Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định xét quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam

July 25, 2024

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định hoãn lại việc nâng cấp Việt Nam lên thành nền kinh tế thị trường cho đến đầu tháng 8 tới, lý do được đưa ra là sự gián đoạn về công nghệ thông tin. Quyết định này, theo một bản ghi nhớ của Bộ Thương mại Mỹ, ban hành vào ngày 24/7, vốn được mong đợi sẽ có vào ngày 26/7.

Việc nâng cấp này được chờ đợi từ lâu bởi Sài Gòn, nhưng lại vấp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất thép, người nuôi tôm và nuôi mật ong ở Bờ Vịnh Hoa Kỳ. Trong khi đó, các nhà bán lẻ và một số nhóm kinh doanh khác lại ủng hộ mạnh mẽ. Nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ giảm bớt thuế chống bán phá giá. Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường do ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà nước.

Trong bản ghi nhớ này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ nêu rõ lý do trì hoãn là do “gián đoạn liên tục đối với các nguồn lực và nền tảng công nghệ thông tin” và thời hạn đưa ra quyết định cuối cùng sẽ được kéo dài thêm sáu ngày. Bản ghi nhớ đã được đệ trình trong hồ sơ vụ việc công khai của Bộ Thương mại để xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam.

Đại diện của Bộ Thương mại không cung cấp thêm thông tin chi tiết về lý do trì hoãn này. Tuy nhiên, họ cho biết rằng sự gián đoạn liên quan đến bản cập nhật phần mềm của công ty an ninh mạng CrowdStrike vào tuần trước, gây ra sự cố gián đoạn công nghệ thông tin trên toàn cầu.

Ngày 26/7, ngày dự kiến có quyết định, cũng là ngày quốc tang của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người đã qua đời vào tuần trước. Do đó, việc ra quyết định vào cùng ngày tang lễ có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng với Trung Quốc.

Các nhà phân tích nhận định rằng cái chết của ông Trọng có thể tạo thêm áp lực lên Hoa Kỳ trong việc lôi kéo Việt Nam vào quỹ đạo của mình. Alexander Vuving, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Inouye ở Hawaii, cho rằng đây là một quyết định “khó khăn” cho chính quyền Biden. Trong khi Mỹ đang tìm cách củng cố quan hệ với Việt Nam, ngành công nghiệp và lao động trong nước lại đang lo lắng trước kỳ bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 tới.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Sài Gòn vào năm ngoái, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã ca ngợi Việt Nam như một đối tác thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ. (KTT/Dat Viet)

Bài Liên Quan

Leave a Comment