Các cơ quan tình báo cảnh báo về mối đe dọa đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Mỹ

Giám đốc NCSC cho biết, ‘Những hành động này đe dọa đến an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và có thể trực tiếp dẫn đến sự phá sản của các công ty này.’

Các cơ quan tình báo cảnh báo về mối đe dọa đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Mỹ

Một tấm wafer silicon được trưng bày trong một sự kiện công nghệ ở San Jose, California, hôm 23/03/2011. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Aaron Pan

Thứ ba, 30/7/2024

Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Hoa Kỳ (NCSC) đã cảnh báo các công ty khởi nghiệp công nghệ Mỹ rằng các đối thủ ngoại quốc như Trung Quốc có thể sử dụng các khoản đầu tư để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm và tài sản trí tuệ của họ, làm suy yếu an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Trong một bản tin chung được công bố hôm 24/07, NCSC đã bày tỏ mối lo ngại lớn về các mối đe dọa tiềm ẩn từ các khoản đầu tư từ “các tác nhân đe dọa ngoại quốc” này và đưa ra những hướng dẫn để giải quyết những rủi ro đó.

“Các công ty khởi nghiệp công nghệ mới nổi của Hoa Kỳ đang đi đầu trong đổi mới của Hoa Kỳ, nhưng họ phải đối diện với rủi ro khi tìm kiếm đầu tư ngoại quốc tiềm năng để mở rộng công ty của họ,” giám đốc NCSC Michael Casey cho biết trong một tuyên bố. “Thật không may, các đối thủ của chúng ta tiếp tục khai thác các khoản đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp của Hoa Kỳ để lấy dữ liệu nhạy cảm của họ. Những hành động này đe dọa đến an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và có thể trực tiếp dẫn đến sự phá sản của các công ty này.”

“Các công ty khởi nghiệp của Hoa Kỳ có thể mất thị phần và phá sản nếu các tác nhân đe dọa ngoại quốc có được dữ liệu độc quyền của họ trong quá trình đầu tư rồi sau đó sử dụng dữ liệu này để cạnh tranh chống lại họ trên thị trường toàn cầu.”

Bản tin cảnh báo rằng các tác nhân ngoại quốc có thể sử dụng các chiến thuật để che giấu cấu trúc sở hữu phức hợp hoặc nguồn gốc của các quỹ của họ bằng cách đầu tư thông qua các trung gian, các quỹ, hoặc các đối tác tại Hoa Kỳ hoặc một quốc gia thứ ba. Những hình thức này có thể giúp họ “tránh được hoặc gây phức tạp cho sự giám sát bên ngoài thông qua các mức độ tách biệt,” chẳng hạn như tránh sự giám sát của Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (‎CFIUS), một cơ quan liên ngành xem xét các thỏa thuận đầu tư để phát hiện rủi ro an ninh quốc gia.

Hoa Kỳ đã tăng cường các biện pháp nhằm kiềm chế tham vọng công nghệ của chính quyền cộng sản Trung Quốc, vốn có khả năng đe dọa đến sự thống trị công nghệ của Hoa Kỳ. Ví dụ, vào tháng 10/2022, chính phủ Tổng thống Biden đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất cảng toàn diện đối với thiết bị sản xuất vi mạch sang Trung Quốc để làm suy yếu khả năng phát triển vi mạch bán dẫn tiên tiến nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của nước này.

NCSC cũng cảnh báo rằng các tác nhân đe dọa ngoại quốc có thể lợi dụng các công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn của Hoa Kỳ, lợi dụng nhu cầu về vốn của họ để đổi lấy việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.

Những nhà đầu tư thù địch này cũng có thể tiếp cận dữ liệu và công nghệ nhạy cảm và độc quyền từ các công ty khởi nghiệp “dưới chiêu bài thẩm định trước khi đầu tư,” bản tin cho biết. Các đối thủ ngoại quốc có thể sử dụng dữ liệu và công nghệ này để thúc đẩy “năng lực kinh tế và quân sự của họ với cái giá phải trả của Hoa Kỳ,” bản tin cho biết.

Bản tin trích dẫn một công ty Anh đã phá sản sau khi chuyển giao công nghệ cho một nhà đầu tư Trung Quốc, nhà đầu tư này sau đó đã từ bỏ thỏa thuận sau khi có được tài sản trí tuệ. NCSC đã báo cáo những cáo buộc tương tự từ một số công ty Hoa Kỳ và Âu Châu, nơi các nhà đầu tư Trung Quốc đã rút lại các đề nghị đầu tư sau khi có được dữ liệu độc quyền trong quá trình thẩm định.

Bản tin này là kết quả hợp tác giữa đơn vị an ninh kinh tế và công nghệ mới của Giám đốc Tình báo Quốc gia, Văn phòng Điều tra Đặc biệt của Không quân và Cục Điều tra Tội phạm Hải quân.

Ngoài ra, bản tin còn cảnh báo rằng các công ty khởi nghiệp có thể bị từ chối hợp đồng hoặc tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ “nếu các tác nhân đe dọa ngoại quốc có chỗ đứng trong công ty của họ.” Họ cũng có thể bị các tổ chức ngoại quốc gây ảnh hưởng, dẫn đến các quyết định của công ty làm lợi cho lợi ích của ngoại quốc hơn là lợi ích của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

NCSC đã trích dẫn IDG Capital như một ví dụ về một công ty đầu tư có trụ sở tại Trung Quốc được Ngũ Giác Đài chỉ định là công ty quân sự Trung Quốc vào đầu năm nay. IDG Capital đã đầu tư vào hơn 1,600 công ty, bao gồm cả các công ty tại Hoa Kỳ.

Năm 2018, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã cảnh báo rằng chế độ cộng sản Trung Quốc ngày càng tập trung vào đầu tư vốn mạo hiểm (VC) tại Hoa Kỳ. “Điều đáng chú ý là trọng tâm theo ngành của các nhà đầu tư VC của Trung Quốc tại Hoa Kỳ tương hợp với việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục chuyên mua lại các công nghệ mới nổi thông qua đầu tư ngoại quốc và hợp tác quốc tế.”

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nhận thấy rằng các lĩnh vực công nghệ mà các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc ưu tiên bao gồm trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ sinh học, thực tế tăng cường/thực tế ảo, và công nghệ tài chính.

Bên cạnh cảnh báo về dòng đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp của Hoa Kỳ, chính phủ liên bang ngày càng áp đặt nhiều hạn chế đối với đầu tư ra ngoại quốc từ các công ty Hoa Kỳ vào Trung Quốc.

Tháng 08/2023, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh cấm các khoản đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ vào các công nghệ quan trọng “thúc đẩy đáng kể năng lực quân sự, tình báo, giám sát hoặc mạng của các quốc gia đáng quan ngại.”

Tháng trước, chính phủ liên bang đã đề xướng các quy định mới hạn chế các khoản đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ nhằm trợ giúp phát triển các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, máy điện toán lượng tử, và vi mạch bán dẫn, tại Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia.

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment