Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị bắt

2024.07.10

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị bắt

Ông Lê Thanh Vân

 Báo điện tử Chính Phủ

Ủy ban thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Thanh Vân và đồng ý việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông.

Truyền thông Nhà nước chiều 10/7 dẫn thông tin từ Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1090 theo đề nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao đối với ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 15.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an tỉnh Thái Bình vào chiều ngày 10/7 cũng cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Lê Thanh Vân (sinh năm 1964, ngụ tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội) để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo Điều 358 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Những biện pháp này được tiến hành trong quá trình mở rộng điều tra vụ án cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về tội “cưỡng đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại tỉnh Thái Bình.

Ông Lê Thanh Vân có trình độ tiến sĩ luật, là đại biểu Quốc hội ba khóa liên tiếp và là Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách các khóa 14,15.

Ông Vân nhiều năm làm việc tại Vụ Hoạt động Đại biểu dân cử của Quốc hội (nay là Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Năm 2014, ông Lê Thanh Vân từng được luân chuyển về địa phương làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Hồi năm 2020, ông Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội giám sát tối cao đối với vụ án của tử tù Hồ Duy Hải kêu oan, ông cũng có một số phát biểu nổi tiếng tại nghị trường Quốc hội như: “Cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật”, hay “cái áo thể chế của chúng ta đã quá chật hẹp, cần rà soát đồng bộ để có đổi mới toàn diện thay vì vá víu một cách ngắn hạn”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment