuổi tác của Bộ Chính trị khóa 13 vào thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 14 năm 2026
Chụp lại hình ảnh,Tình hình tuổi tác của Bộ Chính trị khóa 13 vào thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 14 năm 2026

Cần lưu ý, Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có nêu việc xem xét trường hợp đặc biệt. Diện đặc biệt vào “Tứ trụ” sẽ được Ban Chấp hành Trung ương quyết định còn chức thường trực Ban Bí thư thì do Bộ Chính trị quyết.

Điều này nghĩa là các nhân vật quá 65 tuổi vào thời điểm diễn ra Đại hội 14, nếu muốn tiếp tục sự nghiệp thì phải vào “Tứ Trụ” hoặc làm thường trực Ban Bí thư.

Ngoài các ủy viên Bộ Chính trị nói trên thì những ủy viên Ban Bí thư cũng có thể trở thành ủy viên Bộ Chính trị khóa 14. Trong đó, cả Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đều chưa quá 65 tuổi vào tháng 1/2026 và có khả năng nằm trong quy hoạch nhân sự cho Đại hội 14.

Với tình hình nhân sự hiện tại, Giáo sư Thayer đánh giá rằng việc chuyển giao quyền lực đã trở nên cứng nhắc ngay cả trong thời điểm tốt nhất:

“Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương sẽ phải đề xuất nhiều trường hợp ngoại lệ hơn về độ tuổi hoặc thay đổi các quy tắc, quy định để kéo dài tuổi nghỉ hưu hơn thì mới có thể lấp đầy tất cả các ghế trong một Bộ Chính trị mới.”

Theo Điều lệ Đảng, số lượng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư là do Ban Chấp hành Trung ương mỗi khóa quyết định. Do đó, chưa rõ Bộ Chính trị khóa 14 sẽ có quy mô như thế nào.

Tuy nhiên, Giáo sư Thayer dự đoán rằng, có vẻ Bộ Chính trị sẽ có số lượng lớn những gương mặt mới hoàn toàn so với thông thường, “chưa kể đến khả năng sẽ có một tổng bí thư mới”.

Ông Lê Minh Khái và ông Lê Hoài Trung là hai ủy viên Ban Bí thư có thể thăng tiến vào Bộ Chính trị 14
Chụp lại hình ảnh,Ông Lê Minh Khái và ông Lê Hoài Trung là hai ủy viên Ban Bí thư có thể thăng tiến vào Bộ Chính trị 14

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tiểu Ban nhân sự

Cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 là vào tháng 3/2024, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người đứng đầu tiểu ban – chủ trì.

Ông Trọng cho biết rằng các kỳ đại hội Đảng thường có nhiều nội dung, nhưng có hai vấn đề quan trọng nhất là “văn kiện và công tác nhân sự” và ông là người đứng đầu cả hai tiểu ban này cho Đại hội Đảng 14.

Theo diễn giải của Đảng, Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 có nhiệm vụ xây dựng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; kế hoạch giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng – ở đây bao gồm “Tứ Trụ” và thường trực Ban Bí thư.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từng trả lời BBC trước đây rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự, trách nhiệm của ông là điều phối công việc của tiểu ban, làm việc theo nguyên tắc tập thể.

“Ông Trọng có thể giới thiệu nhân sự tổng bí thư, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư… và các ủy viên khác của tiểu ban cũng có quyền giới thiệu, lựa chọn và tất cả cùng đánh giá.

“Cuối cùng, Tiểu ban Nhân sự sẽ lên một danh sách nhân sự gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước cho khóa 14. Quyết định về nhân sự là quyết định tập thể,” ông Hợp nói với BBC.

Một nhà quan sát khác giấu tên nhận định với BBC rằng, Tiểu ban Nhân sự quyết định cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn của các vị trí chủ chốt, nên về cơ bản, Tiểu ban Nhân sự “là cửa soát vé quan trọng nhất của Trung ương về vấn đề nhân sự trước mỗi kỳ đại hội”.

Như vậy có thể thấy tầm quan trọng của Tiểu ban Nhân sự do ông Trọng nắm và vai trò của cá nhân ông trong việc giới thiệu, lựa chọn những lãnh đạo hàng đầu của Đảng.

Lưu ý, Tổng Bí thư Trọng cũng là người cầm trịch Tiểu ban Nhân sự Đại hội 12, 13.

Thực tế khóa 12 và 13 có có tổng cộng tới 10 ủy viên Bộ Chính trị bị “xử lý”, nhiều ủy viên Trung ương Đảng phải đi tù.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh là hai ủy viên Trung ương Đảng đã lãnh án tù
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh là hai ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 đã lãnh án tù

Trao đổi với BBC, Giáo sư Thayer nói rằng quá trình tuyển chọn do ông Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt nhằm xác định và sàng lọc các lãnh đạo “hồng, chuyên và sạch” đã thất bại.

“Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương sẽ phải cho phép nhiều trường hợp ngoại lệ hơn về độ tuổi nghỉ hưu hoặc thay đổi các quy định và kéo dài tuổi nghỉ hưu hơn để có thể lấp đầy tất cả các ghế trong Bộ Chính trị mới,” ông nói.

‘Lò’ tiếp tục nóng

Trong bài phát biểu dài hơn 4.000 từ tới hội nghị của Đảng ủy Công an Trung ương vào ngày 4/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, mong muốn lực lượng công an làm tốt vai trò “thanh bảo kiếm” của Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh “từ xa” và bảo vệ tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội 14.

Ông Trọng đã chỉ đạo lực lượng công an “bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi…”

Chỉ đạo của ông Trọng gợi ý rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp diễn, với mức độ quyết liệt không giảm.

Chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là “đốt lò”, được đánh giá là di sản, dấu ấn trong suốt ba nhiệm kỳ làm tổng bí thư của ông Trọng.

Ông được ca ngợi là “người đốt lò vĩ đại” với những phát ngôn đanh thép về chống tham nhũng như “không vùng cấm, không ngoại lệ” hay “lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra Chỉ số Nhận thức Tham nhũng hằng năm để xếp hạng các quốc gia theo thang điểm từ 100 (rất trong sạch) đến 0 (rất tham nhũng).

Khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư vào năm 2011, Việt Nam đạt 27 điểm và Việt Nam đã liên tục tăng điểm một cách bền vững cho đến năm 2023, nước này bị giảm từ 42 xuống còn 41.

Xét từ năm 2011, Việt Nam đã thăng gần 20 hạng, từ 112/182 lên 82/180.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế
Chụp lại hình ảnh,Chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam, nguồn: Tổ chức Minh bạch Quốc tế

Giáo sư Carl Thayer đánh giá cao những mặt tích cực của chiến dịch chống tham nhũng nhưng ông cho rằng, tình trạng tham nhũng vẫn còn tràn lan ở Việt Nam.

“Rõ ràng có một số lĩnh vực quản trị, chẳng hạn như đất đai, phát triển bất động sản, xây dựng, dễ dẫn đến tình trạng hối lộ hơn những lĩnh vực khác. Có vẻ như việc quan chức lợi dụng môi trường này để trục lợi là điều khá bình thường.”

Xét các ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 bị khởi tố, bắt giam về các nhóm tội tham nhũng thì cũng có thể dễ dàng nhận thấy đa phần họ đều liên quan đến các tập đoàn lớn: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan (vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn); Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái (vụ Thuận An); Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận (vụ án Đại Ninh)…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Xét về “hồng” và “chuyên” trong số những lãnh đạo, quan chức phải rời ghế vì có sai phạm trong khóa 13, có thể thấy và Trương Thị Mai và ông Võ Văn Thưởng là những ủy viên Bộ Chính trị được đánh giá là “hồng hơn cả hồng”.

Điều này có nghĩa là ngay cả những người mà học vấn và sự nghiệp họ gắn liền với Đảng, trưởng thành và đi lên từ Đoàn, Đảng thì cũng không thoát khỏi việc bị Đảng cho là mắc khuyết điểm, phải xin thôi chức.

Điều đáng lưu ý là, theo Giáo sư Carl Thayer, trong số bảy ủy viên Bộ Chính trị phải từ chức, không có ai thuộc phe phái, nhóm lợi ích hay có hành động đi ngược lại với lý tưởng, nguyên tắc, chính sách của Đảng vì lý do chính trị.

“Nói cách khác, họ tham lam hoặc kém cỏi về mặt quản lý nhưng không hề bất trung với đảng về mặt chính trị,” ông Thayer đánh giá.

Bài Liên Quan

Leave a Comment