Hai thủ lĩnh Hamas và một chỉ huy quân sự của Hezbollah liên tiếp bị giết trong những ngày qua có thể thổi bùng thêm ngọn lửa xung đột ở khu vực.
Thủ lĩnh chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh bị giết hôm 31/7 tại thủ đô Tehran của Iran. Israel chưa chính thức nhận trách nhiệm trong vụ việc này nhưng cả Hamas lẫn Iran đều khẳng định Israel là thủ phạm.
Cùng thời gian, Israel tuyên bố đã giết chết chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah là Fuad Shukr trong một cuộc tấn công tại Beirut (Li Băng) vào ngày 31/7.
Tiếp sau đó, vào hôm nay (1/8), quân đội Israel lại lên tiếng cho biết một nhân vật cấp cao khác của Hamas là Mohammed Deif đã bị giết trong một cuộc không kích ở Dải Gaza vào tháng trước.
Phía Israel nói rằng Mohammed Deif, thủ lĩnh nhánh quân sự của phong trào Hồi giáo Hamas, là mục tiêu trong cuộc tấn công vào một khu nhà ở Khan Younis vào ngày 13/7.
Hamas vẫn chưa xác nhận cái chết của vị chỉ huy này.
Israel cho biết Deif là một trong những nhân vật chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ngày 7/10 ở miền nam Israel khiến 1.200 người thiệt mạng.
Liên tiếp các vụ ám sát nhằm vào các nhân vật cấp cao của Hamas và Hezbollah, hai tổ chức quân sự chống Israel, tình hình khu vực đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Do Haniyeh bị giết trên đất Iran nên lãnh tụ tối cao nước này đã tuyên bố sẽ trả thù Israel.
Thủ tướng Li Băng Najib Mikati cũng lên án cuộc tấn công giết chết ông Shukr, gọi đó là “sự hung hăng trắng trợn của Israel”.
Cái chết của ông Haniyeh
Ông Ismail Haniyeh chết hôm 31/7.
Theo truyền thông Iran, ông Haniyeh bị giết sau khi một tên lửa đánh trúng căn nhà ông đang ở. Vụ ám sát diễn ra ngay sau khi ông Haniyeh tham gia lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.
Máy bay của Israel được cho là đã bắn tên lửa từ bên ngoài không phận Iran.
Ông Haniyeh, 62 tuổi, là một thành viên nổi bật của phong trào Hamas từ cuối những năm 1980.
Hamas cáo buộc những “kẻ theo Chủ nghĩa phục quốc Do Thái” thực hiện vụ ám sát này.
Cái chết của ông Haniyeh có thể làm đình trệ những nỗ lực đạt được một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Ông Haniyeh là một nhân vật quan trọng trong các cuộc đàm phán do Qatar, Mỹ và Ai Cập làm trung gian.
Nhiều quốc gia, bao gồm Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Qatar, đã lên án cuộc tấn công.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng vụ ám sát là “một việc mà chúng tôi không biết và không liên quan”.
Tuy nhiên, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Saeed Iravani đã đổ lỗi cho cả Mỹ về cái chết của Ismail Haniyeh.
“Trách nhiệm của Mỹ, với tư cách là đồng minh chiến lược và là bên ủng hộ chính của Israel trong khu vực, không thể bị bỏ qua trong tội ác khủng khiếp này,” đài CNN dẫn lời ông Iravani.
Đòn tấn công vào Hezbollah
Cũng vào ngày 31/7, Thủ lĩnh Hezbollah Fuad Shukr đã thiệt mạng sau một cuộc không kích tại thành phố Beirut (Li Băng).
Theo thông tin từ chính quyền Israel, ông Shukr, với tư cách chỉ huy quân sự của Hezbollah, phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công bằng tên lửa tại Cao nguyên Golan, nơi do Israel chiếm đóng.
Đây cũng là nguyên nhân khiến Israel quyết định giết ông Shukr.
Hôm 27/7, một vụ nổ đã xảy ra tại một sân chơi ở thị trấn Majdal Shams (Cao nguyên Golan) khiến 12 trẻ em và thanh thiếu niên thuộc cộng đồng thiểu số Druze thiệt mạng.
Israel cáo buộc Hezbollah thực hiện cuộc tấn công này bằng cách bắn một quả tên lửa do Iran sản xuất từ Lebanon. Mỹ cũng cho rằng Hezbollah là thủ phạm.
Hezbollah xác nhận ông Shukr đã bị giết trong cuộc tấn công ở Beirut, nhưng phủ nhận vai trò trong vụ tấn công ở Cao nguyên Golan.
Thủ tướng Lebanon Najib Mikati mô tả đây là một “hành động tội phạm” trong “chuỗi chiến dịch hung hăng giết hại dân thường mà rõ ràng là vi phạm luật quốc tế một cách công khai”.
Trong một bài đăng ngắn trên mạng xã hội sau cuộc tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói: “Hezbollah đã đi quá giới hạn.”
Khả năng trả đũa
Israel có thể phải hứng chịu sự trả đũa từ Iran, Hamas hoặc các lực lượng ủy nhiệm thù địch khác.
Cái chết của ông Haniyeh khiến giới lãnh đạo Iran nổi giận. Phía Iran cho rằng Israel là thủ phạm trong vụ ám sát ông Ismail Haniyeh và sẽ phải hứng chịu sự “trừng phạt nặng nề”.
“Chúng tôi coi việc trả thù cho ông ấy [Haniyeh] là nghĩa vụ của mình vì ông ấy đã bị sát hại trên lãnh thổ của Cộng hòa Hồi giáo Iran,” Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei nói ngày 31/7.
Israel không nhận trách nhiệm cho cái chết của ông Haniyeh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng đất nước của ông đã giáng “những đòn mạnh mẽ” vào kẻ thù trong những ngày gần đây, bao gồm việc giết một chỉ huy cấp cao của Hezbollah ở Lebanon vài giờ trước cuộc tấn công tại Tehran.
Ông cảnh báo người dân Israel rằng “những ngày khó khăn đang ở phía trước”, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông ngày càng gia tăng.
Cánh vũ trang của lực lượng Hamas nói rằng cái chết của ông Haniyeh, người được coi lãnh đạo tổng thể của Hamas, sẽ “đẩy cuộc chiến lên một mức độ mới” và sẽ gây ra hệ quả to lớn.
Về sự kiện ám sát ông Fuad Shukr, hai quan chức Israel ẩn danh nói với Reuters hôm 31/7 rằng dù Israel đang tìm cách gây tổn hại cho Hezbollah, Tel Aviv không muốn có một cuộc chiến toàn diện với Lebanon.
Sau cuộc không kích, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden tin Israel và Hezbollah vẫn có thể tránh khỏi một cuộc chiến toàn diện.
“Mỹ không muốn tình hình leo thẳng hay một cuộc chiến toàn diện,” bà nói.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sau đó cho biết sẽ không đưa ra hướng dẫn trú ẩn cho người dân Israel, gợi ý việc Israel cho rằng Hezbollah sẽ không trả đũa ngay lập tức, hoặc trả đũa không đáng kể.
Cả Israel và Hezbollah đều ý thức rõ cái giá của một cuộc chiến toàn diện, điều có thể kéo cả Iran vào cuộc và về phe Hezbollah.
Một quan chức Israel đã xác nhận với CBS News, đối tác của BBC ở Mỹ, rằng Israel đã thông báo trước cho Mỹ về cuộc tấn công ở Beirut.
Leo thang căng thẳng
Thời gian gần đây, các lãnh đạo thế giới đã lên tiếng kêu gọi các phe ở Trung Đông kiềm chế vì lo ngại một cuộc chiến toàn diện nổ ra.
Vào thứ Ba 30/7, Ngoại trưởng Anh David Lammy đã khuyên công dân Anh ở Lebanon rời đi ngay lập tức nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ “bị mắc kẹt trong vùng chiến sự”.
Ông Lammy đã đến Qatar cùng với Bộ trưởng Quốc phòng John Healey để “thúc đẩy các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza và kêu gọi giảm leo thang trong khu vực”, theo Bộ Ngoại giao Anh.
Ông nói rằng sự leo thang căng thẳng và bất ổn “không có lợi cho ai” và nói thêm:
“Điều tối quan trọng là hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Qatar, những bên đóng vai trò then chốt trong việc làm trung gian cho xung đột ở Gaza, để chúng ta có thể chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này.”
Chính quyền Úc cũng đã kêu gọi công dân mình rời khỏi Lebanon.
“Đã đến lúc rời đi, tình hình an ninh có thể xấu đi nhanh chóng với ít, hoặc không có, dấu hiệu báo trước,” Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong nói trong một video đăng trên mạng xã hội X vào ngày 31/7.
Mỹ cũng khuyến cáo công dân không nên đến Lebanon do sự “leo thang căng thẳng”.
Một số hãng hàng không đã hủy chuyến bay đến Beirut.
United Airlines, Delta Airlines và British Airways dự kiến sẽ thông báo tạm dừng các chuyến bay đến Tel Aviv (Israel).