Một máy bay quân sự không người lái của Trung Quốc với thiết bị theo dõi được bật đã bay gần bờ biển Việt Nam vào tuần trước, Dự án Đại sử ký Biển Đông cho Reuters hay hôm 5/8.
Đây là lần đầu tiên trong năm năm theo dõi của Dự án Đại sử ký Biển Đông – một dự án phi lợi nhuận nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông – Bắc Kinh công khai các hoạt động như vậy.
Chuyến bay hôm thứ Sáu của máy bay WZ-10 xuất phát từ đảo Hải Nam và quay trở lại đó sau khi bay khoảng 100 km từ bờ biển Việt Nam đến thành phố Nha Trang ở phía nam, theo bản đồ lộ trình đường bay được bà Vân Phạm, Giám đốc Dự án Đại sử ký Biển Đông chia sẻ với Reuters.
Nhóm nghiên cứu của Dự án Đại sử ký Biển Đông đã sử dụng các dữ liệu theo dõi có thể truy cập công khai để phân tích đường đi của chiếc máy bay nói trên.
Không rõ liệu các chuyến bay tương tự khác được thực hiện trước đó có tắt thiết bị theo dõi bị tắt hay không.
Các tàu Trung Quốc thường tắt thiết bị theo dõi khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng – một vùng biển cách bờ biển của một quốc gia từ 12 đến 200 hải lý (370 km), nơi mà hầu hết các hoạt động di chuyển đều được phép theo luật pháp quốc tế mà không cần sự cho phép trước, mặc dù thường bị theo dõi chặt chẽ.
Bà Vân Phạm cho biết các nhà nghiên cứu khác, những người đã theo dõi Biển Đông trong thời gian dài, đã xác nhận với bà rằng đây là lần đầu tiên một chuyến bay như vậy được Trung Quốc công khai.
Reuters không thể xác minh độc lập các hồ sơ trước đây về các chuyến bay như vậy.
Chuyến bay này diễn ra vài ngày sau khi Hà Nội tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung đầu tiên của cảnh sát biển nước này với Philippines, dự kiến bắt đầu vào ngày 9/8, và sau khi Việt Nam đệ trình yêu sách Thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc vào tháng trước.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam, và Bộ ngoại giao Trung Quốc, không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters.
Các tàu Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và khi bật máy thu phát tín hiệu, các hoạt động của các tàu này bị theo dõi và đôi khi bị Hà Nội cũng như các quốc gia có yêu sách khác ở Biển Đông – nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ – chỉ trích.
Việt Nam, Trung Quốc – hai nước láng giềng do Đảng Cộng sản cai trị – có quan hệ kinh tế chặt chẽ và quan hệ chính trị gần gũi, nhưng thường xuyên xảy ra xung đột về ranh giới ở Biển Đông, một tuyến đường thủy quan trọng, theo Reuters.
Các cuộc xung đột thường xuyên liên quan đến các tàu tuần duyên.
Chuyến bay nói trên của Trung Quốc diễn ra trong giai đoạn Việt Nam có nhiều thay đổi nhạy cảm ở thượng tầng chính trị trong những tháng gần đây.
Biển Đông trong nhiều thập kỷ đã liên tiếp đặt ra thách thức ngoại giao cho chính phủ Việt Nam, giữa việc phải cân bằng nhu cầu bảo vệ chủ quyền trong khi vừa phải đảm bảo không gây tổn hại cho mối quan hệ quan trọng với Bắc Kinh.
Hôm thứ Bảy (3/8), Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ nhiệm cựu bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm tổng bí thư, chức vụ quyền lực nhất trong hệ thống chính trị nước này, thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, người qua đời hai tuần trước đó.