Thứ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Kathleen Hicks hôm qua, 22/07/2024, khẳng định Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác ở Bắc Cực, trong đó Bắc Kinh là bên tài trợ chính cho các hoạt động khai thác năng lượng của Matxcơva ở khu vực này. Bắc Cực, vốn chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu, hiện đang chứng kiến cuộc cạnh tranh về hàng hải và tài nguyên giữa các cường quốc. Theo Lầu Năm Góc, Nga và Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác quân sự, tập trận chung ở ngoài khơi Alaska.
Đăng ngày: 23/07/2024
Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng những tác động từ hợp tác Nga-Trung tại khu vực này sẽ càng lớn hơn do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái đất tăng lên khiến lớp băng hà mỏng dần. Lầu Năm Góc cũng nêu ra nguy cơ từ nay đến năm 2030, Bắc Cực sẽ có mùa hè đầu tiên không có băng. Điều này sẽ làm gia tăng các tuyến hàng hải cũng như khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản dưới biển.
Theo AFP, tình trạng băng tan đã thúc đẩy hoạt động kinh tế tại Bắc Cực, nhiều nước tìm kiếm các mỏ dầu, khí đốt, hay xây dựng tuyến vận tải hàng hải qua khu vực này. Những năm vừa qua, trong khi Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào các hoạt động thăm dò tại khu vực này, thì Nga đã tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực, tái thiết nhiều căn cứ quân sự bỏ hoang từ thời Liên Xô, hoặc xây dựng « Tuyến đường biển phương Bắc » nối châu Á với châu Âu. Để xây dựng tuyến đường này, Matxcơva đã sử dụng một đội tàu phá băng hạt nhân. Nga dự trù vận chuyển 190 triệu tấn hàng hóa qua con đường này từ nay đến năm 2030.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay đã có phản ứng, cáo buộc « Mỹ bóp méo chính sách Bắc Cực của Bắc Kinh…, đưa ra những bình luận vô trách nhiệm về các hoạt động bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Bắc Cực.»
Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cũng đảm bảo rằng Matxcơva đang « áp dụng quan điểm có trách nhiệm » ở Bắc Cực, và «hợp tác Nga-Trung ở Bắc Cực chỉ góp phần tạo một bầu không khí ổn định và có thể dự đoán được ».