Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đang tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington DC – chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông kể từ khi trở thành thủ tướng.
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh quân sự hôm thứ Ba (9/7), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết NATO “mạnh hơn bao giờ hết” và khối này đang phải đối mặt với một “thời điểm then chốt”, với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
NATO là gì và tại sao được thành lập?
NATO – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – được thành lập năm 1949 với 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Canada và Pháp.
Hiệp ước được ký kết tại Washington DC và lãnh đạo các nước NATO đã kỷ niệm sự kiện này vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 9 -11/7.
Mục đích chính của NATO là ngăn chặn sự bành trướng ở châu Âu của Liên Xô – một nhóm các nước cộng hòa cộng sản trong đó có Nga.
Các thành viên nhất trí rằng nếu một trong số họ bị tấn công thì những người khác sẽ giúp bảo vệ họ.
NATO không có quân đội riêng nhưng các nước thành viên có thể tiến hành chiến dịch quân sự phối hợp để ứng phó với khủng hoảng.
Liên minh này hỗ trợ Liên Hợp Quốc bằng cách can thiệp vào cuộc chiến ở Nam Tư cũ từ năm 1992 đến năm 2004.
Liên minh này cũng điều phối các kế hoạch quân sự và thực hiện các cuộc tập trận quân sự chung.
Quốc gia nào là thành viên của NATO?
NATO hiện có 32 thành viên trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ, gồm: Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh, Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Séc, Hungary, Ba Lan, Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia, Slovenia, Albania, Croatia, Montenegro, Bắc Macedonia, Phần Lan, Thụy Điển.
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nhiều nước Đông Âu đã tham gia, gồm: Albania, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Romania, Lithuania, Latvia và Estonia.
Phần Lan – quốc gia có đường biên giới đất liền dài 1.340km với Nga – đã gia nhập vào tháng 4/2023.
Thụy Điển trở thành thành viên vào tháng 3/2024.
Cả hai nước nói trên đều nộp đơn xin gia nhập vào tháng 5/2022, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, sau khi đã giữ thái độ trung lập trong nhiều thập kỷ.
Ukraine, Bosnia và Herzegovina và Georgia cũng hy vọng được gia nhập NATO.
Tại sao Ukraine chưa thuộc NATO và khi nào có thể gia nhập?
Nga luôn phản đối ý tưởng Ukraine gia nhập NATO vì lo ngại điều này sẽ đưa quân đội của liên minh này đến quá gần biên giới Nga.
Tuy nhiên, vào năm 2008, NATO nói rằng Ukraine rốt cuộc có thể tham gia.
Sau cuộc xâm lược của Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đề nghị nước ông được gia nhập NATO càng sớm càng tốt.
Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg trước đây từng nói rằng việc Ukraine trở thành thành viên là điều “không thể tránh khỏi”, nhưng phải đến khi cuộc chiến với Nga kết thúc.
Kể từ tháng 7/2023, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine do Mỹ đứng đầu đã nỗ lực phối hợp để cung cấp vũ khí và huấn luyện cho Ukraine tự vệ trước Nga.
NATO đang đề xuất đảm nhận vai trò đó bằng cách thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong năm năm tới.
Các nước NATO giúp Ukraine như thế nào?
Năm 2022, NATO cho hay cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các đồng minh”.
NATO chưa đưa quân tới Ukraine hay thực thi vùng cấm bay qua không phận nước này vì sợ bị kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Tuy nhiên, các thành viên đã cung cấp vũ khí để giúp Ukraine tự vệ.
Viện Kiel, một tổ chức nghiên cứu của Đức, cho biết Mỹ đã phân bổ 50,4 tỷ euro để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong khi các nước châu Âu – Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Anh – đã phân bổ 32 tỷ euro.
Mỹ, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác đã cung cấp vũ khí chống tăng, hệ thống phòng thủ tên lửa, súng pháo, xe tăng và thiết bị bay không người lái .
Mỹ, Anh và Pháp cũng cung cấp tên lửa tầm xa.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tuần này, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ hợp tác với Đức, Ý, Hà Lan và Romania để tài trợ các đơn vị tên lửa Patriot và các hệ thống khác nhằm tăng cường khả năng phòng không của Ukraine.
Theo các quan chức, lời hứa này được đưa ra sau các cuộc không kích của Nga trên khắp Ukraine vào ngày 8/7, phá hủy một bệnh viện nhi ở Kyiv, giết chết 43 người.
Tổng thống Zelensky cầu xin các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí trong nhiều tháng ròng.
Đầu năm 2024, nguồn cung cấp đạn dược của Mỹ cạn kiệt sau khi dự luật hỗ trợ quân sự thêm cho Ukraine bị trì hoãn trong vài tháng. Các nhà sản xuất vũ khí châu Âu đã không thể lấp đầy khoảng trống.
Mỹ đang cho phép hai quốc gia NATO là Đan Mạch và Hà Lan chuyển máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất tới Ukraine.
Những chiếc máy bay đầu tiên dự kiến sẽ đến vào cuối mùa hè này.
NATO tăng cường phòng trước Nga như thế nào?
Năm 2023, các chỉ huy NATO đã thống nhất các kế hoạch chi tiết để chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga ở bất kỳ đâu tại Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương, Trung Âu hoặc khu vực Địa Trung Hải.
NATO đã tăng số lượng quân ở châu Âu trong tình trạng báo động cao từ 40.000 lên hơn 300.000.
Liên minh này cũng đã tăng cường khả năng phòng thủ ở biên giới Nga với 8 nhóm chiến đấu.
Các thành viên NATO chi bao nhiêu cho quốc phòng?
NATO yêu cầu mọi quốc gia thành viên chi ít nhất 2% thu nhập quốc dân cho quốc phòng và 23 quốc gia trong khối dự kiến sẽ đạt được mục tiêu đó vào năm 2024.
Chỉ có 3 quốc gia làm được điều này vào năm 2014.
Những nước chi tiêu nhiều nhất (tương ứng với quy mô nền kinh tế của họ) là Mỹ và các quốc gia gần Nga, như Ba Lan và các nước cộng hòa vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania).
Các thành viên châu Âu của NATO và Canada cùng tăng chi tiêu quốc phòng ước tính khoảng 9% vào năm 2023 và được dự báo sẽ tăng thêm 18% nữa vào năm 2024.
Cựu Thủ tướng Anh Rishi Sunak, đảng viên Đảng Bảo thủ, cam kết Vương quốc Anh sẽ tăng ngân sách quân sự lên 2,5% thu nhập quốc dân từ mức 2,3% hiện tại.
Phát biểu trên đường tới hội nghị thượng đỉnh ở Washington, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định chính phủ do Đảng Lao động của ông dẫn dắt sẽ tôn trọng cam kết đó.
Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Quốc phòng Anh Luke Pollard vẫn chưa cho biết khi nào sẽ đạt được mục tiêu này.
Khi còn là Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã thúc đẩy các thành viên NATO châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống hiện nay, ông Trump – ứng cử viên dự kiến của Đảng Cộng hòa – đã cảnh báo rằng nếu tái đắc cử, ông có thể khuyến khích Nga tấn công các nước NATO không chi đủ.
Ông Stoltenberg cho rằng đề xuất của ông Trump “gây hại cho an ninh của chúng ta”.
Tại một cuộc vận động tranh cử hôm thứ Ba, ông Trump nói với những người ủng hộ rằng các nước NATO hiện đang đóng góp thêm “hàng trăm tỷ USD” vì ông đã cảnh báo họ: “Không, tôi sẽ không bảo vệ các bạn khỏi Nga” trừ khi họ chi nhiều tiền hơn cho liên minh.